Phát triển thị trường lan Hồ điệp:  “Mỏ vàng” còn... bỏ ngỏ

Nguyễn Cường - Thế Hoàng| 14/02/2021 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan Hồ điệp thương phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng này trở thành sản phẩm phát triển sinh kế bền vững cho người nông dân đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính...bứt phá.

Phát triển chưa xứng với...tiềm năng

Tại Việt Nam, những năm qua, lan Hồ điệp được tiêu thụ rất mạnh. Theo Hiệp hội sản xuất hoa lan Hồ điệp Đài Loan (Trung Quốc), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch nhập khẩu hoa lan Hồ điệp lớn nhất từ Đài Loan chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản, trên cả Hà Lan. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến năm 2018, số lượng hoa Hồ điệp Việt Nam nhập khẩu từ Đài Loan từ chỗ hơn 5,3 triệu (USD) đã tăng lên hơn 16,6 triệu đô tương đương hơn 382 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với 39% hơn cả Nhật Bản và Mỹ. Không chỉ nhập khẩu hoa của Đài Loan, Việt Nam còn nhập hơn 3,2 triệu cây từ Trung Quốc ước tính hơn 137,6 tỷ đồng, năm 2018.

dsc_0028.jpg
Hàng trăm nghìn cây hoa lan Hồ điệp được trồng ứng dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới tại Đan Phượng, Hà Nội 
dsc_0012.jpg
Với công nghệ tiên tiến, Việt Nam đang thành công trong nhân giống, sản xuất lan Hồ điệp với đủ màu sắc

Trong khi đó, tại Việt Nam, thủ phủ trồng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) có 60% lượng lan Hồ điệp sản xuất được xuất khẩu ra các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc...còn lại 40% tiêu thụ trong nước. Còn riêng miền Bắc 100% hoa lan Hồ điệp được tiêu thụ nội địa nhưng nguồn cung vẫn không đủ phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán nhu cầu sử dụng hoa lan khoảng 6 đến 7 triệu cây và ngày càng tăng cao.

Nhu cầu lớn là vậy nhưng hiện theo thống kê, cả nước chỉ có khoảng vài chục doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành hàng này. Chỉ tính riêng tại khu vực phía Bắc, năm 2019 chỉ có khoảng 27 doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất hoa lan Hồ điệp, trong đó tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và Quảng Ninh, chiếm khoảng 57% diện tích với số lượng sản xuất khoảng 3 triệu cây. Nếu so với tiềm năng của vùng thì con số trên vẫn rất khiêm tốn.

dsc_0032-1.jpg
Lan Hồ điệp đang ngày càng được lựa chọn, yêu thích tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Trao đổi với TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết: Nhu cầu tiêu thụ hoa lan Hồ điệp của Việt Nam rất lớn trong những năm qua, dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, số lượng sản xuất trong nước còn hạn chế, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường.

Theo TS Tiến, những năm qua việc phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa lan Hồ điệp đang chưa thực sự có sự bức phá mạnh mẽ. Một số cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, hộ gia đình đã chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất cây giống, nhập nội giống và hoa thương phẩm tạo ra nhiều khu sản xuất hoa lan Hồ điệp chất lượng cao. Tuy nhiên, việc sản xuất hoa lan Hồ điệp còn nhiều khó khăn và hạn chế như thiếu bản quyền, chưa chủ động nguồn cây giống, vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất chưa ổn định, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đặc biệt thiếu thông tin về thị trường trong và ngoài nước.

Hướng tới cơ sở cung ứng lan Hồ điệp vươn tầm thế giới

Tuy nhiên, trong khó khăn không phải không có những “điểm sáng”, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đang là xu hướng cho phát triển bền vững nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn “chơi lớn” đầu tư vào ngành “công nghiệp” này hàng nghìn tỷ đồng. Những năm qua, hiểu được thách thức và nhạy bén nắm bắt xu hướng của thị trường một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu, Hợp tác xã hoa Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) đã đổ hàng triệu đô để biến “đất nở hoa” trên những cánh đồng rộng lớn.

toan-cau-2.jpg
Hàng ngàn cây lan Hồ điệp đang được Công ty Toàn Cầu trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hàng đầu thế giới 
toan-cau-1.jpg
Hàng ngàn cây lan Hồ điệp của Công ty Toàn Cầu khoe sắc để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2021

Hiện Công ty Toàn Cầu đang xây dựng dự án sản xuất hoa lan Hồ điệp với quy mô dự tính hơn 30ha lớn nhất Châu Á theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với tổng số vốn hơn 3 nghìn tỷ đồng. Bước đầu, giai đoạn 1 của dự án, doanh nghiệp đã chi hơn 1.600 tỉ đồng để đầu tư, xây dựng hơn 30.000 m2 nhà kính trồng lan Hồ điệp và hơn 6.000 m2 nhà nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn quốc tế, được ứng dụng công nghệ trồng hoa tiên tiến của Đài Loan.

Dẫn chúng tôi đi dạo qua những vườn hoa đang khoe sắc, đại diện Công ty Toàn Cầu cho biết hiện doanh nghiệp đang thực hiện mục tiêu lớn biến nơi đây trở thành khu nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam và khu vực. Không chỉ có vậy, tổ hợp này sẽ là quy trình khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi trồng thành hoa thương phẩm nhằm giành lại vị thế “sân nhà” tại thị trường Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh, xuất khẩu ra thế giới.

toan-cau-3.jpg
Những cành lan Hồ điệp được đưa lên chậu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng (ảnh tại Siêu thị hoa Anh Trí thuộc Công ty Toàn cầu tại chợ hoa Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội)
dsc_0025.jpg
Công nhân của Công ty Toàn Cầu đang đưa lan vào hộp giấy để vận chuyển tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đồng thời, với phương châm “cùng nông dân làm giàu”, biến hoa lan Hồ điệp trở hành cây trồng chủ lực, tăng hiệu quả sử dụng đất, mỗi năm Công ty Toàn Cầu dự kiến sau 5 năm sẽ cung cấp 10 triệu cây giống và cam kết chuyển giao kỹ thuật để người nông dân có thể mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào trồng rộng rãi tạo hướng đi mới cho sinh kế bền vững của ngành nông nghiệp. Thậm chí, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu không chỉ hoa thương phẩm mà sẽ cả cây giống”- đại diện Công ty Toàn Cầu chia sẻ.

Hiện tại, do làm chủ được công nghệ trồng lan Hồ điệp đẳng cấp thế giới “muốn hoa nở vào thời điểm nào đều có thể” nên thời gian qua, lan Hồ điệp Toàn Cầu đã khẳng định được thương hiệu. Vào dịp cuối năm, công ty đã sản xuất gần 20 vạn cây lan nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, mô hình này đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 7 đến 10 triệu đồng/tháng.

dsc_0004.jpg
Nhiều lao động tại địa phương đang có công việc ổn định với nghề trồng, chăm sóc lan Hồ điệp tại Công ty Toàn Cầu.

Có được những thành công bước đầu, ông Nguyễn Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu cho rằng không thể không nhắc tới hiệu quả từ mối liên kết “3 nhà” đó là nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học. Theo ông Trí, ngành hoa nói chung và lan Hồ điệp nói riêng có bước phát triển như hiện nay là do Nhà nước đã có sự tháo gỡ cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt quan trọng của các nhà khoa học. Chính những nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp ngay từ những bước đầu ứng dụng công nghệ.

dsc_0324.jpg
Công nhân đang chăm sóc lan Hồ điệp được trồng trong nhà kính với tiêu chuẩn hiện đại.

Tuy nhiên, để ngành lan Hồ điệp phát triển tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, ông Trí cho rằng Nhà nước cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp và tổ chức. Đặc biệt sớm tháo gỡ vướng mắc trong việc giá thuê đất, tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp để tạo ra những cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, để phát triển ngành lan Hồ điệp bền vững khâu “then chốt” là phải đầu tư xây dựng những cơ sở nghiên cứu, cung cấp nguồn giống có chất lượng mang bản sắc Việt Nam để giảm giá thành sản xuất, chủ động nguồn cung cho nông dân. Từ đó, thúc đẩy diện tích trồng hoa lan Hồ điệp và tăng tính cạnh tranh với thị trường thế giới.

dsc_0315.jpg
Công ty Toàn Cầu đang chủ động nguồn cung về giống để phục vụ sản xuất và hướng tới cung cấp nguồn giống cho người dân mở rộng sản xuất.
dsc_0328.jpg
Mô hình trồng lan Hồ điệp đang tạo ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp.

Đồng quan điểm này, TS Tiến cho rằng mức đầu tư thông thường cho mỗi m2 trồng lan Hồ điệp ước tính khoảng 3 triệu đồng. Với mô hình của Toàn Cầu đang làm đạt chuẩn quốc tế, có nhà kính, máy lạnh, trung tâm điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng thì chi phí lên đến 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiệu quả từ mô hình của Toàn Cầu đang cho thấy trồng lan Hồ điệp sẽ là một trong những cây trồng có thể tạo ra hướng đi phát triển sinh kế bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Box:

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả), năm 2017, cả nước đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 9 triệu cây, trong đó nhập khẩu chiếm 80%, giá trị khoảng 520 tỷ đồng. Tính riêng tại miền Bắc, năm 2019, diện tích trồng hoa chiếm 57% cả nước nhưng chỉ sản xuất được hơn 1,6 triệu cây ra hoa thành phẩm. Còn lại phải nhập từ vùng khác và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu. Năm 2020 số lượng này tiếp tục tăng lên nhưng nguồn cung trong nước cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Dự đoán trong 5 năm tới, nhu cầu thị trường cả nước sẽ tăng lên khoảng 20 triệu cây/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường lan Hồ điệp:  “Mỏ vàng” còn... bỏ ngỏ