Sau khi công bố đề thi tham khảo, học sinh và giáo viên lên tiếng khó, cộng thêm đề thi thử ở nhiều trung tâm luyện thi ra theo đề thi quốc tế khiến học sinh càng lo lắng. Trước những lo lắng đó đại diện Bộ GD-ĐT cho hay đề thi 60% cơ bản và 40% phân hoá.
Đề thi bám sát 2 mục đích
Chia sẻ về những lo lắng đó của phụ huynh và học sinh, tại buổi gặp mặt báo chí trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018 TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD-ĐT cho hay, kỳ thi THPT quốc gia là có 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường, đại học, cao đẳng. Khi xây dựng đề án và công bố với công chúng chúng ta cũng nói rõ là 2 mục đích. Vì thế đề thi cũng phải bám vào 2 mục đích này.
TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD-ĐT. Ảnh Thanh Hùng.
Cũng theo ông Sái Công Hồng, đề thi tỉ lệ không thay đổi, 50-60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao phân hóa. Chỉ khác, bắt đầu từ năm nay có thêm nội dung một phần của chương trình lớp 11.
Ngoài ra, trong công văn hướng dẫn, đầu học kỳ 2 đã nội dung ôn tập vào 11 và 12. Tuy nhiên, chủ yếu là 12 và theo như đề thi tham khảo nội dung chương trình lớp 11 là 20%.
“Mục đích công bố đề thi tham khảo là học sinh có hướng học tập tốt. Đồng thời, khi công bố đề thi tham khảo, ban ra đề thi muốn lắng nghe phản hồi của học sinh, giáo viên để khi làm đề chính thức sát với năng lực của học sinh nhất”, ông Sái Công Hồng nói.
“Đề thi chính thức được xây dựng khi hội đồng làm đề cách ly hoàn toàn”, ông Sái Công Hồng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Đề thi trắc nghiệm giảm được việc học thêm
Cũng tại buổi gặp mặt báo chí ông Sái Công Hồng chia sẻ, khi công bố đề thi tham khảo ông đã nhận được nhiều phản ánh của hiệu trưởng nói đề khó quá. “Chính như vậy chúng tôi phải căn ke làm sao đúng với năng lực. Đề có 4 cấp độ: dễ, trung bình, khó, tương đối khó. Nhóm những câu hỏi dễ, trung bình, khó, tương đối khó sẽ được ra đều lần lượt trong đề”, ông Sái Công Hồng nói.
Ngoài ra, năm nay đối với những đề thi về khoa học tự nhiên, bắt đầu có những câu hỏi hướng về thí nghiệm. Nếu nhà trường mà bỏ qua các phần thí nghiệm học sinh sẽ khó làm được các câu hỏi ở phần này
Giải thích điều đó, ông Sái Công Hồng nói: “Câu hỏi thực hành để dần dần bám vào chương trình sách giáo khoa mới”.
"Còn đối với môn Toán, các các câu hỏi lý tuyết Toán sẽ được ra nhiều, như vậy buộc học sinh học phải hiểu được bản chất", đó là chia sẻ của Sái Công Hồng với báo chí. Lý giải về điều đó, ông Sái Công Hồng nói: “Khi ra đề thi bằng hình thức trắc nghiệm môn Toán chắc chắn dạy thêm học thêm giảm đi rõ rệt. Từ 10 ý thành ra 50 ý khác nhau, học rộng hơn không bị bó hẹp lại”.
Cũng theo như đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ không khuyến khích thi thử, vì hiện tại học sinh đã quen với định dạng, các trung tâm luyện thi tôi khẳng định không có cấu trúc đề của chúng tôi. Trong đề thi 60% cơ bản; 40% phân loại.
"Nếu các em chỉ lo học câu khó mà không học 60% dễ chưa chắc các em đã làm được điểm cao. Với kinh nghiệm của tôi làm công tác đề thi, thì những em nào nắm chắc kiến thức cơ bản các em có thể làm được và điểm cao. Muốn kiếm điểm cao nữa, chỉ cần các em đào sâu kiến thức sách giáo khoa”, ông Sái Công Hồng nói.