Nhặt được của rơi, không trả lại có bị xử phạt?

Theo LS Nguyễn Thị Thúy Hường/LĐO| 27/12/2017 09:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một lần trên đường đi làm về, ông H tình cờ lượm được một giỏ xách của ai đánh rơi. Đường vắng chỉ có một mình, ông H tò mò mở ra xem thì thấy nhiều cọc tiền 500.000đ, sau này về đếm được gần 400 triệu đồng...

Đau đầu vì nhặt được tài sản quá lớn

Người đàn ông cứ bần thần mãi mà không muốn ngồi xuống bàn nhờ luật sư tư vấn. Thấy dáng vẻ ái ngại của ông, luật sư chủ động hỏi chuyện. Sau một hồi nói chuyện, thì được biết ông rất muốn đến nhờ luật sư tư vấn, nhưng do nội dung câu chuyện nên ông dè dặt, ngại ngùng.

Sau một lúc được gợi ý, ông mới từ tốn kể câu chuyện của mình. Ông tên H, gia đình ở ngay xã mà chúng tôi đến tuyên truyền về pháp luật hôm đó. Ông và vợ đều đi làm thuê, tiền lương ba cọc, ba đồng, bữa nào đi làm thì có tiền, bữa nào nghỉ thì thôi. Ba con của ông bà còn đang đi học, đứa lớn đang học cao đẳng nghề, hai con nhỏ còn học phổ thông.

Một lần trên đường đi làm về, ông H tình cờ lượm được một giỏ xách của ai đánh rơi. Đường vắng chỉ có một mình, ông H tò mò mở ra xem thì thấy nhiều cọc tiền 500.000, sau này về đếm được gần 400 triệu đồng và một số vật dụng có vẻ như là đồ cổ, một tài sản quá lớn với gia cảnh của ông. Ông tìm xem có giấy tờ gì hay không thì không thấy.

Nhặt được của rơi, không trả lại có bị xử phạt?

Ảnh minh họa

Ông đứng đợi thêm một lúc xem chủ nhân của giỏ xách có quay lại không nhưng rồi cũng chẳng có ai quay lại. Vì thế, ông cầm về nhà, và giấu biệt vợ con. Ông rất băn khoăn và phải đấu tranh với chính mình ghê gớm. Có nên lấy số tiền này hay không vì thực sự gia đình ông hiện giờ cũng đang khó khăn, mà lấy thì cũng không có ai biết.

Có lần, ông lấy nội dung chuyện của mình gán cho người khác rồi hỏi mấy người cùng làm. Người thì bảo lấy cũng chẳng sao, người thì bảo lấy của người khác không chính đáng thì sau này cũng phải trả lại bằng cách khác theo kiểu “ân đền oán trả”. Thậm chí, có người còn bảo, phải đem trình báo cho chính quyền, không báo có khi bị đi tù…

Mấy tháng nay, ông phải đấu tranh tư tưởng, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, khiến cho bà vợ không biết chuyện cứ tra vấn hay là ông có vấn đề gì… Đang trong hoàn cảnh đó, thì nghe nói có luật sư đến xã tuyên truyền về pháp luật, nên ông “liều mình” đi hỏi luật sư xem phải xử lý sao cho đúng.

Phải trình báo với chính quyền

Nghe câu chuyện của ông, luật sư đã thấu hiểu vì sao ông cứ băn khoăn mãi và e dè không muốn ngồi xuống bàn nhờ tư vấn. Vì thực ra, khoản tiền ông nhặt được quá lớn so với gia cảnh của ông. Luật sư phân tích: Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên quy định: “1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. UBND cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu. 2. Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau: a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước; b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định vừa nêu, thì ông H không có quyền sở hữu luôn số tiền trong giỏ xách cũng như những vật mà ông nghi ngờ là đồ cổ để làm tài sản của riêng ông mà ông phải có nghĩa vụ giao nộp lại cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để các cơ quan này quản lý và thông báo tìm chủ sở hữu tài sản theo luật định. Ngoài ra, theo Luật Di sản văn hóa 2001 sửa đổi 2009 và Nghị định 98/2010/NĐ-CP thì di sản văn hóa phát hiện được, không xác định được chủ sở hữu thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, tổ chức, cá nhân khi phát hiện được cổ vật phải thông báo kịp thời địa điểm phát hiện và giao nộp cổ vật do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo và tự nguyện giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch thì tùy theo giá trị của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được xét tặng, truy tặng giấy khen, bằng khen, huy chương hoặc các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật. Theo điều 16 Nghị định 96/2009/NĐ-CP thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể là: Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%; trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%; trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%; trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%; trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%. Nếu ông H không chịu giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất thì tùy theo tính chất và mức độ, ông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, thậm chí bị xử lý hình sự theo điều 141 Bộ luật Hình sự về tội Chiếm giữ trái phép với mức phạt tù cao nhất đến 5 năm.

Nghe luật sư tư vấn xong, ông H dường như đã hiểu vấn đề. “Giàu nghèo cũng có số cô ạ. Trời cho khỏe mạnh, chịu thương, chịu khó làm ăn, kiếm đồng tiền chân chính, dù không giàu thì cũng không phải dằn vặt lương tâm. Ngày mai tôi sẽ đem tiền và vật ra UBND xã trình báo và mong sao người đánh rơi nhận lại được tài sản của mình”. Ông H nói rồi chào chúng tôi rồi ra về. Còn chúng tôi thì thấy buổi tuyên truyền pháp luật thật sự có ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhặt được của rơi, không trả lại có bị xử phạt?