Ở hai đầu lãi - lỗ

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

DN sản xuất cầm chừng và đinh đốn trong khi nhiều ngân hàng lãi lớn.

Có thông tin, trong quý 2, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế là 2.590 tỷ đồng, nâng lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên 3.619,4 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong quý 2 theo công bố cũng lên tới 1.254,7 tỷ đồng, và tổng lợi nhuận trong nửa năm nay cũng đạt hơn 3.000 tỷ đồng tăng gần 8,2% so với cùng kỳ 2010. Lợi nhuận lũy kế của Eximbank trong 6 tháng đầu năm đạt 1.690 tỷ đồng.

Sacombank lũy kế 6 tháng năm 2011 đạt 1.490,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Một số ngân hàng khiêm tốn hơn cũng đạt lợi nhuận tăng dăm chục phần trăm so cùng kỳ.


Theo các chuyên gia, đây là điều bất hợp lý và là dấu hiệu đáng báo động bởi trái với quy luật phát triển của nền kinh tế. Thật phi lý khi trong thời điểm thị trường suy giảm, đầu ra bị eo hẹp, cạnh tranh gay gắt về giá cả nhưng DN đang phải chịu vay vốn với lãi suất cao nhất thế giới (22%-24%)! Tại diễn đàn quốc hội khóa 13 vừa họp, có đại biểu đã lên tiếng rằng không DN nào có thể chịu nổi mức lãi suất này một cách lâu dài và kiến nghị kiểm toán ngay một số ngân hàng thương mại.


Theo khảo sát của các hiệp hội ngành nghề địa phương cho thấy số DN phá sản, ngừng hoạt động 6 tháng đầu năm nay gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010 (khoảng 12.000 DN), trong đó chủ yếu DN nhỏ và vừa.


Theo thông kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sau khi đã loại trừ yếu tố giá trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ tăng có 5,7%. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế có dấu hiệu tăng chậm, thậm chí giảm sút, tác động trực tiếp tới khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng lượng hàng tồn kho.


Riêng thị trường chứng khoán, nơi phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế, giá trị của nhiều cổ phiếu đã mất 50%-70% trong 7 tháng qua. Trong tình huống này, đã có tín hiệu về cơ hội hạ lãi suất. Báo chí đã thông tin về việc các ngân hàng có thể làm ngay là cắt giảm chi phí và chia sẻ khó khăn với DN bằng cách giảm tỉ suất lợi nhuận. Đồng thời, các ngân hàng cần tích cực trong việc tìm các nguồn vốn rẻ hơn, sử dụng các nghiệp vụ tái chiết khấu, tái cấp vốn... Việc kiềm chế tín dụng tăng dưới 20% cũng nên linh hoạt hơn không nhất thiết phải cào bằng cho mọi ngân hàng. Chẳng hạn với chính sách kiềm chế tín dụng bất động sản đang gây khó cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, và các đơn vị thi công xây lắp và đóng băng thị trường bất động sản. Đã có dự báo nếu không có các giải pháp cân bằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý IV/2011 sẽ không tăng mà giảm, bởi hàng loạt DN phá sản, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, sức mua của toàn xã hội suy giảm, nền kinh tế phải đối phó với nguy cơ giảm phát…


Theo các chuyên gia đây là vấn nạn đình - lạm!


Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ở hai đầu lãi - lỗ