Theo luật sư Trương Quốc Hòe, hành vi dùng ớt xát vào vùng kín của cô gái, rồi chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội đã xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cô gái, là hành vi vi phạm pháp luật.
Hai ngày nay, dư luận đang xôn xao về những hình ảnh một người phụ nữ dùng ớt xát vào vùng kín của một cô gái, đang bị một số người khác giữ chặt tay chân.
Vụ đánh ghen xảy ra ở Thái Nguyên
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết vụ việc trên xảy ra tại Thái Nguyên, sau khi được tin chồng cùng tình nhân vào nhà nghỉ, chị vợ đã cùng bạn xông vào phòng và dùng ớt xát vào vùng kín cô gái này, chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội.
Sau khi những hình ảnh này được đăng tải đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người và có nhiều ý kiến trái chiều, một số thì đồng tình với hành động của chị vợ và một số thì cho rằng việc làm này quá tàn nhẫn.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng VPLS Interla) cho biết, hành vi dùng ớt xát vào vùng kín của cô gái, chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội đã xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cô gái, là hành vi vi phạm pháp luật.
“Dù cô gái là người lôi kéo, dụ dỗ chồng của chị này và có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình họ nhưng cô ta là một công dân được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”, ông Hòe cho biết.
Theo luật sư Hòe, căn cứ theo quy định của pháp luật, việc dùng ớt xát vào vùng kín của cô gái, chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội có dấu hiệu của tội làm nhục người khác.
Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 121 BLHS thì: “1.Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…”
Có thể thấy, việc xát ớt vào vùng kín và chụp ảnh đăng tải trên mạng đã làm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của cô gái đó. Tuy nhiên, để xác định hành vi trên của chị vợ và các bạn đi cùng có bị xử phạt theo quy định tại Điều 121 BLHS hay không còn phụ thuộc vào ảnh hưởng của hành vi đó đối với nhân phẩm, danh dự của người bị hại. Việc đánh giá việc xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó.
Trong trường hợp xác định hành vi của người vợ và các bạn đi cùng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của cô gái thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS. Cụ thể: họ có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Bên cạnh đó, dù hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác theo quy định của BLHS hay không thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cô gái do tổn thất về tinh thần và sức khỏe của cô gái theo quy định của Bộ luật Dân sự.