Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khai gì trong phần xét hỏi?

Mạnh Hùng| 14/10/2019 19:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (14/10), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang tiếp tục với được diễn ra ở phần xét hỏi.

Công bố danh sách các thí sinh được nâng điểm

HĐXX đã tiến hành xét hỏi với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang để làm rõ danh sách những người có con, em được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khai gì trong phần xét hỏi?

Toàn cảnh phiên tòa xét xử

Từ kết quả điều tra cho thấy, có 93 thí sinh được Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo cấp dưới là Vũ Trọng Lương sửa bài thi, nâng điểm. 93 thí sinh này từ 47 người nhờ Hoài nâng điểm. Ngoài hai người thân trong gia đình của bị cáo Hoài, bị cáo Hoài cho biết “những người còn lại đều là anh em bạn bè có mối quan hệ trong công việc và trong cuộc sống”.

Bị cáo Hoài khẳng định việc bị cáo nhờ Vũ Trọng Lương hoàn toàn là “tình cảm” chứ không phải là nhiệm vụ.

Việc nâng điểm này phụ thuộc vào môn xét tuyển vào trường đại học mà thí sinh đã đăng ký. Những người nhờ bị cáo nâng điểm cũng chỉ nhờ những môn nằm trong tổ hợp xét tuyển vào đại học. Ngoài ra có 3-4 trường hợp nhờ nâng điểm để chống trượt tốt nghiệp.

Hoài cũng khai thêm, "ý tưởng” sửa bài thi, nâng điểm xuất phát từ việc có 5 cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang “nhờ vả” Hoài.

Danh sách 47 người có con em nhờ Nguyễn Thanh Hoài sửa bài thi, nâng điểm gồm:

Phạm Văn Khuông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (là bị cáo trong vụ án này); La Thị Quý Trinh, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thị Phú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Phạm Thị Ngọc Hà, Chuyên viên PGD Mầm non, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Mạc Thị Ngân, Chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Trần Quốc Huy, Chuyên viên Phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Lê Thị Như Quỳnh, Chuyên viên Phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Triệu Thị Thơm, Chuyên viên Phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Bùi Thị Lê Vân, Chuyên viên Phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Trương Thị Hiên, nguyên PGD Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Lê Thị Việt Thanh, Hiệu phó Trường TPCS Điện Biên, TP Hà Giang; Mai Bích Hà, Hiệu phó Trường THCS Điện Biên, TP Hà Giang; Trần Thị Huyền, Giáo viên Trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang; Nguyễn Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc Nội trú huyện Quản Bạ; Phùng Văn Thiệu, Thị trấn Yên Bình; Phùng Thị Mỹ, chị gái ông Thiệu; Ông Hùng, cán bộ BHXH tỉnh Hà Giang (nâng điểm cho con đủ điểm tốt nghiệp); Lê Thị Thanh Huyền, Phó phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên; Bà Lập, công tác tại Viện KSND TP Hà Giang; Nguyễn Thị Thanh (chị gái ruột bị cáo Hoài); Nguyễn Văn Cương (em con chú ruột bị cáo Hoài); Lê Thị Dung; Nguyễn Văn Thọ, TP Hà Giang (hàng xóm của bị cáo; Nguyễn Thị Sáu, TP Hà Giang (hàng xóm của bị cáo); Trần Đức Quý; Triệu Thị Giang; Đinh Thị Thu Hà, Hiệu phó một trường THPT trên địa bàn; Đinh Văn, Hiệu trưởng THPT Quang Bình; Đinh Thế Hải, Hiệu phó Trường THPT Việt Lâm; Bà Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên; Bác sỹ Tiến, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang; Triệu Văn Nam, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang; Vũ Thị Kim Chung; Nguyễn Thị Thúy Nga, nguyên Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; Đỗ Lệ Hàn Thi, Hiệu trưởng Trường THPT nội trú tỉnh Hà Giang; Phan Danh Hiển, Bí thư phường Quang Trung, TP Hà Giang; Nguyễn Văn Thành, Công an TP Hà Giang; Đỗ Văn Khoa; Ngô Đức Trường; Lê Tiến Dũng, nhà đối diện Thế giới sách, TP Hà Giang; Trần Thị Hồng Nhung, Giáo viên THPT và Bà Viện, Công an tỉnh Hà Giang.

Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khai gì trong phần xét hỏi?

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (áo cộc tay bên phải)

Hoài khai thêm, con gái ông Triệu Tài Vinh là Triệu Thị Mai. Em gái ông Triệu Tài Vinh trực tiếp nhờ Hoài can thiệp vào kết quả thi của thí sinh Mai.

Cũng trong chiều nay, HĐXX đã tiến hành xét hỏi bị cáo Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, người trực tiếp sửa bài thi, nâng điểm cho hơn 100 thí sinh.

Trước khi luật sư của bị cáo Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đặt câu hỏi với Vũ Trọng Lương, luật sư yêu cầu cách ly bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, là người chỉ đạo Lương thực hiện việc sửa bài thi và nâng điểm cho các thí sinh.

Theo đó, bị cáo Lương khai không nhớ nội dung cuộc nói chuyện với Hoài tại nhà riêng sau khi vụ việc đã bị lộ và có khả năng sẽ bị khởi tố. Luật sư đọc lại bút lục ghi lời khai của Lương tại cơ quan an ninh điều tra: “Sau khi sự vụ đã bị lộ, tôi đến nhà anh Hoài và anh Hoài nói: “Cứ lôi chị Chính (Triệu Thị Chính - PV) vào, con mày thi vào trường chuyên nó không giúp. Còn các trường hợp khác tôi không được khai”.

Ngoài ra, bị cáo Lương khẳng định trong quá trình sửa bài thi, nâng điểm, Triệu Thị Chính không trực tiếp chỉ đạo Lương, chỉ đến khi có điểm mới “nhờ” Lương xem điểm cho con.

Nâng điểm vì tình cảm

Ngoài 93 thí sinh được Vũ Trọng Lương sửa bài thi, nâng điểm do Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo, Lương còn tự ý sửa bài thi, nâng điểm cho 14 thí sinh khác do người quen của Lương nhờ.

Trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Vũ Trọng Lương đã khai danh sách những người “thân quen” đã nhờ Lương sửa điểm cho 14 thí sinh gồm:

Hoàng Thị Hồng Nhẫn, công tác tại Công an tỉnh Hà Giang; Bùi Văn Thuyết, công tác tại Công ty In Hà Giang; Nguyễn Mạnh Tuấn, công tác tại Trường THPT Vị Xuyên; Nguyễn Thanh Cảnh, Hiệu phó Trường THCS và THPT xã Ninh Hồ, Vị Xuyên; Trần Bách Tùng, Trường THPT Mèo Vạc (nhờ hai thí sinh); Trần Duy Ninh, công tác tại Trường THPT (nhờ 5 trường hợp); Tống Thị Phương, cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu; Tống Văn Lợi, Giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp tỉnh Hà Giang.

Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khai gì trong phần xét hỏi?

Bị cáo Vũ Trọng Lương được công an dẫn giải đến phiên tòa

Cả Hoài và Lương đều khẳng định việc nâng điểm hoàn toàn vì mục đích "tình cảm, bạn bè, người thân và đồng nghiệp", không có động cơ vụ lợi. "Tôi chỉ nghĩ giúp được ai thì tôi giúp, chứ không nghĩ sẽ đi tù", bị cáo Hoài tỏ ra ngây ngô, thiếu hiểu biết pháp luật.

Trước những câu trả lời trên, HĐXX hỏi Lương: “Bị cáo có tình cảm với ai?”. “Tình cảm với anh Hoài”, Lương trả lời. “Bị cáo nghĩ những người nhờ anh Hoài nâng điểm cũng là tình cảm bạn bè, người thân”, Lương nói thêm.

Trước câu trả lời trên, HĐXX tỏ ra gay gắt với Lương: "Bị cáo trả lời như thế này, cả công luận đang theo dõi, liệu người ta có chấp nhận được không?"

Với những trường hợp bị cáo sửa kết quả điểm chấm thi và sửa các bài thi, bị cáo khai phòng chứa bài thi tại Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang có hai khóa, phòng đó có duy nhất một cửa ra vào, cả hai khóa đều là khóa treo được treo trên một chốt. Phải mở được cả hai khóa thì mới mở được cửa. Nhưng hôm bị cáo đến chuyển hòm đựng bài thi đi sửa thì chỉ có duy nhất 1 khóa.

Nguyễn Thanh Hoài đưa cho bị cáo 1 chìa, còn 1 ổ khóa kia không được khóa. Trong một bài thi có 40 câu, mỗi câu hỏi có 4 đáp án, nhưng chỉ mất khoảng 6 giây để sửa một bài thi và 2 giây để sửa điểm. Việc này đã được thực nghiệm hiện trường từ thao tác cắt bài thi cho đến niêm phong bài thi. Bị cáo Lương nói: “Bị cáo rất hối hận vì những việc mình đã làm, bị cáo đã không làm chủ được mình khi nghe theo lời anh Hoài. Cái giá bị cáo phải trả là quá đắt. Bị cáo thừa nhận không hề có sự phân vân gì giữa việc nhận lời hay không nhận lời khi được Hoài chỉ đạo”, Vũ Trọng Lương tỏ ra ân hận.

Dùng usb để lưu danh sác các thí sinh được nâng điểm

Trước đó, trong phần xét hỏi sáng nay, Lương cho biết, trong số 93 thí sinh được Nguyễn Thanh Hoài chỉ đạo Lương sửa bài thi để nâng điểm tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Hoài đã 3 lần đưa danh sách cho Lương.

Trong đó, lần đầu tiên Hoài đưa cho Lương một chiếc usb lưu danh sách toàn bộ các thí sinh tham dự kỳ thi này của tỉnh Hà Giang, trong phần bôi vàng là những thí sinh được nhờ nâng điểm.

Hai lần sau đó, Hoài gửi tin nhắn và email danh sách bổ sung cho Lương, Lương tiếp nhận và lưu lại. Tại tòa, Vũ Trọng Lương khai ngoài danh sách các thí sinh, không có nội dung nào khác được lưu trong usb.

Đây là chiếc usb màu đỏ, viền đen. HĐXX cho biết trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang không thu giữ được chiếc usb này. Bị cáo Lương nói: “Sau khi xử lý xong, bị cáo đã vứt chiếc usb đó vào trong thùng rác và đến nay không tìm được”.

Ngoài vật chứng là chiếc usb không được thu giữ, cơ quan điều tra cũng không thể thu giữ chiếc thẻ nhớ điện thoại lưu lại các cuộc gọi của Hoài chỉ đạo Lương trong việc sửa bài thi, nâng điểm thi cho các thí sinh. Lý giải vì sao phải ghi âm các cuộc gọi, Lương nói: “Các cuộc gọi của anh Hoài bị cáo đều ghi âm lại để chứng minh rằng anh Hoài mới chính là người khởi xướng”.

Sau đó, chiếc thẻ nhớ điện thoại được bị cáo cất giấu trong con lợn đất, con lợn này sau đó được Lương gửi nhà mẹ vợ. Khi cơ quan điều tra khám xét nhà riêng và phòng làm việc của Lương, kết quả khám xét không thu giữ được tài liệu gì liên quan.

Khám xét tại nhà mẹ vợ của bị cáo cho thấy, con lợn bị thủng một lỗ, điều đáng tiếc là chiếc thẻ nhớ đã không còn trong con lợn này. Lương nói: “Bị cáo không nhớ rõ trước khi giao cho mẹ vợ nó có bị thủng một lỗ hay không”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang khai gì trong phần xét hỏi?