Phải siết chặt “quan tài bay” mang tên Limousine

Thanh Phương| 13/03/2019 14:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Công an tỉnh; Sở Giao thông vận tải và Văn phòng Ban An toàn giao thông về việc giao kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong vụ xe Limousine gây tai nạn liên tiếp.

Qua phản ánh của báo chí, vào hồi 17h27 ngày 5/3 đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách Limousine mang BKS: 36B-027.16 do Nguyễn Hữu Hậu (SN 1989, ngụ tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) điều khiển với xe container đi cùng chiều trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Vụ tai nạn đã khiến 2 người chết và 2 người bị thương.

Trước đó, vào khoảng 8h35 ngày 23/1, tại Km 339+600 QL1A đoạn qua thôn Ngưu Trung, xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), xe ô tô Limousine mang BKS: 36B-027.16 do Nguyễn Minh Bàng (SN 1991, ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) điều khiển theo hướng Nam - Bắc bất ngờ tông vào xe máy mang BKS: 36B2-612.31 do Hoàng Công Đức (SN 1960, ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương) điều khiển đang đi qua đường theo hướng Tây - Đông. Hậu quả, khiến Hoàng Công Đức tử vong.

 Phải siết chặt “quan tài bay” mang tên Limousine

Xe ô tô Limousine gây tai nạn khiến 2 người tử vong

Để làm rõ phản ánh của cơ quan báo chí và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban an toàn giao thông và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ đối với chiếc xe gây tai nạn và xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 15/3/2019.

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 09 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đối với xe ô tô thiết kế từ 10 hành khách trở xuống không phải báo cáo số lượng khách, các điểm đón, trả khách...Vì vậy, nhiều nhà xe đã lách luật bằng cách hoán cải xe từ 16 chỗ xuống còn 9 chỗ để hoạt động đưa đón khách tại nhà vừa không mất chi phí bến bãi lại được nhiều hành khách hơn. Tuy nhiên, với mỗi chuyến chỉ chở tối đa 9 người, nên phải đi quay vòng nhiều chuyến trong ngày vì vậy, các lái xe áp lực tăng chuyến, tăng tốc độ, chạy ẩu dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Theo báo cáo, hiện Thanh Hóa có trên 1.100 xe đăng ký chạy hợp đồng, trong đó xe Limousine chiếm tỷ lệ tương đối. Thậm chí nhiều nhà xe đang chạy tuyến cố định cũng đã bỏ tuyến để chuyển sang hoạt động chạy xe Limousine. Loại hình vận tải hành khách này trong những năm gần đây là dần chiếm hết hành khách của các loại xe khách khác và cũng được nhiều người dân lựa chọn sử dụng.

Các loại xe Limousine hiện nay chủ yếu là xe 16 chỗ (loại Ford Transit và Mercedez Sprinter). Các xe đều được cải hoán, bỏ bớt số ghế, bố trí 4 ghế hạng A có cả massage và khoảng 5 ghế hạng B, bao gồm ghế cạnh lái và ghế sau cùng. Xe đã được thay đổi nội thất, hệ thống điện, lắp thêm đèn trang trí, bố trí các đầu sạc điện thoại và nhiều tiện nghi khác. Cùng với dịch vụ đưa đón tận nhà và tiện nghi trên xe, nên loại xe Limousine này đã được nhiều người dân ưa thích và lựa chọn làm phương tiện đi lại.

 Phải siết chặt “quan tài bay” mang tên Limousine

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ

Xe khách Limousine thực tế là dạng xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách song núp bóng hợp đồng. Không cần đăng ký vào bến bãi, không phải theo giờ giấc như các xe chạy tuyến cố định. Chỉ cần bán vé ghi rõ “hợp đồng vận tải”, có ghi tên hành khách trên vé; bố trí nơi đỗ xe ở đầu đi và đến. Đồng nghĩa với việc, chỉ cần đủ người là xuất phát. Và trên đường đi, nếu có bị cơ quan chức năng kiểm tra, nhà xe đã chuẩn bị sẵn danh sách hành khách trên xe kèm những tấm vé “hợp đồng vận tải”. Bằng cách này, loại xe Limousine đã “lách luật quá khéo léo” và gần như đã qua mặt được cơ quan chức năng.

Lỗ hổng này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm xe, tổ chức cả chục chuyến mỗi ngày từ sáng sớm đến tối muộn. Có hãng duy trì tần suất vài chục phút, 1h đồng hồ là lại có chuyến xe ra – về. Cuộc cạnh tranh giữa các nhà xe ngày càng khốc liệt hơn. Cuộc đua tốc độ được đẩy lên cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và xảy ra tai nạn. Tính mạng của hành khách đặt sau tay lái của tài xế, nhưng nhà xe thường trả công theo chuyến càng khiến cho họ chay đua với “tử thần”. Thực tế này đặt ra cho lực lượng chức năng nhiệm vụ cần phải siết chặt quản lý hoạt động vận tải khách dưới hình thức xe hợp đồng.

Để khắc phục những bất cập về hoạt động vận tải khách bằng xe Limousine, hiện nay Sở Giao thông vận tải đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các nhà xe vào bến hoạt động tuyến cố định nhằm khắc phục tình trạng lập "bến cóc" đón khách tại nhà gây mất trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để các nhà xe chấp hành cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền đến cơ quan quản lý và lực lượng chức năng, nhất là việc đậu, đỗ đón bắt khách không đúng quy định, từ đó siết chặt quản lý để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn từ loại hình dịch vụ vận tải này.

Phía sau tay lái là gia đình, để có hành trình an toàn, các “thượng đế” phải cân nhắc lựa chọn loại hình vận tải phù hợp. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh tay để những chiếc “quan tài bay” không còn ám ảnh người tham gia giao thông. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải siết chặt “quan tài bay” mang tên Limousine