Phát hoảng với “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”

Minh Tâm| 21/10/2014 09:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cầm trên tay cuốn sách in giấy đẹp, thiết kế bắt mắt, lời nói đầu hấp dẫn, vậy mà khi dở đọc vài trang bên trong, tôi không khỏi hoảng hốt vì nội dung hoàn toàn trái ngược với những điều được tô vẽ đầu cuốn sách.

Phản giáo dục

Cuốn sách “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ” được Nhà xuất bản Thời đại liên kết với nhà sách Hương Thủy in ấn và phát hành năm 2010, được bán với giá 20.000 đồng (trong khi giá bìa là 250.000 đồng) tại Hội sách Hà Nội 2014. Ban đầu, thấy cuốn sách bắt mắt, giá lại rẻ nên tôi mua về, định bụng tặng các cháu nghe. Nào ngờ, mới lướt qua vài trang thấy cách tiếp cận và lý giải sự việc của những câu chuyện trong sách, khiến tôi phải giật mình sửng sốt.

Nội dung cuốn sách được giới thiệu dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi, là “sự kết hợp hoàn hảo giữa câu từ và hình ảnh”. Chủ đề các câu chuyện cũng được tô vẽ là “giúp trẻ hiểu được thế nào là tình thân, tình bạn và tình yêu”. 

Ngay truyện đầu tiên nói về cô bé Mùa xuân tội nghiệp bị đói và mệt, cô gặp một ông vua và xin thức ăn nhưng không được giúp đỡ, sau đó cô gặp một người nông dân tốt bụng nhưng cô bé vẫn bị chết. Người nông dân đem chôn cô và chỗ nấm mộ của cô mọc lên những bông hoa rực rỡ. Kết thúc câu chuyện: “Hóa ra, cô bé ấy chính là nàng xuân. Người nông dân tốt bụng, nhiệt tình đã chân thành chào đón cô, và đương nhiên, ông được tận hưởng mùa xuân”.

Tình yêu thương, lòng tốt của con người không phải sự trao đổi, tính toán có điều kiện hay là sự ích kỷ, sự vô tình với cái chết để có thể tận hưởng mùa xuân. Với câu chuyện này, liệu tâm hồn thơ ngây của những đứa trẻ có bị xáo trộn?

Phát hoảng với “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”

Truyện “Cô bé đội mũ đỏ xinh xinh” có mô típ của “Cô bé quàng khăn đỏ” (truyện cổ Grim) 

Truyện “Hạt đậu trong quả đậu ván” cũng khiến người lớn phải suy nghĩ trước khi đọc cho trẻ. Năm hạt đậu với 5 ước muốn riêng: Hạt thứ nhất muốn bay vào bầu trời bao la, hạt thứ hai muốn bay lên mặt trời, hạt thứ ba và thứ tư muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên, hạt thứ năm muốn giúp con người giải tỏa đau khổ. Hạt thứ năm đã bầu bạn và giúp một cô bé nhà nghèo khỏi bệnh. Kết thúc: “Hạt đậu thứ năm đã hoàn thành tâm nguyện của mình, còn bốn hạt đậu kia đều bị chim ăn mất”.

Cũng như những hạt đậu kia, những đứa trẻ cũng có những mơ ước hồn nhiên, trong trẻo. Vậy cái kết thúc kiểu “phán xét ước mơ” có thích hợp với lứa tuổi đang thỏa sức tưởng tượng hay không?

Tôi không hiểu những người kiểm duyệt có ngụ ý gì khi vẫn để nguyên xi truyện “Con cáo nhân từ” trong cuốn sách vun đắp tình yêu thương cho trẻ. Nội dung truyện kể về một con cáo gian xảo ra sức kêu gọi các loài chim giúp đỡ ba chú chim non mất mẹ thế nhưng khi ba chú chim đáng thương vừa bị rơi khỏi tổ, cáo ăn ngay mà không còn thao thao bất tuyệt nữa.

Đấy là chưa kể đến việc “đạo” mô típ truyện cổ, khá nhiều bản “nhái” những truyện cổ tích nổi tiếng xuất hiện trong cuốn sách. Truyện “Cô bé đội mũ đỏ xinh xinh” có mô típ của “Cô bé quàng khăn đỏ” (truyện cổ Grim), nhưng lời văn lạnh lùng, tàn nhẫn “bác thợ săn đi qua ngôi nhà, thấy lão sói già liền đâm cho một nhát, sau đó bác rạch bụng lão sói ra và cứu hai bà cháu”.

Truyện “Hai con dê núi cùng đi trên chiếc cầu độc mộc” dựa theo mô típ truyện “Hai con dê qua cầu” (truyện ngụ ngôn Ê-dốp). Truyện “Số lương thực không thể bê nổi” có nguyên mẫu từ truyện “Hai anh em” (La-mac-tin). Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch An-dec-xen “Cô bé bán diêm” cũng bị “đạo” trắng trợn.

Trên đây chỉ là một phần trong hầu hết các câu chuyện có phần vô cảm, hơn là vun đắp tình yêu thương ở trẻ. Những “ngôn từ đẹp” lại là những từ ngữ khô khan, vô tâm, vô cảm, thậm chí gây “sốc”, khiến cho người đọc, nhất là các bậc cha mẹ không khỏi băn khoăn, liệu khi con cái họ đọc xong những câu chuyện có nội dung thế này, chúng có còn giữ được sự trong sáng vốn có như lứa tuổi của chúng? Và còn bao nhiêu cuốn sách có các nội dung tương tự đang được bày bán trên thị trường, gây ra những tác hại không thể nói là nhỏ đến các thế hệ tương lai?

Tuyên truyền văn hóa Trung Quốc

Biên niên những sự kiện của Trung Quốc trong cuốn sách cho trẻ Việt Nam

Phát hoảng với “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”

Sách dành cho trẻ em Việt Nam in những ngày kỷ niệm, tết, lễ truyền thống của Trung Quốc trên đầu mỗi trang sách

“Ngày 3 tháng 3: Ngày cả nước yêu đôi tai. Đôi tai là cơ quan quan trọng của cơ thể, chúng ta cần phải chăm sóc, yêu quý đôi tai. ”;

“Ngày 12 tháng 3: Tết trồng cây. Để ghi nhớ công lao của Tôn Trung Sơn, Trung Quốc quy định ngày ông qua đời là ngày Tết trồng cây.”;

“Ngày 5 tháng 4: Tiết Thanh minh (ngày 18 tháng 2 âm lịch). Đây là ngày nhớ tới những người đã khuất. Vào ngày này mọi người sẽ đi đạp thanh (tức là đi trên cỏ) và ra tảo mộ.”;

“Ngày 1 tháng 7: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là ngày kỷ niệm Hồng Công được trả về Trung Quốc.”;

Những đoạn trích trên nằm ở vị trí trang trọng phía trên mỗi trang sách như một biên niên sự kiện đáng nhớ mỗi ngày trong năm, chỉ có điều đó là những ngày kỷ niệm, tết, lễ truyền thống của Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam.

Là sách được mua bản quyền của Trung Quốc, nhưng những nội dung bất hợp lý khi xuất bản ở Việt Nam vẫn được nhà xuất bản và đơn vị liên kết giữ nguyên. Từ những nhân vật, những hoạt động lễ hội được nhắc đến đều phản ánh về Trung Quốc. Kiến thức xen kẽ trong mỗi trang sách không chỉ xa lạ với trẻ con mà cả với người lớn, cộng thêm sự khác biệt một phần về văn hóa, chưa tính đến những lỗi chính tả hay logic khiến đây không phải và không thể là cuốn sách dành cho trẻ em Việt Nam.

Vậy, đơn vị kiểm duyệt bản thảo, kiểm duyệt xuất bản phẩm đã làm gì khi mà một cuốn sách có nội dung như trên, được bày bán công khai tại một hội chợ sách uy tín như Hội sách Hà Nội 2014?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hoảng với “365 câu chuyện vun đắp tình yêu thương ở trẻ”