Thông điệp xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trở thành hiện thực với những bước đi tích cực, cẩn trọng, nghiêm túc.
Theo đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra danh mục 2000 “giấy phép con” cần dỡ bỏ ngay tức khắc cùng với việc đưa ra khỏi danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chẳng khác là mấy so với giấy phép con.
Khảo sát thực tế, các chuyên gia vẫn không khó khăn gì để phát hiện một loạt rào cản đối với đối với doanh nghiệp, đó là quản lý chuyên ngành.
Ví dụ điển hình nhất là chuyện một doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh sôcôla sử dụng 12 nguyên liệu nhập khẩu thì phải xin bằng được đủ cả 12 giấy phép nhập khẩu cho chừng đó nguyên liệu và một giấy xác nhận công bố thành phẩm. Như vậy, một miếng bánh phải cõng 13 giấy phép! Đây là một dạng quản lý chuyên ngành tồn tại dai dẳng trong hệ thống hành chính. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã hơn một lần yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành (an toàn thực phẩm, chất lượng và kiểm dịch) với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Được biết, hiện tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35%, theo các chuyên gia là quá cao, dù Chính phủ đã đặt mục tiêu kéo giảm còn 15%. Trong khi đó, tỉ lệ lô hàng phát hiện vi phạm rất ít, như ở Cục Hải quan TP HCM trong năm 2016 chỉ phát hiện 0,04% lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, nhiều bộ đưa danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, gây khó cho DN.
Trên thực tế, sự chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là mối lo lớn nhất, bị phàn nàn nhiều nhất. Theo báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của DN năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, có đến 93% DN được hỏi cho biết quy định về kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, lại nằm ở nhiều văn bản khác nhau nên DN khó nắm bắt thông tin và tuân thủ; 89% DN cho rằng nhiều quy định không phù hợp thực tế và 82% nhận thấy sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt. Đáng lưu ý là có tới 50% trong tổng số các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ lại không ban hành kèm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, nghĩa là người trực tiếp kiểm tra muốn kiểm tra gì cũng được.
Ngoài ra, mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài các chi phí không chính thức vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí BHXH… Hiện mức đóng BHXH đang được cho là cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (DN đóng 22%, người lao động đóng 10,5%).
Vậy tại sao những văn bản thiếu tính khả thi, gây phiền hà, tốn kém, lãng phí, cản trở DN, đi ngược lại xu thế phát triển, đi ngược lại xu thế cải cách hành chính như vậy vẫn được "tiếc nuối"? Câu hỏi đó rất khó trả lời nhưng lại rất dễ hiểu trong bối cảnh cải cách hành chính còn chậm. Cuộc chiến với giấy phép con rất gian nan nhưng chưa thể sớm kết thúc. Hầu như bộ, ngành, địa phương nào cũng đặt ra những "lệ" riêng cho mình với những quy định khắt khe hơn nếu so với quy định của luật, pháp lệnh.
Đã đến lúc phải tính đủ tính hết để quy trách nhiệm của những người đứng đầu đã để xảy ra nạn “hành” doanh nghiệp.