Dường như có quá nhiều sự cố đã xảy ra và anh muốn trải lòng mình về công việc, cuộc sống và cả sự cạnh tranh trong giới showbiz.
Thời gian qua các chương trình giải trí mọc lên như nấm, nhưng mất dần sức hút cho dù ekip luôn cố gắng đổi mới. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi không dám khẳng định một điều gì hết, khi tôi không phải là người trong cuộc. Nhưng có một điều chắc chắn rằng các chương trình giải trí hiện nay đang mất đánh mất dần khán giả, bởi vì sự nhàm chán và cạnh tranh không mấy lành mạnh. Có những người để đạt được mục đích cá nhân mà quên đi cái mình đang làm là gì, có thể đó là số ít nhưng rất đáng quan trọng. Bởi vì để làm lên sự thành công cho một chương trình giải trí thì cần đến cả một ekip hoàn hảo và cách làm việc chuyên nghiệp. Tiền không phải là tất cả để nói lên sự thành công.
Đôi khi sự cạnh tranh không lành mạnh ấy có khiến anh nản trí?
Nếu nói nản trí thì nhiều lắm. Bởi vì ý tưởng đưa ra, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại gặp khó khăn về vấn đề kinh phí hay còn gọi là nhà tài trợ. Tôi đã từng làm rất nhiều chương trình về ca nhạc và thời trang, nhưng uy tín lại được tạo dựng bởi ý tưởng và để thực hiện ý tưởng ấy mà không có tiền thì không thể thực hiện nổi ý tưởng. Đôi lúc có những chương trình tôi làm xong, nhưng lại không đủ tiền để bồi dưỡng cho anh em và ekip, tôi rất buồn và thương họ.
Rõ ràng, để có cuộc cạnh tranh không cân sức phải có sự “đổ máu”. Anh thấy điều đó có đúng không?
Đúng vậy, trong cuộc chơi nào cũng có người thắng kẻ thua và chắc chắn trong cuộc chiến đó sẽ có nhiều điều xảy ra. Cũng có nhiều chiến thắng qua sự sắp đặt của Ban tổ chức, nhưng cũng những có chiến thắng dùng bằng mọi thủ đoạn. Đó là tôi còn chưa kể đến nhiều tác nhân bên ngoài nữa, đúng là làm cái nghề ông bầu show như kiểu làm dâu chăm họ. Tất cả những điều đó tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu như anh không có tài năng, trí tuệ thì không bao giờ anh đạt được mục đích của mình. Cũng có lúc tôi thấy tự ái nghĩ tại sao họ làm được mà mình không làm được, để cuối cùng đến giờ, tôi phải chấp nhận mình chưa có đủ tài để làm như người ta.
“New Style Fashion Show” đã quay hình được 15 số rồi. Là người đạo diễn từ đầu đến cuối, có lúc nào anh muốn thay đổi?
À! Việc này thì tôi có suy nghĩ tới. Thường mỗi chương trình tôi là người quyết định chính và mọi công việc đều được tôi kiểm soát rất kỹ. Đến giờ phút này, khi đã làm được 15 số thì tôi nhận ra rằng mình cần có một sự thay đổi để chương trình sẽ hút khán giả hơn. Và giờ tôi đã có trợ lý của riêng mình, họ sẽ giúp tôi giải quyết những công việc liên quan, còn tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung đầu tư cho từng tiết mục để chương trình ngày một chuyên nghiệp hơn.
Ít có ông bầu show nào lại có duyên làm đạo diễn như anh. Anh thấy làm ông bầu hay đạo diễn cái nào khó hơn?
Nếu nói không thích thì không đúng lắm, nhưng tôi vẫn thích làm ông bầu show hơn. Không phải vì làm đạo diễn khó mà công việc của một đạo diễn buồn lắm, chỉ cần sai xót một chút là có thể bị bể show ngay và đặc biệt đó cũng không phải là sở trường của tôi. Còn làm ông bầu thì tôi chỉ cần lo đầy đủ kinh phí cho chương trình và có thể làm những gì mà tôi muốn.
Làm đạo diễn cũng là một thứ gia vị, nhưng đôi lúc gia vị ấy cũng đắng lắm, khiến anh từng có lần gặp hạn. Tại sao anh vẫn có thể sống chết với nó?
New Style Fashion Show là một đứa con tinh thần của tôi và không có một lý do gì để tôi phải từ bỏ nó cả. Tôi không nghĩ rằng có ai đó bằng cách này hay cách khác có thể tránh được hạn chế về lỗi. Đã là cuộc sống, con người nên biết cười và biết khóc. Phải có lúc vui lúc buồn, như trời có lúc mưa lúc nắng vậy. Chú lúc nào cũng bình thường thì chán lắm.
Anh nói “con người nên biết cười biết khóc”. Vậy lúc bị dư luận ném đá anh có khóc không?
Đúng là có nhiều lần tôi đã phải khóc khi bị dư luận ném đá, nhưng đó chỉ là lúc tôi mới vào nghề thôi. Còn bây giờ thì tôi “dám đạp lên dư luận mà đi”. Tôi tiếp nhận nó một cách bình tĩnh. Bởi vì tôi xác định đó là cuộc sống, đừng hy vọng có ai đó được tất cả mọi người yêu quý hay bị tất cả mọi người ghét và mọi cái nhìn đều có cái lý do riêng của nó. Miễn sao mình được làm những cái gì mình thích và cần phải làm. Còn việc mình làm có thể gây cho người nào đó khó chịu hay người kia chán ghét, đó là việc của người ta. Nếu vừa làm vừa nghe ngóng xem người ta có thích thì làm, không thích thì thôi thì chả làm được cái gì cả.
Anh có buồn khi nghe người ta phàn nàn rằng đạo diễn Tommy Văn không có tài chỉ huy, nhu nhược và quá hiền không?
Giờ biết nói sao nhỉ, nếu mọi người theo dõi suốt quá trình tôi làm thì sẽ nghĩ tôi khác đấy. Tôi không muốn biện minh điều gì hết, mọi cố gắng tôi làm chỉ là muốn tốt cho chương trình của tôi mà thôi. Và đặc biệt không chỉ tôi nghĩ đến chương trình không đâu mà tôi còn phải nghĩ cho các nhà thiết kế, người mẫu, nhà tài trợ…. khi tham gia chương trình của tôi. Khi quyết đinh điều gì tôi cũng phải nghĩ cho đôi bên cùng có lợi, chứ tôi không quen chỉ nghĩ có lợi cho bản thân mình. Ai hiểu tôi thì họ nghĩ tôi tốt, còn ai không hiểu tôi thì họ cho rằng tôi xấu. Nhưng cái người không hiểu tôi rất ít, nếu có chỉ có những kẻ không biết mình là ai thì mới nghĩ như vậy.