Công đoàn bảo vệ quyết định cắt điện trên diện rộng đối với hàng ngàn hộ gia đình, công ty và thậm chí cả Ngân hàng Pháp để buộc Chính phủ phải từ bỏ cải cách lương hưu.
Cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Pháp
Việc cắt điện đã làm tăng thêm cảm giác hỗn loạn trong tuần thứ hai của các cuộc đình công trên toàn quốc đã làm tê liệt giao thông, đóng cửa các trường học và đưa hơn nửa triệu người xuống đường chống lại cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron.
Khi được hỏi trên đài phát thanh của Pháp liệu việc cắt điện (là bất hợp pháp theo luật của Pháp) có phải là một bước đi quá xa, lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động (CGT) Philippe Martinez cho biết, việc cắt điện là cần thiết để buộc Tổng thống Macron phải từ chức.
“Tôi hiểu sự giận dữ của những công nhân này”, lãnh đạo CGT nói. “Bạn phải hiểu rằng “đụng” vào dịch vụ công cộng có thể khiến một số người trong chúng ta tức giận”.
Nhận xét của ông Philippe Martinez trùng hợp với các tuyên bố của Văn phòng Macron, rằng tổng thống từ chối từ bỏ các kế hoạch cải cách của mình nhưng rất muốn thực hiện các cuộc đàm phán với các công đoàn.
Chính phủ rất muốn đạt được thỏa thuận với công đoàn trước Giáng sinh, thời điểm mà hàng triệu người Pháp trở về nhà để dành kỳ nghỉ với gia đình.
Bộ trưởng giao thông của Macron đã lên án việc cắt điện, ảnh hưởng tới sinh hoạt của ít nhất 150.000 ngôi nhà, và cho biết chính phủ sẽ yêu cầu công ty lưới điện nộp đơn khiếu nại. Các phòng khám, trạm tàu điện ngầm, đội cứu hỏa... cũng bị cắt điện. Điều này khác xa với những cách gây ấn tượng thông thường, cô nói.
Các thủ tục xử lý kỷ luật đối với công nhân được lên kế hoạch sau khi phát điện giảm hơn 2,4 GW, sự cố mất điện được báo cáo chủ yếu tại các nhà máy chạy bằng hydrocarbon và máy phát thủy điện.
Việc đình công diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình rộng rãi ở Paris và trên khắp nước Pháp chống lại những gì công đoàn nói là cắt giảm lợi ích của người lao động. Các kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu và thống nhất các chế độ lương hưu có thể khiến một số công nhân bị mất việc.
Bất chấp hai tuần biểu tình toàn diện, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói sẽ thúc đẩy một cuộc đại tu hệ thống chính sách hưu trí của Pháp. Công nhân Pháp nhận được số lương hưu vào hàng hào phóng nhất thế giới thông qua một hệ thống được chia thành hàng chục chương trình riêng biệt. Chính phủ của ông Macron lập luận rằng các đặc quyền cho các nhóm công nhân khác nhau gây ra sự không công bằng và muốn một hệ thống "điểm" để đáp lại sự đóng góp từ tất cả các công nhân như nhau.