Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định dân cái gì cũng biết. Cán bộ, công chức và nhất là lãnh đạo phải biết nghe ý kiến của nhân dân. Tiếp xúc cử tri, Thủ tướng đề nghị mọi người hãy nói nhiều hơn về những vấn đề bức xúc trong xã hội với các ĐBQH.
Mới đây, một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại một cuôc hội thảo về nông dân đã nói: “Chúng tôi đến đây không phải để phát biểu, mà rất muốn lắng nghe các ý kiến phân tích sâu, các đề xuất nhằm giải quyết những thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nâng cao đời sống nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính phủ, các Bộ ngành sẽ lắng nghe, tiếp thu để có những điều chỉnh cần thiết”.
Hẳn vì thế người ta đã tuyển chọn một đội ngũ cử tri “chuyên trách” mỗi khi các vị lãnh đạo cấp cao tiếp xúc cử tri. Tôi nhớ hồi trẻ còn làm phóng viên chứng kiến có vị lãnh đạo cấp cao rất ghét cán bộ cấp tỉnh, cấp ngành trình bày hoàn cảnh, báo cáo khó khăn trở ngại. Thời ấy, tâm lý về địa phương, cơ sở để “chỉ ra vạch rõ, lưu ý, nhấn mạnh, căn dặn - là khá phổ biến. Thì ra, bấy nay, khi về cơ sở, người ta vẫn nói ông A, ông B hoặc bà C xuống để chỉ đạo, để cho ý kiến một chiều, thậm chí không hề nghe ý kiến của người dân. Nhiều người rặt nói lý luận suông, cũ kỹ, xa rời thực tế...
Khi xuống cơ sở cũng có vị lãnh đạo hỏi dân điều này điều khác, nhưng nhiều người ở cơ sở sợ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”, làm “mất uy tín” cán bộ địa phương, cho nên người dân không dám nói, hoặc có nói cũng nói một cách chung chung, không thật.
Mặc dù đây là một “kênh” thông tin quan trọng theo chiều từ dân đến Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Về công việc Đảng, theo một cán bộ dân vận lão thành, xem ra các “kênh” để người dân góp ý, bàn việc của Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài các dịp đại hội Đảng các cấp, người dân có thể góp ý trực tiếp vào các văn kiện; các tổ chức, đoàn thể đại diện cho quần chúng, nhân dân góp ý xây dựng Đảng về một số mặt; hằng ngày nhiều người dân chưa biết góp ý cho tổ chức, cấp ủy Đảng, đảng viên như thế nào, thông qua ai, cơ chế tiếp nhận, trả lời các ý kiến góp ý xây dựng như thế nào?
Có nhiều cách để học dân, hỏi dân. Vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ đi kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm vào lúc sáng sớm ở Hà Nội và TP HCM, đã thấy tận mắt và nghe được tiếng nói của những người lao động, buôn bán nhỏ.
Trong đợt lũ lụt vừa qua nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến với đồng bào Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Không chỉ động viên, thăm hỏi, tặng quà mà lãnh đạo còn hiểu thêm tình hình, nguyên nhân dẫn đến lũ lụt và lắng nghe được tiếng nói của người dân.
Hiểu thấu niềm vui, nỗi khổ của dân thì mới có thể chia sẻ, đồng cảm và đưa được nguyện vọng, ý chí của nhân dân đến với Đảng.
Lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân để góp phần tạo sự đồng thuận xã hội là công việc rất cần kíp! Không thực hiện là có lỗi với dân!