Ông Trịnh Xuân Thanh có tiếp tục là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đại biểu Quốc hội?

Trọng Bằng| 15/06/2016 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước những việc làm đang khiến dư luận lên án và buộc hơn 10 cơ quan của Trung ương và địa phương phải vào cuộc làm rõ, hai tư cách là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Ông Trịnh Xuân Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Mới đây, trong công văn số 179 gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Công an, Tỉnh uỷ Hậu Giang thừa nhận việc cấp tạm biển số xanh 95A-0669 cho xe Lexus 570 của ông Trịnh Xuân Thanh là chưa đúng quy định, Tỉnh uỷ đã kiểm tra và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc làm này.

Ông Trịnh Xuân Thanh có tiếp tục là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đại biểu Quốc hội?

Về cá nhân ông Thanh, báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, ông Thanh là người có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với nhiệm vụ được giao, ông Thanh đã cùng tập thể thường trực UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh năm 2015. Đặc biệt, ông Thanh tích cực tham gia công tác vận động xã hội hóa thực hiện các chương trình an sinh, phúc lợi xã hội của tỉnh…

Cũng theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi cho trung ương, ông Thanh chỉ có “hạn chế duy nhất là còn nể nang trong việc xử lý và thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, mặt hạn chế này đã được góp ý và sửa chữa tốt”, báo cáo đánh giá.

Đối với việc bầu các chức danh chủ chốt của Tỉnh, trong đó liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, chiều 14/6, ông Nguyễn Quốc Ca - Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, kỳ họp lần thứ nhất HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ mới sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 16/6. Kỳ họp lần này sẽ bầu khoảng 70 chức danh, trong đó có 24 chức danh ở UBND. Đáng chú ý, kỳ họp sẽ tổ chức bầu các chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Riêng trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến cuối giờ chiều nay, HĐNĐ tỉnh vẫn đang đợi ý kiến của Trung ương.

Trong một động thái khác, sáng nay (15/6) trao đổi với nhiều tờ báo, ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, hôm qua, ông đã chính thức viết đơn gửi Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xin không tái cử vào chức danh Phó Chủ tịch tỉnh, khóa 9, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Lý do ông Thanh đưa ra không ứng cử HĐND tỉnh lần này là vì dư luận đang có nhiều chiều, cơ quan chức năng đang trong quá trình làm rõ.

“Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi là một đảng viên, lại là lãnh đạo của một tỉnh, bản thân tự nguyện làm đơn xin không tái cử đợt này. Khi nào có kết luận rõ ràng từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, tôi xin tái cử sau cũng không muộn...”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, ông cũng xin nhận sai sót khi đi xe biển số xanh. Còn về vấn đề luân chuyển ông từ Bộ Công Thương về UBND tỉnh Hậu Giang, ông không bàn luận tới.

“Việc tôi đi xe biển số xanh, ban đầu bản thân tôi cũng nhận thức đơn giản, nhưng sau đó tình hình phức tạp đi… Tôi xin nhận sai sót trong vấn đề này. Còn liên quan đến các vấn đề khác mà báo chí phản ánh thì chờ cơ quan chức năng kết luận”, ông Thanh nói.

Chưa có kết quả xác định tư cách đại biểu, chưa công nhận là đại biểu Quốc hội

Đối với tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh và việc tại cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV vừa qua ông Thanh trúng cử với số phiếu cao, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nói hiệp thương là cơ sở để xem xét, giới thiệu chuẩn xác nhưng thực tế cho thấy vẫn có người không đủ tiêu chuẩn “lọt lưới”. Có đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, bị truy tố một phần do sự lựa chọn chưa chuẩn xác, chưa kỹ càng.

Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh cũng thế thôi, số phiếu cao nhưng lại rất tai tiếng, buộc hơn 10 cơ quan của Trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Tổng Bí thư phải vào cuộc làm rõ.

Theo ông Cuông dù đạt phiếu trúng cử song  Luật quy định rồi, sau khi công bố đại biểu trúng cử, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo thì Hội đồng Bầu cử quốc gia phải vào cuộc và trong thời gian một tháng phải làm rõ vấn đề, trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới phải báo cáo kết quả kiểm tra tư cách để quyết định người đó có trở thành đại biểu Quốc hội hay không.

"Số phiếu là kết quả bầu cử chứ anh chưa phải là đại biểu Quốc hội vì cần có ý kiến cuối cùng về xác định tư cách đại biểu. Việc này chắc chắn được thực hiện vì sắp khai mạc kỳ họp thứ nhất (dự kiến 20/7) và liên quan đến chỉ đạo của Tổng Bí thư về kiểm tra, xác minh thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh nên các cơ quan phải khẩn trương vào cuộc. Chưa có kết quả xác định tư cách đại biểu thì làm sao công nhận là đại biểu Quốc hội được", ông Cuông khẳng định.

Liên quan vấn đề này, trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến khi trao đổi với báo chí cũng cho rằng: Những người như ông Trịnh Xuân Thanh có lẽ tốt nhất nên rút khỏi bộ máy quản lý. Vì đã như thế, ông không còn uy tín để tiếp tục làm việc. Cả danh hiệu đại biểu Quốc hội ông ấy vừa được người dân tín nhiệm bầu cũng như chức Phó chủ tịch UBND tỉnh thì với hành xử của ông ấy như vậy có còn đủ uy tín để đảm nhiệm không, có đủ uy tín để nói trước dân không? Đấy chính là vấn đề cần đặt ra.

Nếu ông Thanh đã được bầu vào đại biểu Quốc hội thì cần phải xem lại tư cách đại biểu của ông ta. Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu của Quốc hội cần tiến hành làm việc, đối chiếu với những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực của một đại biểu như thế nào để xem ông ấy đã đủ các phẩm chất, tiêu chuẩn ấy chưa.

Đây là những cái cần phải làm rõ và xử lý nghiêm! Câu chuyện này không còn là chuyện của cá nhân ông ấy mà là một tấm gương cho những cán bộ có chức có quyền khác, ông Tiến thẳng thắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Trịnh Xuân Thanh có tiếp tục là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đại biểu Quốc hội?