Chúng tôi đã thấy những người mẹ khóc con, người vợ khóc chồng, đứa con đòi cha và rất nhiều những nỗi đau khác. Họ đều đón nhận một cách bất ngờ và đau đớn.
Lỗi hẹn tương lai
Họ sớm tối ngoài đồng làm việc quần quật. Họ làm để quên đi nỗi đau vừa mất đứa con trai. Mặc những sự động viên, mặc những lời an ủi. Nước mắt người cha, nỗi đau người mẹ không chịu đựng nổi cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Từ ngày đứa con trai ra đi vĩnh viễn, cả hai vợ chồng họ vẫn không tin đó là sự thật. Căn nhà ngói cũ xiêu vẹo, những cái giấy khen vẫn còn tươi màu giấy mới ken kín bức tường nhà cũ kỹ. Vòng khói hương tỏa ngút ngát, tiếng tụng kinh gõ mõ não nề và hai gương mặt buồn rầu, ủ rũ.
Vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ rồi nhìn di ảnh con trai mà khóc. Khóc cho vơi nỗi buồn đau. Khóc vì thương nhớ cậu con trai nổi tiếng khắp làng vì chăm ngoan, học giỏi, cần cù chịu khó, quyết chí học tập để thoát cảnh cổ cày vai bừa như bố mẹ.
Sau 4 năm vừa học vừa làm thêm, cậu tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Trường Đại học Sao Đỏ với tấm bằng khá. Trong một lần Công ty dệt Đài Nguyên (Đài Loan) về tuyển dụng nhân sự ở trường, cậu và 7 bạn cùng khóa đã lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng.
Một khóa đào tạo 7 tháng và cam kết làm cho họ trong vòng 3 năm đã được ký kết. Cậu vui mừng thông báo cho bố mẹ biết tin. Cùng lúc đó, cậu em trai cũng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, niềm vui nhân lên gấp bội.
Ngày cậu xách vali đi Đài Loan thì người em trai cũng lên đường nhập học, bà con lối xóm kéo nhau đến chia vui chật kín nhà. Ai ai cũng bảo một tương lai tươi sáng đang mở ra với gia đình họ.
Có ai ngờ rằng, ngày đó cũng là ngày cuối cùng vợ chồng họ được nhìn thấy ánh mắt tràn đầy hạnh phúc của cậu con trai.
Chị Phạm Thị Dung đau đớn khi cầm di ảnh con trai
Sáng 22/3, dòng tin từ Đài Loan báo về, cậu con trai vừa lâm bệnh. Rồi chỉ ngay chiều cùng ngày thì họ nói cậu đã qua đời. Vợ chồng họ quỵ ngã, đau đớn như bị cắt lìa khúc ruột.
Chúng tôi đến khi không khí tang thương vẫn còn bao trùm lên căn nhà nhỏ. Người mẹ kể lại những tháng năm nhọc nhằn làm ôsin, người cha còng lưng xách từng thùng vữa. Những đồng tiền thấm giọt mồ hôi ấy đều dốc vào cái chữ cho con. Mọi chuyện như mới chỉ ngày hôm qua nhưng đều là dĩ vãng có buồn, có vui, có hạnh phúc và cũng có lắm đớn đau.
Người mẹ nước mắt dàn dạt bảo, mộng xứ Đài chưa thực hiện được thì họ đã vĩnh viễn mất con trai. Rồi người mẹ vẫn còn thắc mắc vì sao ở xứ đảo ngọc vời xa ấy, con chị lại chết vì căn bệnh thủy đậu thông thường?
Tôi ngước nhìn trên ban thờ có một vài cuốn sách, những bông hoa cúc trắng và tấm di ảnh của chàng trai trẻ Phạm Văn Hải, cậu vừa qua đời trên đất khách quê người ở cái tuổi 23.
Còn người mẹ ấy là chị Phạm Thị Dung, 47 tuổi ở thôn Hòa Nhạ, xã Tiên Động, Tứ Kỳ, Hải Dương. Nơi chúng tôi đến vào một ngày đầu tháng 4 rất nắng.
Sự ra đi đường đột
Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, chừng chưa đầy 1 tháng đã có hàng chục người vĩnh viễn ra đi trên đất Đài Loan. Đau xót thay, họ mất ở nơi viễn xứ này khi trên đầu tóc vẫn còn xanh. Chẳng những thế họ còn là lao động chính, là “cái máy” đang cày cục để hàng tháng gửi tiền về trả nợ. Và họ đang nắm giữ cuộc sống, tương lai của những người vợ trẻ, những đứa con thơ dại chưa tỏ mặt cha. Gái đương xuân đã vội góa, trẻ lọt lòng đã mồ côi, cảm thương lắm chứ.
Người bố trẻ Chu Văn Thương (SN 1989, quê Phố Nối, Hưng Yên) chỉ cách đây hơn 4 tháng anh từ biệt gia đình, chia xa vợ trẻ lên đường sang Đài Loan. Chấp nhận cảnh vợ mới cưới chăn đơn gối chiếc, vợ chồng đang lửa đượm hương nồng để vun vén cho tương lai.
Nào ngờ mới bước chân xứ đảo ngọc thì Thương mất. Bạn bè Thương bảo, tối hôm trước anh vẫn đi làm bình thường nhưng sáng hôm sau thì mọi người phát hiện anh không bao giờ tỉnh dậy nữa. Sự ra đi đường đột ấy khiến nhiều người bị sốc. Nơi đất khách quê người thật lạnh lẽo và buồn thảm.
Vợ đón chồng về trong cảnh âm dương cách biệt, khóc đến chết đi sống lại vẫn không làm sao vơi được nỗi đau. Người phụ nữ trẻ sẽ sống sao? Thai nhi bé nhỏ sẽ ra sao khi ngày cất tiếng khóc chào đời sẽ không thấy mặt cha? Những câu hỏi như dao cứa vào lòng người thân khi thai phụ lăn lóc, vật vã khóc bên di ảnh của chồng.
Anh Chu Văn Thương khi làm việc ở Đài Nam (Đài Loan)
Nối tiếp sự đau thương ấy, chúng tôi muốn nói đến một trường hợp nữa cũng tử vong bất ngờ như thế ở xứ Đài. Anh Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1979 ở Chí Linh, Hải Dương mất ngay sau anh Chu Văn Thương chỉ có vỏn vẹn một tuần lễ.
Anh Hưng vừa mới đặt chân sang Đài Loan chưa đầy 7 tháng. Cao Viên, Đài Loan có lao động người Việt sống nhiều lắm. Hợp pháp có, bất hợp pháp cũng có. Người đi Đài Loan chẳng mấy chốc mà xây được nhà, trả được nợ, mua được xe, thậm chí có người còn kiếm được tiền cho con đi du học. Và ngược lại có người bao năm trở về tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Còn với anh Hưng mọi thứ đó đã đi theo anh vào cõi hư vô. Ước mơ dựng nhà, ước mơ trả nợ cho đến chuyện lo cho con cái học hành cũng tan theo mây khói. Cũng như Thương, anh Hưng ốm đột ngột một đêm rồi mất. Chuyện mất mát quá bất ngờ có ai là không thảng thốt, có ai là không đau đớn. Người dưng còn rơi nước mắt thì máu mủ ruột rà cách xa hàng trăm ngàn vạn dặm có xót xa không?
Nước mắt xứ Đài còn rất dài, rất nhiều những câu chuyện về cảnh bôn ba, xa xứ nhức nhối và đầy nỗi thương cảm. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải khơi lại nỗi đau thương này để rồi đi tìm câu trả lời nguyên nhân xuất phát từ đâu. Đó là những bất cập trong chính sách? Ý thức của người lao động? Sự gian manh của những kẻ môi giới?. Hay còn một nguyên nhân sâu xa nào khác? Chúng tôi sẽ tìm câu trả lời trong những bài viết sau.