Phải nhiều ngành cùng vào cuộc

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Muốn thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh và bền vững thì cần phải tăng cường kiểm soát, khắc phục những khiếm khuyết, không để thị trường này trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống tổ chức tín dụng và ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế. Muốn làm được phải “phát huy sức mạnh tổng hợp” - với mục đích

Phải thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai



Giải pháp tổng hợp, dài hạn

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường BĐS đang bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định, biểu hiện rõ nhất là giá cả hàng hóa cao, cơ cấu mất cân đối... đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Cùng đó, tình trạng không theo quy hoạch khiến đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng; hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc hệ thống ngân hàng và huy động của người dân chứ chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân muốn tạo lập nhà ở; công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch BĐS, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất... chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường cũng như của hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ trong Quý III/2011 “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các giải pháp tổng hợp, dài hạn nhằm tạo điều kiện để thị trường BĐS nhà ở phát triển lành mạnh, bền vững. Quan trọng hơn cả là có sự nhập cuộc của các ngành liên quan, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương về phương pháp xác định giá đất sát giá thị trường theo quy định tại Nghị định 69 theo hướng thủ tục nhanh gọn, chính xác.

Theo đó, dựa vào thực tế, cơ quan chức năng có thể cho phép các chủ đầu tư dự án đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Nghị định 69 có hiệu lực (1-10-2009) được nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do địa phương ban hành tại thời điểm nộp tiền sử dụng đất.

Theo quy định, việc xác định giá đất làm cơ sở nộp tiền sử dụng đất tại Nghị định 69 phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương xác định giá đất theo quy định trên rất khó khăn và mất thời gian. Bởi vậy, nhiều dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng xong trước ngày Nghị định 69 có hiệu lực thi hành, có nhiều dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng theo giá thỏa thuận ở mức cao hơn mức được khấu trừ trong tiền sử dụng đất. Do đó, nếu giải quyết được các vướng mắc về xác định giá đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án được triển khai đúng tiến độ và tránh những tiêu cực không đáng có khi xác định tiền sử dụng đất - Bộ Xây dựng lý giải.

Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án đầu tư kinh doanh BĐS có vốn đầu tư nước ngoài. Song song với việc kiểm tra tình hình huy động vốn tại các dự án thuộc nhóm này, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu, bổ sung các quy định để bảo đảm các dự án được đầu tư theo đúng số vốn đã đăng ký. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch BĐS, theo hướng người nộp thuế được nộp thuế với mức thuế suất 2% trên giá trị BĐS giao dịch trường hợp người nộp thuế chứng minh được thu nhập và chi phí thì được nộp với mức thuế suất 25% trên thu nhập.

Kiểm soát nguồn vốn

Từ trước đến nay, vốn luôn là yếu tố có ảnh hưởng và chi phối lớn nhất tới thị trường BĐS. Trong giai đoạn thắt chặt tín dụng cho vay BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất ngân hàng phối hợp nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay BĐS để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Theo đó, ngân hàng có thể chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với những dự án BĐS đáp ứng các yếu tố sau: có khả năng thanh khoản cao phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đã xây xong phần thô đang hoàn thiện chờ đưa vào sử dụng và tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.

Trước mắt, ngân hàng có thể hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ nhóm nhà ở xã hội), BĐS cao cấp (căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu/m2, hoặc diện tích trên 120m2, biệt thự, nhà liền kề); đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu kiểm soát hiện tượng đầu tư nội bộ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào BĐS.

Cũng theo Bộ Xây dựng, để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, các địa phương cần nhập cuộc để rà soát, kiểm tra những dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công. Qua đó, có biện pháp bảo đảm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đã triển khai. Nếu dự án không đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị… sẽ không được triển khai xây dựng. Chính quyền phải kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải nhiều ngành cùng vào cuộc