Pháp nhân bị xâm phạm uy tín trên Facebook được bồi thường nếu kiện ra Tòa?

Ls Trương Quốc Hòe| 20/10/2016 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hành vi của nhóm người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo...) bôi nhọ người khác đã vi phạm vào Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Đầu năm 2011, tôi mở một công ty chuyên về mỹ phẩm. Khi công việc kinh doanh đang thuận lợi thì vào khoảng giữa tháng 9/2016, công ty tôi bị một số người sử dụng mạng xã hội bôi nhọ làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu công ty gây thiệt hại lớn cho công ty chúng tôi. Tôi rất bức xúc và muốn làm đơn khởi kiện nhóm người này, nhưng không biết thủ tục khởi kiện như thế nào?

Độc giả Đỗ Thị Kim Ngân (Phúc Thọ, Hà Nội)

Trả lời

Dựa trên những dữ liệu mà bà đã nêu, chúng tôi tư vấn những quy định của pháp luật về vấn đề mà bà đang thắc mắc như sau:

1. Khả năng được hưởng bồi thường thiệt hại

Trước hết, theo những gì bà đã viết trong mail, thì hành vi của nhóm người này đã vi phạm vào Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều này quy định như sau:

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Như vậy, những người này đã có hành vi bôi nhọ, dùng mạng xã hội để đưa ra những thông tin ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của công ty bà. Tuy nhiên, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi đó phải gây thiệt hại. Trong mail bà viết là do những hành vi trên gây nên thiệt hại lớn cho công ty bà. Tuy nhiên, bà chưa đưa ra được chứng cứ và số liệu thiệt hại thực tế mà công ty bà phải gánh chịu do những hành vi trên. Do đó, để được bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, bà cần cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh cho thiệt hại của công ty bà. Khi đã chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra và chứng minh thiệt hại đó là do hành vi của những người này gây ra thì công ty bà có thể được hưởng các khoản bồi thường theo quy định tại điều 611 BLDS 2005:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

 a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Vậy, công ty bà có thể được hưởng chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại cũng như thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của công ty. Còn một khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần chỉ áp dụng cho cá nhân, nên công ty bà sẽ không được hưởng khoản tiền này. Khi yêu cầu được bồi thường những khoản tiền trên, bà phải đưa ra được các tài liệu chứng minh cho việc doanh thu của công ty bà trước và sau khi bị bôi nhọ trên mạng xã hội đã giảm sút bao nhiêu? Bà đã làm gì để khắc phục, hạn chế những thiệt hại đó? Bà cần nêu rõ các biện pháp bà đã sử dụng và hiệu quả của các biện pháp ấy. Chỉ khi đó, việc yêu cầu đòi bồi thường mới có cơ sở để xác định.

Pháp nhân bị xâm phạm uy tín trên Facebook được bồi thường nếu kiện ra Tòa?

Ảnh minh họa

2. Thủ tục khởi kiện

Thứ nhất, về hồ sơ khởi kiện bà cần chuẩn bị các loại giấy tờ, tài liệu sau:

- Đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 189 BLDS 2015.

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bà (ví dụ: giấy tờ chứng minh thiệt hại thực tế của công ty bà do hành vi của những người trên gây ra; hình ánh, giấy tờ chứng minh có những hành vi đó;...)

- Các tài liệu, giấy tờ chứng minh cho tư cách chủ thể (ví dụ:CMND của bà nếu bà là người đại diện của công ty, giấy đăng ký kinh doanh của công ty;...)

Thứ hai, về thẩm quyền của Tòa án thì bà có thể nộp đơn khởi kiện đến TAND cấp huyện (điểm a khoản 1 Điều 35 BLDS 2015) nơi những người có hành vi bôi nhọ uy tín của công ty bà cư trú làm việc (điểm a khoản 1 Điều 39 BLDS 2015 về thẩm quyền Tòa án theo lãnh thổ).

Ngoài ra, bà cũng có thể yêu cầu Tòa án nơi công ty có trụ sở giải quyết theo điểm d khoản 1 Điều 40 về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêi cầu BLDS 2015:

1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

a)............

d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

................”

Theo Điều 607 BLDS 2005 thì: “thời hiệu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ich hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm”.

Theo Điều 588 BLDS 2015 thì: “thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

Như vậy, theo những gì bà cung cấp thì chúng tôi hiểu rằng bà đã biết đến những người này đã có hành vi bị bôi nhọ công ty bà trên mạng xã hội từ tháng 09/2016. Do đó, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ tháng 09/2016.

(Bạn đọc có những băn khoăn hay thắc mắc về pháp lý, xin hãy gửi câu hỏi về địa chỉ conglydientu@congly.com.vn để được các chuyên gia pháp lý giải đáp trong thời gian sớm nhất).  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp nhân bị xâm phạm uy tín trên Facebook được bồi thường nếu kiện ra Tòa?