Chỉ còn 3 tuần nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra, 2 ứng cử viên sáng giá nhất Donal Trump và Hillary Clinton vẫn tiếp tục “ra đòn” nhằm đánh bại đối thủ của mình trên đường đua vào Nhà Trắng.
Ngày 17/10, NY Times dẫn lời Robby Mook, người quản lý chiến dịch của Hillary Clinton xác nhận, bà đang có kế hoạch mở rộng “một cách mạnh mẽ” ở Arizona, bang đông dân Hispanic được cho là bang truyền thống của phe Cộng hòa. Chiến dịch này được cho là bước tiến trong quyết tâm hạ gục đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.
Bà Clinton sẽ tung ra khoảng 1 triệu USD để khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu, ông Mook tiết lộ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, sẽ là một bước đường khó khăn với bà Clinton ở nơi có thể quyết định quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ. Tại đây, con gái của bà Clinton, Chelsea và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont sẽ xuất hiện để vận động cử tri.
Bên cạnh đó, ông Mook cho biết, bà Clinton cũng sẽ chi thêm tiền vào các bang then chốt như Pennsylvania, Florida và Bắc Carolina, một bang mà phe Cộng hòa giành được năm 2012. Bên cạnh đó, họ cũng nghiêm túc vạch ra kế hoạch vươn tới những bang mà phe Dân chủ ít khi thành công.
Trong khi đó, ban vận động tranh cử của ông Donald Trump lên tiếng tố cáo bà Clinton đã cấu kết với Cục điều tra liên bang (FBI) để che đậy hành vi “phạm pháp” liên quan đến bê bối email cá nhân của bà.
Theo đó, hôm 17/10, FBI đã công bố các tài liệu liên quan tới cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton khi còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ (2009-2013). Theo tài liệu của FBI, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Kennedy đã yêu cầu FBI hạ mức độ bảo mật các email của Clinton từ “bí mật” xuống mức ít nhạy cảm hoặc hủy bỏ mức độ bí mật. Tuy nhiên, đổi lại, ông Kennedy cam kết, Bộ ngoại giao sẽ chấp thuận tăng cường các nhân viên FBI ở những cơ quan ngoại giao.
Về vấn đề này, ông Michael Flynn, cố vấn của ông Trump khẳng định, những tài liệu này cho thấy một chứng cứ không thể chối cãi rằng, bà Clinton cấu kết với FBI, Bộ Tư pháp, và Bộ Ngoại giao để che đậy hành động phạm pháp của mình.
Tuy nhiên, ông Mark Toner, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những cáo buộc trên là không đúng sự thật. Đồng thời, ban vận động tranh cử của bà Clinton đang hết sức nỗ lực trấn an dư luận và cử tri. “Chuyện tranh cãi giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác về vấn đề phân loại tài liệu bí mật và việc Bộ Ngoại giao thảo luận, đưa ra yêu cầu về việc phân loại tài liệu là chuyện bình thường”, ông Mook nói.
2 ứng viên liên tục “soi” nhau trong giai đoạn nước rút
Trong diễn biến liên quan, khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn nước rút, nhiều cáo buộc được ông Trump đưa ra cho rằng, “truyền thông thiếu trung thực” và “có gian lận” khiến tỷ lệ phiếu bầu dành cho ông ở những bang chiến trường sụt giảm. Bang chiến trường là nơi các ứng viên không chắc chắn nhận được đa số phiếu ủng hộ và nếu không giành chiến thắng ở phần lớn các bang này, chắc chắn họ sẽ nắm phần thua.
Tuy nhiên, kết quả từ các cuộc nghiên cứu cho thấy cử tri gian lận không phải vấn đề phổ biến ở Mỹ. Theo ông Justin Levitt, giáo sư tại Trường Luật Loyola, trong một tỷ phiếu bầu tại các kỳ bầu cử tổng thống từ năm 2000 đến 2014, chỉ có 31 trường hợp gian lận mạo danh.
Còn giáo sư Richard Hasen, chuyên gia luật bầu cử khẳng định, chắc chắn sẽ không có điều như ông Trump cáo buộc.
Dù đúng hay sai, nhưng trong giai đoạn nước rút này, cả hai vẫn tiếp tục “soi” nhau và liên tục cáo buộc nhau nhằm tìm ra những điểm yếu của nhau cho tới phút cuối cùng. Mọi điều sẽ thực sự ngã ngũ khi cuộc đua vào Nhà Trắng có kết quả trong 3 tuần nữa.