"Ông bố" mặc áo blouse trắng

Ngọc Thành – Minh Thư| 27/02/2018 10:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các sinh viên gọi ông bằng tiếng gọi thiêng liêng “bố”, còn các bệnh nhân lại gọi ông là “bác sĩ của người nghèo”.

Người mà chúng tôi nói trên đây chính là Bác sĩ Chuyên khoa II, Phùng Phước Nguyên (sinh năm 1972, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), dù chỉ mới ngoài 45 tuổi nhưng ông đã có hơn 16 năm làm từ thiện chuyên khám chữa bệnh miễn phí, quyên góp xây nhà tình thương cho người nghèo.

Từ cậu bé nghèo trở thành bác sĩ

Nhắc đến câu chuyện của cuộc đời mình, mấy ai ngờ ông có thể trở thành một bác sĩ, bởi hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, nguồn sống chính của gia đình phụ thuộc vào mâm bánh cam của mẹ. Bản thân ông, từ lúc bé mắc bệnh hen suyễn, phải làm bạn với thuốc men và bệnh viện. Thế nhưng cậu học trò nghèo Phùng Phước Nguyên không đầu hàng với số phận, cố gắng vượt qua bệnh tật để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ cứu người. “Bản thân mình bệnh, nhà nghèo nên hơn ai hết mình hiểu được nỗi khổ của những người bệnh nhưng gia cảnh lại khó khăn, nên tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để chia sẻ nỗi khó khăn cho người nghèo và tôi đã chọn nghề bác sĩ”, bác sĩ Phùng Phước Nguyên tâm sự.

Bác sĩ Nguyên khám bệnh cho người nghèo

Để thực hiện ước mơ, ngoài giờ lên lớp, cậu bé Nguyên còn phụ mẹ bán bánh. Có những lúc đang học, bệnh suyễn tái phát, thầy cô phải bế ông chạy đi tìm bác sĩ, nhưng không vì thế mà ông chùn bước. Năm 1995, ông thi đậu vào ngành y trường Đại học Cần Thơ.

Năm 2001, bác sĩ Nguyên tốt nghiệp đại học. Khác với bao người khác, ông không ở lại chốn thành đô mà tình nguyện về công tác tại huyện Châu Thành A ( tỉnh Hậu Giang), một huyện vẫn còn nhiều khó khăn lúc bấy giờ.

Cũng vào khoảng thời gian này, trong một chuyến công tác từ thiện, được tiếp xúc với những người bệnh nhân nghèo khó, ông cảm nhận sâu sắc rằng họ còn quá nhiều khó khăn. Nhưng nếu trên cương vị là một người bác sĩ lại không có sự gần gũi, sẻ chia với người nghèo thì sẽ không thể nào hiểu hết được những khó khăn của họ. Và cũng trong lúc ấy một người anh trong đoàn đã nói với anh rằng: “Nếu muốn giúp người nghèo thì không cần phải đợi. Nghèo làm theo nghèo, giàu làm theo giàu, tùy theo khả năng” vì câu nói ấy mà bác sĩ Nguyên chính thức trở thành “Bác sĩ của những người nghèo”.

“Bác sĩ của người nghèo”.

Vậy là từ đó, ông bắt đầu tham gia những đợt khám bệnh từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Thời bấy giờ, lương cán bộ viên chức vẫn còn hạn chế, nhưng hàng tháng ông vẫn trích ra một phần để mua gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho những người già có hoàn cảnh khó khăn. Ở đâu có người già bệnh mà không tiền chữa trị là ông tìm đến.

Đến năm 2004, ông được phân công về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Phong Điền. Từ đây, ông  bắt đầu mở phòng khám bệnh tư và mở rộng vòng tay đón hết tất cả những bệnh nhân nghèo tìm đến.

“Cách đây 2 năm, mẹ chồng tôi bị bệnh, nhà tôi cũng nghèo nên chưa biết tính sao thì tôi nhớ tới bác sĩ Nguyên do trước đây tôi đã nghe nói nhiều về bác. Vậy là tôi đưa mẹ chồng tôi đến. Cách đây hơn 1 năm, tới lượt tôi phát bệnh, mỗi lần tôi tới khám bác sĩ Nguyên đều khám cho tôi mà không lấy tiền, có khi tôi đo điện tâm đồ này kia cũng không tính tiền gì hết. Còn thuốc thì bác tính tôi giá rẻ lắm, mà nhiều khi bác cho luôn thuốc mà không có tính tiền”, bà Nguyễn Thị Khôi (67 tuổi ngụ xã Thị Tú, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chia sẻ.

Ngoài những bệnh nhân tìm đến phòng khám, bác sĩ Nguyên còn tìm đến tận nhà khám cho những bệnh nhân là người già neo đơn hay hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài phòng khám, bác sĩ Nguyên còn tìm đến tận nhà của bệnh nhân để khám chữa bệnh

Không giấu được xúc động, bà Nguyễn Thị Xuyến (ngụ xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) kể. Sức khỏe bà rất kém, hay đau ốm liên miên. Nguồn sống chính của gia đình phụ thuộc vào những đồng lời ít ỏi từ việc chồng bà đi bán vé số. Không có tiền chữa trị, bệnh tình càng trở nặng đến nỗi bà phải nằm liệt giường. Cứ tưởng cứ thế buông xuôi. Biết được câu chuyện của bà, bác sĩ Nguyên tìm đến. Không chỉ khám chữa bệnh, ông còn vận động nhà hảo tâm cất cho vợ chồng bà Xuyến căn nhà để có chỗ trú nắng che mưa. Và hàng tháng, định kì ông đều đến thăm khám và tất nhiên tất cả hoàn toàn là miễn phí.

“Từ lúc Bác sĩ Nguyên tới khám chữa bệnh cho tôi tới giờ tôi thấy khỏe lắm, chứ lúc trước tôi ngồi không được nằm cũng không được. Tôi nhớ hoài, nhờ bác sĩ mà tôi mới sống tới năm nay. Rồi bác sĩ còn vận động cho tôi được cái nhà, chứ lúc trước nhà này của tôi tệ dữ lắm luôn, nó muốn sập. Thiệt tôi mang ơn bác sĩ lắm”, bà Xuyến tâm sự.

Là một người cùng đồng hành với bác sĩ Nguyên qua những chuyến khám bệnh từ thiện suốt 4 năm qua, anh Bùi Hoàng Nam (34 tuổi, ngụ huyện Phong Điền) bày tỏ: “Từ lâu, tôi đã nghe tiếng bác sĩ Nguyên và ngưỡng mộ bác sĩ không chỉ bởi chuyên môn giỏi mà còn bởi cái y đức của người bác sĩ. Tôi còn nhớ có một đợt anh em làm tư vấn cho một phòng khám bệnh, hôm đó có một số người tới tư vấn, nhưng lại không có tiền khám bệnh, vậy là anh tự móc tiền túi đưa cho bệnh nhân đó vào khám. Rồi sau những ngày đi chung, tiếp xúc nhiều lại càng quý anh thêm bởi lối sống hòa nhã với mọi người”.

Trong suốt 17 năm qua, những chuyến khám chữa bệnh từ thiện từ Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Dương,.. đã qua bao nhiêu đợt cũng không ai nhớ hết. Bao nhiêu căn nhà được cất cho người nghèo nhờ vào sự vận động và quyên góp của bác sĩ Nguyên cũng không kể siết, nhưng vị bác sĩ này vẫn chưa cảm thấy đủ. Không chỉ tự mình san sẻ với người bệnh, anh Nguyên còn là người truyền ngọn lửa y đức cho các thế hệ trẻ sau này.

“Ông bố” của các sinh viên

Trong các chuyến từ thiện và cũng ở tại phòng khám của bác sĩ Nguyên, mọi người đều thấy lúc nào cũng có bóng dáng của các bạn sinh viên thực tập.

Trực tiếp đứng lớp giảng dạy tại trường Đại học Võ Trường Toản, không chỉ truyền đạt kiến thức cho sinh viên, ông còn dạy các em y đức của một người bác sĩ. “Bên cạnh những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, “bố” còn dạy em làm người, luyện cho em cái đức của một người bác sĩ", bạn Nguyễn Tiến Lộc (sinh viên năm 6 trường Đại Học Võ Trường Toản) nhận xét.

Khi PV thắc mắc vì sao, Lộc gọi Bác sĩ Nguyên là “bố”. Lộc cười, không chỉ bạn, mà hầu như tất cả các sinh viên, khi học qua thầy Nguyên đều tự nguyện gọi thầy là “bố”.

Ngoài giờ học kiến thức, các bạn còn theo thầy làm từ thiện, khi thì hiến máu nhân đạo, lúc thì thăm khám tặng quà cho người nghèo. Nhờ vào ngọn lửa từ thầy, mà các bạn lập hẳn thành một nhóm trên 10 thành viên tự bỏ tiền túi hoặc vận động bạn bè đóng góp, rồi hàng tháng, định kì, các bạn dành khoản tiền ấy mua gạo, thuốc men mang đến thăm những người già neo đơn hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ những bạn sinh viện đang theo học “bố” Nguyên mà những bạn vẫn chưa học “bố” ngày nào cũng tìm đến. “Em mới học năm 2 thôi nên vẫn chưa được học môn của “bố” nhưng mà qua các anh chị, em nghe tiếng “bố” từ lâu nên em ngưỡng mộ và xin gia nhập vào hội. “Bố” rất giỏi, lại hiền mà còn tận tình nữa. nếu sinh viên nào không hiểu, hỏi “bố” sẽ giảng dạy nhiệt tình, còn đi làm trong bệnh viện, có cơ hội, “bố” cũng sẽ chỉ dạy thêm cho các bạn”, bạn Cao Hoài Thương (Sinh viên năm 2 ngành y) chia sẻ.

Hiện nay, Bác sĩ Nguyên không còn công tác trong cơ quan nhà nước nữa, để có thể tập trung vào cho việc giảng dạy. Ông cho biết đã lập fanpage “Tôi yêu y khoa” với sự tham gia của hơn 1.500 thành viên là sinh viên và người làm ngành Y. Qua đó, ông mong rằng đây sẽ là nơi để anh cùng các đồng nghiệp và sinh viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Với những đóng góp của mình, Bác sĩ Phùng Phước Nguyên đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Đặc biệt, tháng 8/2015, Bác sĩ đã được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mới đây nhất 11/2017, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã tặng bằng khen về đã có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ông bố" mặc áo blouse trắng