Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh vào tháng 1/2018

Ngọc Quỳnh| 11/12/2017 17:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND TP.HCM sẽ xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh vào tháng 01/2018. Cùng hầu tòa lần này với Phạm Công Danh còn có "đại gia" Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng Sacombank).

Thông tin từ TAND. TPHCM vào tháng 1/2018 sẽ đưa ra xét xử hai vụ đại án liên quan đến ngân hàng. Dự kiến phiên tòa sẽ do Thẩm phán Phạm Lương Toàn – Chánh tòa hình sự TAND TP.H CM làm chủ tọa.

Theo kế họach dự kiến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng - VNCB) giai đoạn 2 sẽ xét xử sơ thẩm vào ngày 8/1/2018.

Có 46 bị can bị xét xử, trong đó có Phạm Công Danh, Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng Sacombank) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh vào tháng 1/2018

Xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh sẽ diễn ra vào tháng 1/2018

Phạm Công Danh đang chấp hành bản án 30 năm tù liên quan đến thất thoát 9.000 tỉ đồng tại VNCB giai đoạn 1.

Cáo trạng thể hiện, từ 2013 đến 2014, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân các công ty ông ta lập nên để làm 29 bộ hồ sơ khống, vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Đồng thời, Phạm Công Danh đề ra chủ trương gửi 6.600 tỷ đồng liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV, để làm tài sản cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty ông ta lập ra.

Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty, dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. Phạm Công Danh còn chỉ đạo nhân viên cấp bảo lãnh cho các công ty của ông ta vay tiền khi không có tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, Phạm Công Danh đã phát hành, ra thông báo và bán trái phiếu 2 công ty ông ta lập ra là tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung, khi chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012 và chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Việc Phạm Công Danh dùng tiền gửi của VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn nhưng không hạch toán ghi nợ và yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả trong ngày số tiền gửi đã khiến ngân hàng Xây Dựng phải tất toán trước hạn để trả nợ thay.

Đối với nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai, cơ quan tố tụng cáo buộc ông này tiếp nhận chủ trương của Phạm Công Danh, trực tiếp chỉ đạo nhân viên tham gia các hoạt động bất hợp pháp để Danh có tiền sử dụng... Ngoài ra, bị can Mai còn ký vào các giấy tờ quan trọng, giúp sức tích cực cho Danh gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Đối với Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống.

Theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại trong cả 2 giai đoạn của vụ án là hơn 15.000 tỷ đồng.

Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh vào tháng 1/2018

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như

Vụ thứ hai là bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Huyền Như giai đoạn 2).

Trước đó như Báo Công lý đã đưa tin, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27/1/2014, TAND TP HCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - VietinBank chi nhánh TP HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Buộc “siêu lừa” phải bồi thường thiệt hại số tiền đã chiếm đoạt.

Bản án sơ thẩm cho rằng, trong thời gian từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị, công ty. Sau đó, Huyền Như sử dụng các con dấu giả này làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của tổ chức, cá nhân rồi chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4 ngàn tỷ đồng.

Cùng bị tuyên án trong vụ án với Huyền Như là 22 bị cáo khác, với mức án từ 1 năm án treo đến 20 năm tù giam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh vào tháng 1/2018