Pháp luật về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Đỗ Văn Chỉnh| 21/10/2014 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong Luật Công chứng có quy định Tòa án được quyền tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Những ai có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu?

 Căn cứ vào điều kiện nào để người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu để thực hiện? Có thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu không? Và trình tự thủ tục Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố băn bản công chứng vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng nào?

Nghiên cứu Luật Công chứng được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và các văn bản pháp luật có liên quan chúng tôi có một số nội dung trao đổi như sau:

Về người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Tại Điều 45 của Luật Công chứng quy định về người được đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu như sau: “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”. Theo quy định này thì những người sau đây có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản vô hiệu là: Công chứng viên; Người yêu cầu công chứng; Người làm chứng; Người có quyền, lợi ích liên quan; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về căn cứ để người có quyền yêu cầu thực hiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là quy định tại Điều 45 của Luật Công chứng. Vì trong Điều 45 của Luật Công chứng có quy định là:… “khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.” Theo chúng tôi về quy định tại Điều 45 của Luật Công chứng. Cụ thể là:

+ Văn bản công chứng là văn bản được quy định tại Điều 4 của Luật Công chứng. Cụ thể là: Văn bản công chứng là hợp đồng giao dịch bằng văn bản được công chứng theo quy định của Luật Công chứng.

+Người yêu cầu công chứng là người quy định tại Điều 8 của Luật Công chứng. Người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài và phải có năng lực hành vi dân sự.

+ Người làm chứng văn bản công chứng là người được quy định tại Điều 9 của Luật Công chứng và phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản liên quan đến việc công chứng.

+ Việc công chứng có vi phạm pháp luật là các trường hợp vi phạm luật công chứng như: người yêu cầu công chứng không tự nguyện yêu cầu công chứng, người làm chứng không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 của Luật Công chứng. Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng nhưng đã công chứng tại văn bản công chứng…

Pháp luật về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu

Việc yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu rất ít. Ảnh minh họa

Về pháp luật tố tụng để Tòa án giải quyết là BLTTDS. Tại Điều 26 BLTTDS quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có: “yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” (khoản 6 Điều 26)

Căn cứ vào quy định tại khoản 6 Điều 26 BLTTDS thì yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng là việc dân sự. Do đó trình tự thụ lý đơn và thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định của BLTTDS về giải quyết việc dân sự. Cụ thể là về thời hiệu yêu cầu, trong Luật Công chứng không quy định, nhưng tại Điều 24 của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn tại khoản 2 Điều 24 của Nghị quyết này như sau: “Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 3 Điều này. Ví dụ, đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu quy định tại khoản 6 Điều 26 của BLTTDS và tại Điều 45 của Luật Công chứng thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu”.

Thành phần giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 55 của BLTTDS. Vì tại khoản 2 Điều 55 của BLTTDS có quy định là: “Những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do một Thẩm phán giải quyết”. Như vậy là người giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một Thẩm phán do Chánh án Tòa án thụ lý đơn yêu cầu phân công. Việc giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu được thực hiện tại phiên họp giải quyết việc dân sự theo quy định tại Điều 313 của BLTTDS. Theo quy định tại điều luật này thì những người tiến hành tố tụng có Thẩm phán Tòa án chủ tọa phiên họp, Kiểm sát viên VKS cùng cấp và Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp.

Người tham gia tố tụng là người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

Trong trường hợp cần thiết Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.

Trường hợp có người tham gia tố tụng vắng mặt thì hoãn phiên họp hay vẫn tiếp tục phiên họp được thực hiện theo quy định tại Điều 313 của BLTTDS.

Quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự: Tòa án áp dụng những quy định tại Chương XX của BLTTDS đồng thời áp dụng những quy định khác của BLTTDS mà không trái với quy định tại Chương XX của BLTTDS (từ Điều 311 đến Điều 318).

Việc Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là rất ít nên việc nắm vững quy định của pháp luật nói chung, quy định của BLTTDS nói riêng là rất cần thiết, có như vậy mới không mắc sai lầm trong quá trình giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu