Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức

24/05/2012 21:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình.

Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều thách thức

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Ủy ban Kinh tế nhận định: Kinh tế 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định như Báo cáo Chính phủ đã nêu, nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại và mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; tỷ giá ngoại tệ bình quân trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; cán cân thanh toán tiếp tục được cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng lên; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. An sinh xã hội được bảo đảm, ổn định trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến tháng 5, lãi suất ngân hàng đã giảm dần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức

Đại biểu Quốc hội đoàn Tp. Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ sáng 24-5

Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều thách thức. Khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh, cụ thể như: GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và quý II dự kiến tăng khoảng 4,5%, như vậy sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012.   Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp bị đình đốn, kim ngạch nhập khẩu giảm, sức tiêu thụ chậm là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng họat động gia tăng làm tăng thêm nguy cơ thất nghiệp, mất việc làm cho người lao động trên cả nước. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng ở mức khá (22,1% so với cùng kỳ) nhưng xuất khẩu từ khu vực doanh nghiệp trong nước tăng rất thấp; một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm.

Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo vẫn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” trong thời kỳ đầu vụ, các giải pháp giao doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ như thời gian qua chỉ mang tính giải quyết tình thế. Thanh khoản của một số ngân hàng đã cải thiện đáng kể thể hiện qua thị trường liên ngân hàng đã bớt căng thẳng thời gian gần đây; mặc dù vậy, gần 4 tháng đi qua, đến ngày 20-4-2012 tổng dư nợ tín dụng vẫn còn tăng trưởng âm, chỉ số lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, đã tác động mạnh hai mục tiêu: rất tích cực và hiệu quả đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát nhưng khá ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và yêu cầu tăng trưởng hợp lý.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn rất nghiêm trọng, ùn tắc giao thông giảm chưa rõ nét. Nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại lớn, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm gây tâm trạng lo lắng đối với người dân. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp, chưa được đẩy lùi. Một số vụ việc phát sinh ảnh hưởng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, tác động xấu trong dư luận xã hội, nhất là những vụ liên quan khiếu kiện đất đai và các vi phạm ở một vài tập đoàn kinh tế nhà nước mà Thanh tra Chính phủ vừa mới công bố gần đây.

Chính phủ cần có các phương án chủ động

Nhiếu ý kiến thành viên các ủy ban của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình.

Sáng 24-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo của Chính phủ. Hầu hết ý kiến đại biểu tại các tổ tán thành với báo cáo của Chính phủ và cho rằng: Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá toàn diện những kết quả bước đầu về kinh tế - xã hội và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, yếu kém; những thách trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế, xã hội nước ta. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thể hiện những lo lắng ở nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, nhất là dấu hiệu suy giảm kinh tế.

Ý kiến nhiều đại biểu khẳng định, việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn dẫn đến hàng nghìn doanh nghiệp phá sản.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều nơi vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; số vụ khiếu kiện, tố cáo tăng, đặc biệt là về đất đai...

Ngoài thảo luận các giải pháp của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc sử dụng nguồn vốn, tài sản của Nhà nước ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM): Cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, vì vậy Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Vì nếu GDP giảm sút thì số thất nghiệp sẽ rất tăng. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%%, nhưng có thể đạt 5,5-6%.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (đoàn Nam Định): Người dân vẫn băn khoăn về việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn ít. Số liệu tổng kết sau 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng có thuyết phục được người dân không hay chỉ mới là “lớp váng”. Do đó, Quốc hội phải thảo luận và tỏ rõ thái độ để dân yên tâm.

Đại biểu Nguyễn Phước Thanh (đoàn Quảng Nam): Theo số liệu khảo sát mới nhất, số huyện nghèo trên thực tế cao hơn con số 63. Cuối năm 2011, một số vùng tỉ lệ hộ nghèo lên đến 80%, nhiều địa phương tỉ lệ nghèo khoảng 50%. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có sự hỗ trợ những huyện nghèo để nâng cao đời sống người dân.Theo số liệu khảo sát mới nhất, số huyện nghèo trên thực tế cao hơn con số 63. Cuối năm 2011, một số vùng tỉ lệ hộ nghèo lên đến 80%, nhiều địa phương tỉ lệ nghèo khoảng 50%. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có sự hỗ trợ những huyện nghèo để nâng cao đời sống người dân.

Bảo Nam

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức