Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu và trực tiếp thâm nhập vào doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhóm phóng viên đã bàn giao toàn bộ sản phẩm vi phạm cho Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình.
Khi tiếp nhận thông tin từ nhóm phóng viên, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình đã kết hợp với Chi cục Quản lý thị trường đến tại cơ sở Công ty TNHH Điện tử Thương mại Tổng hợp Khánh Hà (Công ty Khánh Hà) có địa chỉ tại 182 Trần Hưng Đạo, phường Nam Lý, TP - Đồng Hới (Quảng Bình) để kiểm tra.
Tại đây, cơ quan chức năng khẳng định những vấn đề người tiêu dùng phản ánh đến cơ quan báo chí là hoàn toàn có cơ sở và đúng sự thật. Ngay lập tức các đơn vị chức năng đã có những động thái tích cực và có các biện pháp xử lý vi phạm đối với đơn vị này.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi Cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình trao đổi với PV
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, các văn bản, chứng từ do doanh nghiệp này cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền sau khi bị phát hiện vi phạm là sai với thực tế, khai không đúng cả về số lượng lẫn sản phẩm vi phạm đã được tung ra thị trường. Điều này khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý và truy tìm hết số lượng hàng không đảm bảo ATVSTP trên thị trường, dẫn đến dư luận hoang mang và người tiêu dùng phản ứng.
Theo công văn số 01/2017 của Công ty TNHH Điện tử và Thương mại Khánh Hà gửi Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình, số lượng sản phẩm không đạt ATVSTP, số lượng đã tung ra thị trường cũng như còn trong kho, danh sách các đại lý, cơ quan đang sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng cụ thể như sau:
Tên sản phẩm: Nước uống đóng chai nhãn hiệu River; Quy cách bao gói 500ml; số lô không có; Số lượng đã sản xuất vi phạm 12.444 chai; Số lượng đã lưu thông trên thị trường tại các kênh phân phối: 11.124 chai; Số lượng còn dư trong kho 1.320 chai.
Danh sách các đại lý phân phối, các nhà hàng, khách sạn và các đơn vị, tổ chức đang sử dụng nước không đạt ATVSTP gồm: Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Công an; Chi cục Thủy sản; Nhà hàng Visen; 31 Trương Pháp; HTX Huy Hoàng; Tạp hóa Mai Hữu; 15 Lê Trực; 9 Hoàng Diệu; Phở Hai tô; Nhà xe Hạnh Luyến; Tạp hóa trước nhà máy đóng tàu; Tạp hóa chị Nga; Khách sạn Hạnh Phúc – Trung Bằng; Khách sạn Hằng Nga, các quán nước nhỏ dọc bờ kè Nhật Lệ; Quán nước O Liên; Nhà hàng Bé chiều; Tạp hóa Tố Uyên; Quán Hồng Trà; Các quán nước nhỏ ven Quốc lộ 1A; Tạp hóa Cảnh Hoàng; Tạp hóa Thắng Thanh; Tạp hóa Hòa Thảo; Tạp hóa Hiền Cường.
Trong bản kê khai của đơn vị vi phạm gửi cơ quan chức năng thể hiện rõ sự thiếu trung thực, cụ thể như: các đơn vị, tổ chức, các đại lý đang sử dụng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn này nhưng không có trong danh sách. Hầu hết tất cả các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều đang tiêu thụ sản phẩm không đạt chuẩn ATVSTP của Công ty Khánh Hà, đồng nghĩa với số lượng nước không đảm bảo ATVSTP là lớn hơn nhiều so với thực tế mà phóng viên thu thập được.
Trong bản kê khai, đơn vị vi phạm cũng không ghi rõ địa chỉ của các nơi đang sử dụng sản phẩm vi phạm khác nào đánh đố các đơn vị chức năng trong quá trình xử lý?
Báo cáo của Công ty Khánh Hà gửi các cơ quan chức năng còn thiếu trung thực
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi Cục trưởng Chi Cục ATVSTP tỉnh Quảng Bình cho biết: "Hiện đơn vị đang cố gắng đôn đốc Công ty Khánh Hà báo cáo số lượng tối đa những sản phẩm không đúng tiêu chuẩn ATVSTP, bởi chỉ có thể dựa vào báo cáo của đơn vị để có hướng xử lý tiếp theo".
Tuy nhiên, đến nay theo như trình bày của chủ doanh nghiệp: "Vì nhân viên phân phối hàng của công ty đã nghỉ việc nên doanh nghiệp không thể nắm hết được các cửa hàng, đơn vị, khách sạn đã tiêu thụ nước bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi".
Với những sai phạm rõ ràng, những tài liệu mà phóng viên thu thập được, nhưng các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Bình dường như vẫn đang "nhắm mắt làm ngơ", để cho doanh nghiệp vi phạm. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ các vấn đề trên, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời đối với doanh nghiệp vi phạm, để mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.