Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?

Mạnh Hùng| 04/01/2020 13:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (4/1), phiên tòa xét xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng 19 đồng phạm trong vụ án thâu tóm đất công sản ở Đà Nẵng, bước sang ngày làm việc thứ ba.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội

Theo đó, là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C và Công ty CP đầu tư Nhất Gia Phúc đã đề nghị HĐXX và đại diện VKS không gọi mình là “Vũ nhôm” và phải bỏ từ này ra khỏi cáo trạng vì như vậy khiến báo chí đưa tin theo gây hiểu nhầm cho dư luận. Bị cáo Vũ nói: “Cha mẹ đặt tên cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, gọi bị cáo Vũ ‘nhôm’ giống như tội đồ”.

Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trả lời các câu hỏi trước HĐXX

Trước đề nghị của bị cáo Vũ, HĐXX đã đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, tôn trọng quyền cá nhân của bị cáo Vũ theo đúng Luật Báo chí và Luật An ninh mạng.

Trả lời HĐXX về hành vi thâu tóm 22 nhà đất và 7 dự án bất động sản tại thành phố Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.047 tỷ đồng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho biết, bị cáo là là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79 và Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Ngoài ra, bị cáo còn nắm cổ phần tại Công ty TNHH I.V.C; Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc. Đây là các doanh nghiệp có tính gia đình, việc mua bán nhà đất tại TP Đà Nẵng do bị cáo quyết định. Bị cáo Vũ cho rằng, cáo trạng truy tố mình không chính xác.

Lý do bị cáo Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội vì, để mua các dự án, bị cáo là người ký đơn hoặc các công ty bị cáo có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin ý kiến, còn giải quyết hay không là thẩm quyền của UBND thành phố và điều này được thể hiện qua đường văn thư. Bị cáo Vũ cũng phủ nhận số liệu về nhà, đất công sản như trong cáo trạng nêu.

Tiếp tục trả lời HĐXX về mối quan hệ với lãnh đạo TP Đà Nẵng, bị cáo Vũ cho biết, bị cáo không có quan hệ riêng với lãnh đạo thành phố, nhưng vì làm doanh nghiệp nên tên, tuổi của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị cáo phải biết.

Trong hai ngày xét xử trước, do bị cáo Vũ bị cách ly khỏi phòng xử án nên Chủ tọa công bố lại lời khai của nhiều bị cáo về việc đã bán đất cho doanh nghiệp của Vũ vì có điện thoại của lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu.

Ngay sau khi Chủ tọa phiên tòa công bố nội dung này, bị cáo Vũ trả lời “Khai gì cũng phải có chứng cứ. Bị cáo không hiểu tại sao các anh lại khai như vậy. Bị cáo mà bị xác định có tội thì sẽ khởi kiện các công ty đã bán nhà cho bị cáo để bị cáo phải vào vòng lao lý. Bị cáo chỉ là bên mua dự án, còn anh bán phải chịu trách nhiệm. Các dự án mà bị cáo mua đều là mua từ công ty nhà nước chứ không mua của công ty tư nhân. Hôm nay là tròn 2 năm bị cáo bị giam giữ sau khi về Việt Nam trình diện. Bị cáo không nhận quyết định truy nã nào và cũng không bị bắt theo quyết định truy nã. Bị cáo sang Singapore xem tivi thấy ở nhà bị khám xét nên tự vào đồn Công an Singapore để bảo họ đưa về Việt Nam trình diện”, bị cáo Vũ nói.

Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bị cáo Vũ trình bày tiếp, quá trình điều ra, bị cáo bị tịch thu 29.000 USD Singpore, 1 đồng hồ Rolex, nhiều điện thoại và máy tính xách tay... nhưng việc này không được ghi vào cáo trạng. Sau khi nghe bị cáo Vũ trình bày điều này, Chủ tọa phiên toà cho biết HĐXX ghi nhận và sẽ xem xét đề nghị của bị cáo.

Cáo trạng xác định, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ban hành với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để trục lợi.

Kết quả điều tra chưa chứng minh làm rõ được việc chia lợi ích của Vũ với Trần Văn Minh và các đồng phạm khác để giúp sức cho Vũ nhưng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định, trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, Vũ đã thành lập 5 công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các công ty này thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Mặc dù biết rõ việc này nhưng Trần Văn Minh vẫn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản và các dự án đất không qua đấu giá hoặc áp dụng đơn giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá do UBND TP Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ.

Các bị cáo khác trong vụ án này từng là cấp dưới của Trần Văn Minh cũng biết được chủ trương của Trần Văn Minh trong việc làm các thủ tục để bán nhà, nhà đất công sản và chuyển quyền sử dụng đất cho Vũ là không đúng quy định.

Nhưng liên tục trong thời gian dài, Vũ đã tác động thông qua hành vi ký các tờ trình, nộp tiền đặt cọc trước khi có các quyết định cho phép bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất để hoàn thành hồ sơ pháp lý tạo điều kiện cho Vũ trục lợi.

Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?

Toàn cảnh phiên tòa xét xử

Các cựu cán bộ Văn phòng nói gì về việc bán “đất vàng” cho Phan Văn Anh Vũ

Trước đó, trong phần xét hỏi chiều qua (3/1), bị cáo Đào Tấn Bằng, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, bị cáo quen  Phan Văn Anh Vũ qua công việc và thông qua lãnh đạo thành phố, cụ thể là cựu Chủ tịch Trần Văn Minh. “Lúc đó, ông Minh cho bị cáo xem công văn có nội dung, đề nghị thành phố cho phép Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 được chuyển nhượng khu đất 3,264m2 ở đường Ngô Quyền, sau đó ông Minh có bút phê về việc này”, bị cáo Bằng khai.

Trước lời khai trên, HĐXX hỏi “theo bị cáo, nếu theo quy định thì việc chuyển nhượng khu đất này có phải thông qua đấu giá hay không?”. Bị cáo Bằng cho biết “Theo quy định thì phải đấu giá. Nhưng người có thẩm quyền ra quyết định chuyển nhượng các dự án công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng thời điểm đó là Chủ tịch Trần Văn Minh chỉ đạo, tạo điều kiện cho công ty của Vũ nên bị cáo chỉ biết thực hiện”.

Trước HĐXX, bị cáo Bằng thừa nhận đã tham gia soạn thảo Công văn 8332 để cựu Chủ tịch Trần Văn Minh ký chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 3,264m2 ở đường Ngô Quyền cho Vũ.

Cáo trạng cho rằng, thực hiện chỉ đạo của cựu Chủ tịch Trần Văn Minh, ngày 27/12/2010, bị cáo Bằng cùng cấp dưới đã tham mưu và soạn thảo nội dung Công văn số 8332 để Trần Văn Minh ký ban hành chủ trương chuyển quyền sử dụng khu đất nêu trên cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngày 10/8/2011, bị cáo Bằng tiếp tục cùng cấp dưới soạn thảo Công văn số 4869 để Trần Văn Minh ký ban hành có nội dung cho chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sang cho cá nhân Phan Văn Anh Vũ trái quy định của pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện khởi tố điều tra là hơn 150 tỷ đồng.

Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?

Bị cáo Đào Tấn Bằng, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng

Trước đó, cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Cán, cựu Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận biết Phan Văn Anh Vũ có mối quan hệ với các nhiều lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng.

HĐXX hỏi “Trong việc làm của mình bị cáo có chịu sự chỉ đạo của ai không?”. Bị cáo Cán trả lời “Ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo gián tiếp. Còn ông Trần Văn Minh chỉ đạo trực tiếp”.

Theo lời khai của bị cáo Cán, có những vấn đề bị cáo được chỉ đạo bằng văn bản, nhưng có những vấn đề bị cáo nghe chỉ đạo qua trao đổi miệng. Việc chỉ đạo của cấp trên đối với bị cáo Cán chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài sản.

Sau khi nhận chỉ đạo, bị cáo Cán đã báo cáo trực tiếp với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thời điểm đó. Bị cáo Cán cho rằng, đối với dự án khu dân cư An Cư 2 và An Cư 3 mở rộng theo quy định phải qua đấu giá, nhưng việc lãnh đạo thành phố chỉ đạo bán trực tiếp cho các công ty của Vũ là sai.

Trước lời khai trên, HĐXX hỏi “Vì sao biết sai vẫn làm?”. Bị cáo Cán trả lời “Vì lúc đó, bị cáo trao đổi trực tiếp với Chủ tịch Trần Văn Minh và ông Minh nói, việc này ông Nguyễn Bá Thanh đã có chỉ đạo nên chúng ta phải chấp hành. Việc chỉ đạo chỉ trao đổi miệng chứ không có văn bản. Lý do biết sai vẫn làm, vì lúc đó bị cáo phải chấp hành ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố”.

Cáo trạng xác định, với chức vụ Chánh Văn phòng, bị cáo Nguyễn Văn Cán có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Trần Văn Minh trong việc chỉ đạo quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; thẩm tra về nội dung và tính thống nhất, hợp pháp của văn bản để Trần Văn Minh ký ban hành.

Tại Dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và Khu dân cư An Cư 3 mở rộng, diện tích 13.088,17 m2, biết được chủ trương của Trần Văn Minh sẽ giao quyền sử dụng đất khu đất nêu trên cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát của Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá, bị cáo Cán đã cùng cấp dưới lập Phiếu trình và soạn thảo nội dung Công văn số 483 ngày 20/1/2009 để Trần Văn Minh ký ban hành giao quyền sử dụng đất đối với 22 lô đất thuộc Dự án An Cư 2 mở rộng cho Phan Văn Anh Vũ không qua đấu giá và áp đơn giá thu tiền sử dụng đất có giá thấp hơn Bảng giá đất tại thời điểm của UBND TP Đà Nẵng gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện khởi tố điều tra là hơn 2.873 tỷ đồng. Do đó, hành vi của bị cáo Cán đã phạm vào tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Phan Văn Anh Vũ phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng?