Nước không chỉ là thứ “trời cho”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khoá X thông qua năm 1998, có hiệu lực từ ngày 1-1-1999. Qua 12 năm thực hiện, đến nay Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập và nhiều vấn đề mới phát sinh.


Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành với việc phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình. Dù phương án được lập riêng hay thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đều phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận. Để đơn giản và thống nhất thủ tục hành chính, đề nghị quy định phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước. (Ảnh Chinhphu.vn)

Bên cạnh đó, Luật cần điều chỉnh về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Tuy nhiên, cần quy định đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc xung đột với các luật, pháp lệnh có liên quan. Luật cũng cần điều chỉnh về “nước biển ven bờ”, đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người. Do đó, để thống nhất quản lý, bảo vệ nguồn nước, hạn chế tác hại do nguồn nước trên đất liền gây ra cho nước biển ven bờ và ngược lại, việc điều chỉnh về nước biển ven bờ là cần thiết. Ủy ban Kinh tế đề nghị nêu rõ cách thức xác định nước biển ven bờ và chỉ điều chỉnh nước biển ven bờ trong phạm vi vùng nước nội thủy.


Về trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nội dung này cần được quy định theo hướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình về các nguồn nước liên quốc gia có ảnh hưởng đến Việt Nam, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để xử lý các vấn đề có liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của quốc gia.


Lâu nay, trong tư duy của một bộ phận doanh nghiệp và người dân vẫn coi nước là một thứ “trời cho” chứ chưa ý thức được rằng đó là một nguồn tài nguyên quý giá. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung những quy định để bảo vệ nguồn tài nguyên nước là rất cần thiết.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước không chỉ là thứ “trời cho”