Vừa qua, Tòa án tối cao Pakistan đã một lần nữa yêu cầu Thủ tướng Raja Pervez Ashraf trong vòng hai tuần tới phải mở lại các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Tổng thống Asif Ali Zardari.
Cụ thể, Thẩm phán Asif Saeed Khosa cho biết Hội thẩm đoàn Tòa án tối cao đã quyết định hoãn phiên điều trần tới ngày 8-8, sau khi Tổng Chưởng lý Altaf Qadir, đại diện cho Chính phủ, đề nghị rằng cần có thêm thời gian cho những nỗ lực "thực sự và nghiêm túc" để giải quyết bế tắc giữa Chính phủ và Tòa án. Trước đó, ông này đã đề nghị Tòa án Tối cao rút lại các phán quyết về vấn đề trên, cho rằng đó là những yêu cầu "không thể thực thi" và trái với Hiến pháp Pakistan.
Cáo buộc tham nhũng liên quan đến ông Zardari xuất hiện từ những năm 1990, khi ông này và vợ là cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto bị cho là đã sử dụng tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ để rửa khoản tiền hối lộ lên tới 12 triệu USD. Khi đó, một số hoạt động điều tra đã được tiến hành nhưng cuối cùng nhà chức trách Thụy Sĩ đã khép lại hồ sơ vụ án này khi ông Zardari nhậm chức Tổng thống vào năm 2008. Kể từ thời điểm đó, Chính phủ Pakistan khẳng định Tổng thống có đầy đủ quyền miễn tố với tư cách người đứng đầu Nhà nước. Tuy nhiên, năm 2009, Tòa án Tối cao Pakistan đã tuyên bố bãi bỏ sắc lệnh miễn trừ truy tố tham nhũng đối với Tổng thống và các quan chức Chính phủ - sắc lệnh được cho là đang bảo vệ ông Zardari trước các cáo buộc tham nhũng. Kể từ đó, Tòa tiếp tục thúc ép Chính phủ yêu cầu phía Thụy Sĩ mở lại các vụ án tham nhũng này.
Tổng thống Pakistan đang phải đối mặt với những ngày tháng sóng gió
Cũng phải nhắc lại rằng, trong khi Tòa án tối cao Pakistan luôn chĩa mũi dùi vào ông Zardari thì một Tòa án cấp dưới, Tòa án Tp. Rawalpindi lại đã từng lên tiếng bênh vực ông này. Năm 2008, Tòa này đã bác bỏ những cáo buộc tham nhũng chống lại chồng bà Benazir Bhutto. Theo luật sư của ông Zardari - Farooq Naik, cả bảy trường hợp buộc tội ông Zardari tham nhũng đều được xoá bỏ. Trong số các vụ việc bị Tòa bác bỏ có việc ông Zardari bị tố cáo nhập chiếc xe ôtô hiệu BMW mà không trả thuế. Trước đó, ông này cũng bị buộc tội nhận 10 triệu USD tiền lại quả từ ARY International Exchange - một công ty nhập khẩu vàng nén. Đổi lại, công ty này được cấp giấy phép độc quyền vào năm 1994 để nhập khẩu vàng trị giá hơn 500 triệu USD. Ông Zardari còn vấp phải cáo buộc là sử dụng sai trái công quỹ để xây dựng một sân polo tại dinh thự của Thủ tướng ở Islamabad.
Xung đột giữa Chính phủ và Tòa án đang ngày càng gay gắt, khi mà ngày 19-6, Tòa án tối cao đã phế truất tư cách Thủ tướng của ông Yusuf Raza Gilani với cáo buộc ông nhạo báng bộ máy tư pháp khi không chấp hành lệnh của Tòa đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra. Ngay sau đó, Đảng Nhân dân cầm quyền đã cử ông Raja Pervez Ashraf, nguyên Bộ trưởng Công nghệ Thông tin, giữ chức Thủ tướng thay ông Gilani và đã được Hạ viện Pakistan thông qua.
Bên cạnh những lùng nhùng liên quan đến cáo buộc tham nhũng, Tổng thống Zardari cũng phải đối mặt với khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với ông kể từ khi nhậm chức năm 2008 liên quan đến một bức thư mật được cho là gửi đến Lầu Năm Góc tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để hạn chế quyền lực của giới quân sự Pakistan. Theo tiết lộ của một doanh nhân Mỹ, ông ta đã chuyển một bức thư mật từ Đại sứ Pakistan tại Mỹ. Husain Haqqani, người thân cận với ông Zardari, gửi Tư lệnh quân đội Mỹ mang nội dung đề nghị Wasington giúp ngăn chặn một âm mưu đảo chính tại Pakistan do giới quân sự tiến hành. Chính phủ Pakistan khẳng định bức thư này là bịa đặt và yêu cầu Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội điều tra. Trong khi đó, các chỉ huy quân đội và tình báo cho rằng bức thư là có thật và cũng yêu cầu tiến hành điều tra.
Hải Yến (theo BBC)