Pháp luật phải bao quát các đối tượng điều chỉnh, tránh bỏ trống, sót lọt

Xuân Lan| 04/03/2022 17:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Pháp luật phải bao quát được các đối tượng điều chỉnh, tránh tình trạng bỏ trống, sót lọt.

phap-luat-phai-bao-quat-cac-doi-tuong-tranh-bo-trong-sot-lot.jpg
Thủ tướng: Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật sáng nay (4/3), các cơ quan xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết cho biết, trong quá trình xây dựng pháp luật đã xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan chuyên môn; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tranh thủ ý kiến nhiều chiều của các nhà quản lý, nhà khoa học và lấy ý kiến nhân dân, thông tin rộng rãi đến công chúng.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phát biểu, thảo luận về trình tự, thủ tục; những điểm nghẽn, bất cập mà các luật cần giải quyết; tính phù hợp, liên thông, đồng bộ giữa các luật; đối tượng, tác động từ các quy định của các pháp luật này; tính khả thi... trên quan điểm ban hành luật không chỉ để quản lý mà tạo hành lang pháp lý để phục vụ, thúc đẩy phát triển. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến cụ thể đối với từng dự án luật, nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo các luật để trình Quốc hội xem xét.

Kết luận một số vấn đề chung của phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Các cơ quan cần tiếp tục rà soát các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh nổi lên, những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng lạc hậu với tình hình.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng pháp luật phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Pháp luật phải bao quát được các đối tượng điều chỉnh, tránh tình trạng bỏ trống, sót lọt.

Thủ tướng lưu ý cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ thực thi; cố gắng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh thần là một việc chỉ cần một cơ quan giải quyết một lần, tránh một việc phải nhiều cơ quan giải quyết và giải quyết nhiều lần.

Nêu rõ quan điểm cơ quan nào làm tốt nhất thì giao việc, Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, thực tiễn cho thấy nếu đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo, các bộ trưởng liên quan tăng cường phối hợp, hỗ trợ thì công việc sẽ trôi chảy, hiệu quả, vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng các dự án luật.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, khi gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo cần nêu rõ nội dung nào mới, nội dung nào còn có nhiều ý kiến khác nhau, nội dung nào cần có ý kiến thêm để các bộ ngành tập trung góp ý.

Xây dựng pháp luật là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, do đó cần quan tâm, đầu tư xứng đáng về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, nhân lực, cơ chế, chính sách, tài chính cho công tác này, Thủ tướng nêu rõ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Pháp luật phải bao quát các đối tượng điều chỉnh, tránh bỏ trống, sót lọt