Con người luôn là yếu tố quyết định trong mọi cuộc đổi mới, cải cách.
Nâng cao địa vị, tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các chức danh chuyên môn, đặc biệt là Thẩm phán là xu thế tất yếu trong cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm hiện nay. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này cũng đã hướng tới điều đó. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (TAQSTW) để làm rõ hơn về nội dung nêu trên.
PV: Hiến pháp 2013 và NQ 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xác định Tòa án là trung tâm, hoạt động xét xử là trọng tâm, để làm được điều đó thì chúng ta cần hướng tới điều gì, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Để Tòa án trở thành trung tâm của hệ thống tư pháp; hoàn thành nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp có hiệu quả, việc đổi mới, hoàn thiện chế định Thẩm phán và các chức danh khác thuộc Tòa án có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo pháp luật hiện hành, Thẩm phán và Hội thẩm là chế định trung tâm trong tổ chức và hoạt động của TAND. Từ góc độ tố tụng tư pháp, Tòa án chính là HĐXX, là Thẩm phán, Hội thẩm. Bởi chính Thẩm phán và Hội thẩm là những người nhân danh Nhà nước ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp kinh tế, dân sự, hành chính, lao động…
Cũng theo pháp lệnh, Thẩm phán gồm có ba ngạch: Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAQSTW; Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán TAQSTW được Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch với nhiệm kỳ 5 năm. Thẩm phán TAND và Tòa án quân sự các cấp được Chánh án TANDTC bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán các cấp tương ứng cũng do Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC thực hiện.
PGS.TS Trần Văn Độ
PV: Theo ông, chúng ta cần đổi mới và hoàn thiện chế định Thẩm phán và các chức danh khác hiện nay như thế nào?
PGS. TS Trần Văn Độ: Cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm và hoạt động xét xử là trọng tâm; xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người… là mục đích và cũng là những nội dung cơ bản của CCTP ở nước ta.
Từ góc độ đổi mới, chế định Thẩm phán và các chức danh chuyên môn khác của Tòa án, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và CCTP thể hiện ở các điểm: Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất của TAND mà Thẩm phán chính là người thực hiện. Hoạt động tư pháp là hoạt động giải quyết các tranh chấp, xử lý các vi phạm pháp luật. Hoạt động đó liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích của con người, của công dân, vi phạm quyền con người có nguy cơ xảy ra rất cao. Vì vậy, Tòa án phải là biểu tượng của công lý, là nơi công dân gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý nghiêm minh; bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của công dân bị xâm phạm đều được bảo vệ theo đúng pháp luật.
Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định: Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc hoạt động đặc thù của Tòa án. Đồng thời, Hiến pháp cũng nghiêm cấm cá nhân, cơ quan, tổ chức can thiệp vào xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm phải được bảo đảm bằng hệ thống các biện pháp pháp lý, tổ chức và chính sách hợp lý.
PV: Như vậy có nghĩa là phải tính tới sự độc lập của Thẩm phán trên nhiều phương diện khác nhau, thưa ông?
PGS. TS Trần Văn Độ: Đúng vậy, thực hiện việc cải cách tư pháp là phải hướng tới sự độc lập của Thẩm phán ở các mặt sau:
Thứ nhất, về pháp lý, nguyên tắc độc lập phải được Hiến pháp ghi nhận và cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật khác, nhất là các luật về tổ chức và các luật tố tụng tư pháp. Đặc biệt, pháp luật cũng cần quy định về các bảo đảm cụ thể để nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế. Về tổ chức, xây dựng các Tòa án trên cơ sở các quan hệ tố tụng, không ràng buộc lẫn nhau bằng quan hệ mệnh lệnh, phục tùng. Cơ chế thẩm quyền, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nhiệm kỳ Thẩm phán phải được quy định hợp lý, không cản trở Thẩm phán, Hội thẩm trong các phán quyết của mình.
Đồng thời, đảm bảo cho Thẩm phán không phụ thuộc vào các quan hệ hành chính; bảo đảm quyền lợi chính trị và vật chất để họ an tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử. Hay nói cách khác, sự độc lập của Thẩm phán phụ thuộc rất nhiều vào chế độ, nhiệm kỳ bổ nhiệm, chế độ lương, phụ cấp nghề nghiệp và các chính sách đặc thù khác… bảo đảm cho họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, cần phân biệt rõ ràng chức năng hành chính và chức năng tố tụng giữa các chức danh trong TAND. Theo quy định và thực tế hiện nay thì ngoài việc là người đứng đầu cơ quan tư pháp, Chánh án TANDTC, Chánh án các Tòa án cấp tỉnh (được ủy quyền) còn có chức năng quản lý các Tòa án về mặt tổ chức. Vì vậy, phân định rõ chức năng tư pháp và chức năng hành chính là rất quan trọng theo hướng, Thẩm phán là người thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng tư pháp và chịu trách nhiệm về các hoạt động đó; còn Chánh án thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý hành chính.
PV: Với lý luận và thực tiễn yêu cầu phải đổi mới như vậy, theo ông, chúng ta nên tập trung vào những nội dung nào, nhất là Luật Tổ chức TAND đang sửa đổi hiện nay?
PGS. TS Trần Văn Độ: Theo tôi, việc đổi mới chế định Thẩm phán cần tập trung vào một số điểm cơ bản như: Đổi mới phương thức lựa chọn Thẩm phán; chuyên nghiệp hóa đội ngũ Thẩm phán bằng cách thiết lập các Tòa chuyên trách (từ góc độ tố tụng tư pháp chứ không phải từ góc độ hành chính); đổi mới cơ chế bổ nhiệm, nhiệm kỳ của Thẩm phán. Kéo dài nhiệm kỳ Thẩm phán để đảm bảo cho sự ổn định, yên tâm của Thẩm phán khi xét xử; cần có một hệ thống bảo đảm để nâng cao vị thế của Thẩm phán; bảo đảm độc lập xét xử về chế độ, chính sách như thành lập Hội đồng giám sát và kỷ luật Thẩm phán, cải tiến chế độ tiền lương…
Bên cạnh đó, cần phân định rõ quyền hạn tố tụng và quyền hạn tư pháp của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán. Chúng tôi cho rằng, từ góc độ thực hiện quyền hạn tư pháp, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán đều ngang bằng, bình đẳng như nhau.
Khi Thẩm phán (kể cả các Chánh án, Phó Chánh án với tư cách Thẩm phán) được phân công xét xử vụ án hoặc giải quyết việc tư pháp thuộc thẩm quyền, tất cả các quyền hạn tố tụng để giải quyết vụ việc đó phải được giao cho Thẩm phán và Thẩm phán phải chịu trách nhiệm về quyết định, hoạt động của mình.
Chánh án, Phó Chánh án chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hành chính. Các quyền hạn tố tụng như quyết định bắt, tạm giam; cấp giấy chứng nhận người bào chữa; tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật… thì nên giao cho Thẩm phán.
PV: Đối với Hội thẩm nhân dân, họ cũng có vai trò rất quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay?
PGS. TS Trần Văn Độ: Hội thẩm nhân dân có được coi là chức danh thuộc Tòa án hay không đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi, có lẽ ở Việt Nam chưa thể chuyển chế độ Hội thẩm hiện nay sang chế độ Bồi thẩm đoàn như nhiều nước khác. Hiến pháp cũng không còn quy định nguyên tắc Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Vì vậy, chế độ Hội thẩm nên đổi mới theo hướng:
Coi Hội thẩm là chức danh tư pháp thuộc TAND. Vì chế độ bầu khác nhau, nhưng Hội thẩm thực hiện duy nhất nhiệm vụ xét xử thuộc chức năng tư pháp của Tòa án. Giao cho Tòa án chịu trách nhiệm chính trong quản lý Hội thẩm; sửa đổi các luật tố tụng tư pháp theo hướng, Hội thẩm tham gia xét xử với tư cách đại diện cho nhân dân, nhưng yếu tố quyết định trong xét xử vẫn phải thuộc về Thẩm phán. Ví dụ, xem xét lại thành phần HĐXX; nhiệm vụ quyền hạn của HTND; phương cách thảo luận, biểu quyết của HĐXX trong nghị án.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc bổ sung chức danh Trợ lý Thẩm phán vào Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi) hiện nay là rất cần thiết, ông nhận định vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Trần Văn Độ: Theo tôi, việc bổ sung chức danh Trợ lý Thẩm phán là rất cần thiết. Trợ lý Thẩm phán là người do Chánh án bổ nhiệm và có nhiệm vụ giúp Thẩm phán làm các công việc chuyên môn, nghiệp vụ cho việc xét xử một vụ án như một Thẩm phán, trừ các hoạt động tại phiên tòa.
Vì trong bối cảnh lượng án hàng năm tăng cao (thống kê hiện nay, trung bình mỗi Thẩm phán phải xét xử 100 vụ án/năm), việc Thẩm phán có một đội ngũ trợ lý để giúp cho việc chuẩn bị xét xử là cần thiết. Hơn nữa, Trợ lý Thẩm phán được coi như “Thẩm phán tập sự”, không chính thức và sẽ là nguồn chủ yếu để bổ nhiệm Thẩm phán. Mở rộng nguồn Thẩm phán, tạo điều kiện để đội ngũ nguồn làm quen với công việc Thẩm phán là rất cần thiết.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!