Nạn tham nhũng, khiếu kiện về đất đai gia tăng; Doanh nghiệp “khổ” vì tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc cho việc xin dự án; Dân không được hưởng lợi ích gia tăng từ việc mất đất mà chỉ có DN; Bất cập của Luật Đất đai (LĐĐ)…
Là những vấn đề “nóng” được đưa ra tại Hội nghị lấy ý kiến DN về dự thảo LĐĐ sửa đổi do VCCI và Bộ TN-MT thực hiện hôm nay 9-10.
Chồng chéo và chắp vá
Luật gia Vũ Xuân Tiền (Hội Luật gia Hà Nội) bình luận, LĐĐ hiện hành đã cho phép sử dụng quá giới hạn biện pháp thu hồi đất bằng quyết định hành chính. Việc xác định giá đất quy định trong LĐĐ hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tự tạo ra chênh lệch lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phân cấp quản lý về đất đai quá rộng, dẫn đến có quá nhiều người có quyền giao, cho thuê và thu hồi đất…
Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai quá nhiều, chắp vá, chồng chéo (có đến 600 văn bản ban hành). Đó là rào cản lớn và tạo điều kiện cho sự vận dụng luật tùy tiện. Thu hồi đất bằng quyết định hành chính là hình thức vô lý trong trường hợp người có đất bị thu hồi không vi phạm pháp luật. Khi đó không có sự bình đẳng giữa người bị thu hồi đất và cơ quan ra quyết định thu hồi đất. Đây chính là nguyên nhân tạo ra một bộ phận “công bộc của dân” bỗng nhiên trở thành các “quan phụ mẫu” trong không ít cấp hành chính hiện nay.
Luật sư Vũ Xuân Tiền
Do vậy, cần thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế “trưng mua quyền sử dụng đất” để sử dụng vào những mục đích quốc gia. Thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ thực hiện trong những trường hợp do vi phạm LĐĐ, chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện…
Còn GS Đặng Hùng Võ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT lại cho rằng, cách thức tiếp cận LĐĐ hiện nay về thu hồi đất chưa ổn. Cách đây vài năm, DN muốn thoát “cửa hành chính” để thỏa thuận giá với dân khi thu hồi đất cho đỡ phức tạp, nhưng rất tiếc cơ chế thỏa thuận bị tắc, do dân quá tham, đòi bồi thường quá cao, DN bị một khoảng trống lớn, cơ chế bị tê liệt và biện pháp này trở nên thiếu khả thi.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, lấy nguyên tắc sự thỏa thuận hai bên chỉ cần đạt tỷ lệ 75% đồng thuận của người dân mà không tuyệt đối hóa tỷ lệ này. Dự thảo Luật nên theo hướng này sẽ tháo gỡ khó khăn khi thu hồi đất hiện nay.
“Giá đất cũng đang là một trong những nguyên nhân gây tham nhũng, khiếu kiện gia tăng. Khung giá đất có hay không không quan trọng mà quan trọng là phù hợp thị trường; giá đất hiện hành chỉ áp dụng trong việc tính phí, xử phạt hành chính và bồi thường khi làm thất thoát, nhưng LĐĐ lại quy định đây là khung giá chung khi thu hồi đất là một sai lầm trong quản lý. Vì vậy, hãy khoanh lại áp dụng bảng giá, vì giá này luôn luôn thấp hơn so với giá thị trường, áp dụng vào trường hợp người bị thiệt hại về thu hồi đất là không phù hợp, đây chính là nguyên nhân gây tham nhũng” - ông Võ nói.
Luật mới nhưng tư duy cũ
Thực tế cho thấy, LĐĐ hiện hành có quá nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê, thu hồi đất… Những kẽ hở của Luật cộng hưởng với nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng là nguyên nhân đẩy tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp, đông người của người dân tăng cao. Theo thống kê của Bộ TN-MT, số đơn có nội dung khiếu kiện về đất đai tăng năm sau thường cao hơn năm trước. Trong đó có tới 70% khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường và bố trí tái định cư.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Sở dĩ có nhiều khiếu nại, tố cáo về chế độ thu hồi đất là do “lỗi” về cách thức tổ chức thực hiện, chứ không phải do chính sách. Luật chúng ta dùng từ “thu hồi” để chứng tỏ đất thuộc sở hữu toàn dân trước đây đã giao cho bên sử dụng, nay toàn dân cần thì thu hồi lại. Thế nhưng trên thực tế việc thu hồi đất là thu hồi cả tài sản trên đất của dân. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì chúng ta nên thay “chế độ thu hồi đất” bằng chế độ “trưng mua đất vì lợi ích công cộng” sẽ phù hợp hơn. Dự thảo vẫn duy trì mục đích thu hồi đất như LĐĐ 2003 là “để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng và phát triển kinh tế - xã hội” (thêm từ xã hội). Như vậy mục đích phát triển kinh tế - xã hội đã vượt quá quy định của Hiến pháp. Chính mục đích này đã tạo điều kiện cho lạm quyền và tham nhũng, và quyền của người sử dụng đất không được bảo vệ chặt chẽ.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, dự thảo Luật mới tư duy chưa khác luật cũ, còn quá sơ sài chưa thể khắc phục những yếu kém hiện nay. Như tại Điều 52 dự thảo Luật quy định, việc thu hồi đất nếu quá thời hạn quy định 12 đến 24 tháng thì có thể thu hồi đất của các tổ chức cá nhân mà không phải bồi thường, trừ trường hợp chính quyền cho phép. Quy định như vậy chẳng khác nào chỉ chỗ cho DN “chạy” chính quyền - tạo điều kiện cho tham nhũng xảy ra.
LS Nguyễn Tiến Lập (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, đất đai đang là quả “bom” đối với DN, bởi qua thực tế cho thấy, không phải DN trục lợi đất đai, mà chỉ có hiện tượng không ít cán bộ lấy DN ra để trục lợi đất đai mà thôi. Và thực tế diễn ra cho thấy, DN đang “chết” vì đất đai, khi các ngân hàng đều lấy mặt bằng giao dịch đất đai để tính lãi suất vay, rồi khi nhà đất bị đóng băng DN kinh doanh bất động sản đang đối mặt với khoản nợ khổng lồ.
TS Liêm cũng lo ngại, dự thảo Luật này giao quá nhiều quyền cho Chính phủ, Bộ TN-MT một cách không cần thiết. Và cũng có thể đây là mấu chốt vấn đề đẩy tình trạng tham nhũng đất đai tăng cao, và khiếu kiện về lĩnh vực này sẽ không giải quyết triệt để được. Vì vậy đề nghị Quốc hội lập ra một ban soạn thảo khác gồm những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đất đai để tập trung soạn thảo.
Dự thảo Luật này sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu trong kỳ họp Quốc hội tới.
Quốc Huy