Phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm: Tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

03/07/2012 22:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là quan điểm của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 được diễn ra trong 2 ngày 2 và 3-7 tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ tái khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào.

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về giá cả, lạm pháp, nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7-2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012.

Cũng theo báo cáo, nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất như giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng, trần lãi suất tiền gửi (từ đầu năm đến nay, sau 3 lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống 9%). Về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, do phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn trong quý II (GDP quý I/2012 đạt 4%, quý II/2012 đạt khoảng 4,66%). Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%.

Phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm: Tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Toàn cảnh hội nghị

Trong những tháng đầu năm, ngành công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào và lãi suất ở mức cao, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao… song nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp 4 tháng gần đây đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét, nhất là công nghiệp chế biến.

Về thực hiện mục tiêu bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…

Kiên định các mục tiêu đã đề ra

Nhấn mạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được coi là yếu tố quyết định, mang tính nền tảng, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhưng phải nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Để góp phần thực hiện được các mục tiêu đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân thông qua tái cơ cấu nợ, cho vay mới; có chính sách hợp lý để hỗ trợ các hộ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh…

Cũng với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng các thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích sản xuất đối với những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng…

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2012 quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2%-5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho sản xuất, thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường; chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán các khả năng về thu chi ngân sách, kiểm soát kỹ lại nguồn thu. Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài; tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tính toán, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp, định hướng thông tin, đối thoại về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.

“Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân; thông tin trung thực, khách quan về mọi mặt kinh tế - xã hội nhằm định hướng dư luận xã hội, tạo đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo…” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Quang Minh
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm: Tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô