Từ con số 1.000 tỷ đồng thiệt hại do bão Doksuri ban đầu, sau đó con số cứ "nhảy múa" theo chiều giảm dần và cuối cùng nó "ngót" đi gần 300 tỷ.
Câu chuyện thật mà như đùa này như đã đưa tin diễn ra ở tỉnh Thanh Hóa.
Bão Doksuri đã đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh - Quảng Bình vào ngày 15/9. Thanh Hóa không phải là tâm điểm của cơn bão nhưng ngay sau đó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa báo cáo con số thiệt hại rất lớn, thể hiện bão đã tàn phá địa phương này khá nghiêm trọng.
Sức tàn phá của cơn bão số 10
Cụ thể, theo báo cáo nhanh số 136 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều 16/9, bão Doksuri khiến địa phương này có hai người chết, hơn 400 ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng, hơn 1.800 ha lúa bị ngập, hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…; ước tính tổng thiệt hại 1.000 tỷ đồng.
Hoằng Hóa là huyện báo cáo thống kê con số thiệt hại rất hài hước. Ngày 16/9, huyện này thống kê thiệt hại 897 tỉ đồng, hai ngày sau nâng lên 937 tỷ đồng. Những con số khổng lồ này sau đó bị chính người dân địa phương phản ứng. Nhiều người cho rằng không thấy mặt mũi cán bộ địa phương nào xuống để thống kê nhưng lại có con số thiệt hại.
Ngày 21/9, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Nguyễn Đình Tuy báo cáo lại và con số bỗng dưng tụt xuống còn 640 tỷ đồng, thấp hơn 297 tỷ đồng so với trước. Hẳn là những con số ma thuật, nhảy múa thật kỳ diệu.
Ông Tuy còn phân trần trên báo chí: "Dù báo cáo sai hay đúng thì cũng có được gì đâu, có được thì được cho dân thôi”.
Ông Phó Chủ tịch huyện này thật là người thích đùa. Đây không phải là chuyện được hay không được mà nó phản ánh thực trạng làm láo báo cáo cũng...điêu. Một báo cáo thiệt hại do bão lũ mà cán bộ ngồi trong phòng lạnh nghe ngóng và ghi chép số liệu trên sổ sách. Bão chưa đổ bộ đã biết con số thiệt hại nó thể hiện sự quan liêu, sâu xa hơn là sự gian dối, thiếu trung thực.
Hơn nữa, ông nói "có được gì đâu" nghe thật nực cười. Vậy mục đích của thống kê thiệt hại là gì? Chẳng phải thiệt hại càng nhiều thì hỗ trợ ngân sách cho thiên tai càng lớn hay sao? Và cái ngân sách ấy, bao nhiêu năm nay dư luận vẫn thì thầm to nhỏ rằng, khi về tới người dân thì đã "ngót" chỉ bằng cái móng tay.
Cái kiểu nhập nhằng, tranh tối tranh sáng, làm giả ăn thật chẳng ai còn lạ gì. Và qua sự việc này, những bản báo cáo dày đặc con số về sau sẽ không còn đáng tin nữa. Người dân có quyền đặt câu hỏi nghi vấn về sự trung thực của các con số ấy.
Cứ để ý sau mỗi cơn bão, mỗi đợt lũ đi qua dường như ngay tắp lự chính quyền địa phương có một con số ước tính cao chót vót đặt sẵn lên bàn và "tương" ngay lên mặt báo. Thế nhưng sau đó, không thấy một con số thực tính nào cả. Hoặc là nó rất ít khi được công khai.
Báo cáo kiểu "nhìn trời đếm sao" này không phải chỉ có ở Thanh Hóa mà tồn tại ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực khác nhau. Những con số hoặc là có để trang trí cho đẹp báo cáo, hoặc là với một mục đích rất cụ thể nào đó.
Cơn bão đi qua, thiệt hại về tài sản có thể ước tính được, còn thiệt hại về niềm tin thì không thể đo đếm.