Phân làn phương tiện - Một giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ "phá sản". Tất cả chỉ vì sự thiếu ý thức của người dân và sự thiếu quyết liệt của ngành chức năng. Ngay từ khi mới bắt đầu triển khai, giải pháp phân làn phương tiện đã chịu nhiều sức ép từ phía dư luận, ủng hộ cũng có, mà phản đối cũng nhiều...
Lợi ích đã rõ
Mục tiêu của giải pháp phân làn phương tiện nhằm thay đổi thói quen giao thông của người dân bằng cách cưỡng chế, kiểm soát hành vi tham gia giao thông, giảm xung đột giữa các dòng phương tiện, tăng khả năng thông xe, hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Đồng thời qua đó cũng nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng “Văn hóa giao thông” trên địa bàn Thủ đô.
Rất nhiều xe máy tràn sang làn đường dành cho ôtô trên đường Giải Phóng.
Khi chọn tuyến Kim Mã - Daewoo để triển khai thí điểm, các chuyên gia của JICA đã chỉ rõ, việc tổ chức phân làn phương tiện, xây dựng tuyến đường mẫu Kim Mã - Cầu Giấy sẽ khắc phục được một số nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông như tình trạng giao thông hỗn hợp, người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; vượt đèn đỏ; chuyển làn đường mà không có tín hiệu báo trước; không tuân thủ biển báo, đèn tín hiệu điều khiển giao thông; cản, lấn làn đường người đi bộ và xe thô sơ…
Với sự giúp đỡ, tư vấn của chuyên gia JICA, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cùng với việc tuyên truyền, quảng bá trực tiếp tới người dân, trong giai đoạn đầu, người điều khiển phương tiện tuân thủ khá nghiêm, phương tiện đi đúng làn đường, trật tự giao thông được cải thiện rõ rệt.
Thế nhưng, sau khi ra quân rầm rộ, do sự lơi lỏng của lực lượng tổ chức, người tham gia giao thông lại tiếp tục lấn làn tùy tiện, công tác phân làn chưa kịp định hình đã bị phá vỡ, mục đích ban đầu của dự án không đạt được.
Vẫn khó duy trì
Không chỉ tuyến Kim Mã - Daewoo, các tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân được tổ chức phân làn vào năm 2006, tuyến Giải Phóng vào năm 2009 và 5 tuyến (3 tuyến cũ kể trên và hai tuyến mới là phố Huế - Hàng Bài và phố Bà Triệu) mới triển khai tháng 9/2011 cũng đang rơi vào tình trạng "hụt hơi" tương tự.
Quan sát thực tế, sau 6 tháng triển khai phân làn, trên đường Giải Phóng, các phương tiện tham gia giao thông chấp hành việc phân làn tương đối tốt, đặc biệt hầu hết ô tô đi đúng làn đường quy định. Do bố trí nhiều đoạn dải phân cách cứng kéo dài kèm theo các biển báo giao thông, mặt đường rộng nên phần lớn phương tiện đều chấp hành quy định, các vi phạm chủ yếu rơi vào người điều khiển phương tiện xe máy.
Thế nhưng sang đến đường Đại Cồ Việt và phố Huế - Hàng Bài do có nhiều lối rẽ, ngã ba, ngã tư nên tình trạng giao thông bắt đầu lộn xộn, thậm chí tại đầu ngã ba, từ Đại Cồ Việt rẽ sang phố Huế, khi chuyển hướng, ô tô chiếm luôn đường của xe máy. Đường chật, chỉ một chiếc xe buýt và mấy ô tô con đã choán hết cả phần đường, “đánh bạt” xe máy sang làn đường dành cho ô tô. Do có quá nhiều điểm giao cắt, mặt đường hẹp nên trên đường phố Huế, Hàng Bài vào những giờ cao điểm hầu như không phân biệt được, đâu là làn đường dành cho xe máy và đâu là làn đường dành cho ô tô. Các dòng phương tiện hòa trộn vào nhau rất hỗn độn.
Tại ngã tư Đại Cồ Việt -Trần Khát Chân -Phố Huế-Bạch Mai, khó mà phân biệt làn đường dành cho phương tiện nào.
Phân tích những bất cập của đường phố Hà Nội khi tổ chức phân làn, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, nguyên tắc trong tổ chức phân làn giao thông phải căn cứ vào mật độ phương tiện, chủng loại phương tiện và kết cấu mặt đường, bề rộng mặt đường. Thực tế giao thông của Hà Nội, đường phố chật hẹp lại phân chia theo hình bàn cờ, mật độ phương tiện quá lớn khiến việc phân làn đạt chuẩn không dễ. Tuy nhiên, việc phân làn vẫn phát huy hiệu quả nếu người dân đi đúng làn đường.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Giao thông Vận tải), đường phố Hà Nội có quá nhiều giao cắt tủn mủn, ngã ba, ngã tư, phương tiện chưa kịp phân làn đã tách làn rẽ trái, rẽ phải gây ra xung đột, hiệu quả phân làn thấp. Có hai cách để nâng cao hiệu quả phân làn ở những tuyến phố này, trong đó cách thứ nhất là khống chế bằng các dải phân cách cứng hoặc kẻ vạch liền không cho phương tiện rẽ để giảm bớt xung đột do các điểm giao cắt quá gần nhau, kéo dài đoạn phân làn cưỡng bức. Cách thứ hai là đưa chế tài xử phạt mạnh vào áp dụng ngay trên tuyến phân làn để nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Nếu chế tài xử phạt đủ mạnh tạo được thói quen đi đúng làn đường cho người tham gia giao thông thì có thể tháo dỡ dải phân cách cứng để giao thông thông thoáng. Nhưng đã có chế tài phạt mà người dân vẫn vi phạm thì buộc vẫn phải sử dụng dải phân cách cứng.
Nói về nguyên nhân tuyến Kim Mã - Daewoo và Đại Cồ Việt- Trần Khát Chân mặc dù được chuẩn bị chu đáo, tổ chức bài bản nhưng hiệu quả thấp, ông Mười cho rằng nguyên nhân là do tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân có quá nhiều điểm giao cắt còn trên tuyến Kim Mã - Daewoo thì việc phối hợp giữa người điều hành dự án phân làn và lực lượng chức năng gồm Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông chưa chặt chẽ, chỉ dựa vào ý thức người tham gia giao thông, mà ý thức người tham gia giao thông kém, việc tuyên truyền, hướng dẫn lại không thường xuyên .
Nâng cao ý thức người dân
Đánh giá hiệu quả phân làn giao thông của Hà Nội, ông Lê Đỗ Mười cho rằng, nếu ý thức của người tham gia giao thông tốt lên thì giải pháp phân làn phương tiện từ đầu đến giờ vẫn rất hiệu quả.
“Cũng thực hiện giải pháp này nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh kết quả tốt hơn Hà Nội do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông cao hơn. Bên cạnh đó sự kiên quyết trong việc xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông của thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã xây dựng được ý thức cho người tham gia giao thông. Nếu người tham gia giao thông vi phạm là bị phạt ngay, ở Hà Nội vẫn chưa làm được điều này”, ông Mười dẫn chứng.
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh khẳng định, chủ trương thực hiện giải pháp phân làn giao thông là đúng, các nước trên thế giới đã làm. Nhưng hiện nay, Hà Nội phân làn vẫn còn bất cập do giao thông đa phương tiện, ý thức người tham gia giao thông còn kém. Trên tuyến phân làn nhiều đoạn dải phân cách cứng bị xe húc đổ nát cần khảo sát lại, hiệu quả phân làn thấp cần tính toán thêm. Mặt khác, việc giám sát, xử lý của lực lượng chức năng cũng hết sức khó khăn, không thể xử lý xuể vi phạm ở các tuyến phân làn, nhất là những khi ùn tắc giao thông.
Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2010, quy định rõ mức xử phạt đối với người điều khiển ô tô đi sai làn đường với mức phạt từ 600.000 - 800.000 đồng và người đi xe máy sai làn đường từ 80.000 - 100.000 đồng, xe thô sơ khác phạt từ 40.000 - 60.000 đồng; người đi bộ đi sai làn đường cũng bị phạt từ cảnh cáo hoặc phạt từ 40.000 - 60.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định, Thanh tra Giao thông không được phép xử phạt, thẩm quyền xử phạt là của lực lượng Cảnh sát Giao thông, nhưng lực lượng này quá mỏng nên trên thực tế mới chỉ xử phạt được đối với ô tô vi phạm, còn xe máy thì không giám sát, xử lý nổi.
Tại các cuộc họp giải quyết các vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông cho Hà Nội gần đây, khi các giải pháp đưa ra “đụng đâu cũng thấy vướng”, thì việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân được chú ý tới bởi đây là một giải pháp có thể làm ngay, mà không cần phải tốn quá nhiều tiền. Hạ tầng giao thông có tốt đến đâu mà ý thức của người dân kém, chế tài không nghiêm thì cũng không đem lại hiệu quả.
Tuyết Mai