Phát hiện "quái sao" trẻ sáng gấp Mặt Trời 30 triệu lần

Minh Thi| 19/03/2016 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy 9 quái sao có khối lượng “khủng”, lớn gấp khối lượng của Mặt Trời tới 100 lần.

Phát hiện

Những quái sao vừa được phát hiện thuộc cụm sao trẻ R136 nằm ở Tinh vân Tarantula - gồm hàng trăm ngôi sao trẻ màu xanh.

Không chỉ có vậy, theo kết quả quan sát, độ sáng của 9 ngôi sao khổng lồ kể trên còn gấp tới 30 triệu lần so với Mặt Trời. Thế nhưng, khi những quái sao trẻ này đứng “một mình”, thì thua xa R126a1 - ngôi sao khổng lồ có khối lượng lớn gấp 250 lần Mặt Trời đang giữ kỷ lục hiện nay.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) cho biết, chúng nằm trong một cụm sao có tên R136.

Sử dụng kính viễn vọng Hubble, các nhà khoa học đến từ Đại học Sheffield xác định, R136 nằm trong tinh vân Tarantula, thuộc Thiên hà Đám mây Magellan lớn (một thiên hà vệ tinh của dải Ngân Hà, kiểu vô định hình lùn). R136 cách Trái Đất 170.000 năm ánh sáng, và là cụm sao lớn nhất nằm trong thiên hà này.

Mặc dù kích thước chỉ có vài năm ánh sáng, song cụm sao trẻ R136 với khối lượng “khủng”, nóng và rực sáng phát ra một lượng tia cực tím khổng lồ.

Phát hiện

Một số hình ảnh về các quái sao của R136

Những quái sao của R136 thực chất từng được nhóm Giáo sư Paul Crowther và cộng sự đến từ Đại học Sheffield công bố năm 2010. Tại thời điểm đó, 4 ngôi sao với khối lượng gấp 150 lần Mặt Trời đã gây sửng sốt bởi nó vượt quá khối lượng giới hạn của các ngôi sao thông thường.

Đến nay, họ đã tìm thêm được 5 ngôi sao khác có khối lượng lớn hơn Mặt Trời trên 100 lần. Như vậy, cụm R136 được biết hiện giờ có 9 quái sao.

Thông tin trên, sẽ được công bố trên Tạp chí thiên văn của Hiệp hội Hoàng gia Anh, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự hình thành những ngôi sao lớn.

Giáo sư Saida Caballero-Nieves, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: “Từng có giả thuyết cho rằng, những ngôi sao quái vật này ra đời là kết quả của sự sáp nhập giữa các ngôi sao nhỏ trong cùng hệ thống sao đôi. Tuy nhiên, với những gì chúng ta đã thấy, kịch bản này không thể giải thích cho tất cả các ngôi sao khổng lồ trong cụm F136. Vì vậy, khả năng phần lớn chúng là những quái sao ngay từ khi bắt đầu hình thành”.

Tuy nhiên, nhóm các nhà khoa học sẽ tiếp tục phân tích toàn bộ dữ liệu thu thập được để tìm ra câu trả lời chính xác về nguồn gốc của những quái sao kể trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện "quái sao" trẻ sáng gấp Mặt Trời 30 triệu lần