Trong quá khứ, vùng núi thuộc xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La xảy ra vài vụ rơi máy bay đầy bí ẩn. Người dân ở đây dựa vào đó đã thêu dệt lên những câu chuyện thực thực, hư hư hết sức kỳ bí...

Đỉnh núi tử thần

 

Xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một vùng sơn viễn xa tít nằm ở phía Tây Bắc, trên Quốc lộ số 37, với vị trí án ngữ quân sự quan trọng trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta. Ngoài vị trí quân sự, thuốc phiện, những thiếu nữ người Mông đẹp mê hồn đầy bí hiểm và mộng mị, vùng đất này còn nổi tiếng bởi có những chuyến máy bay ngày đêm soải cánh, cắt mây bay qua bầu trời. Đường hàng không do thực dân Pháp mở ngày ấy đã lựa chọn qua đây, bởi đây là tuyến bay ngắn nhất lên Tây Bắc, nơi có cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là con đường không lưu ngắn nhất để nối Hà Nội - Điện Biên sang khu Thượng Lào. 

 

“Núi tử thần”

 

Sương, mây và gió khác biệt ở Xím Vàng, Bắc Yên cũng đang được coi là một trong những nguyên nhân gây tai nạn máy bay

 

Trong lịch sử hàng không Pháp (thời còn thực dân Pháp đô hộ nước ta - PV) đã có 5 tai nạn máy bay bị mất tích hết sức bí hiểm tại khu vực này được thông báo công khai. Nhưng có người cho rằng, thực tế máy bay gặp nạn còn cao hơn nhiều. Hầu hết các máy bay bị mất tích, xác định bị rơi tại khu vực này đều ở trong tình trạng mất kiểm soát về không lưu. Không xác định được vị trí chính xác máy bay rơi, người ta chỉ khoanh vùng. Kết quả của những cuộc tìm kiếm nhiều ngày chỉ là những bộ phận thi thể, cùng các mảnh vỡ của máy bay. 

 

Gần đây nhất (năm 2009) ngành hàng không Pháp lại bàng hoàng, khi chiếc máy bay Bell Long Ran Gere của một hãng hàng không tư nhân bị mất tích, sau đó tìm thấy tại đây. Điều khiển chiếc máy bay “xấu số” là ông Reunault, một phi công dày dạn kinh nghiệm đã có 5.000 giờ bay an toàn. Chuyến bay do một thương gia gốm sứ nổi tiếng của Pháp đặt hàng để chở đoàn lên thăm Điện Biên Phủ. Chuyến bay định mệnh ấy đã lấy đi của ngành hàng không Pháp một viên phi công già dặn kinh nghiệm cùng 5 người khác: Ông thương gia, một khách du lịch, một hoa tiêu và đau đớn hơn là cô phiên dịch đang có thai. 

 

Theo ông Trần Xuân Mùi, Trung tâm quản lý bay thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam: Thời tiết vùng Tây Bắc vốn phức tạp, càng phức tạp hơn với vùng đất Xím Vàng. Trong lịch sử bay của ngành hàng không Việt Nam, đã có không ít chuyến bay của AIR VN lên đến Điện Biên rồi lại phải quay về Hà Nội vì mây mù không hạ cánh được. Ông Mùi còn cho biết, trên đường bay từ Hà Nội - Sơn La, có một địa danh mà từ lâu đã được mệnh danh là “đỉnh núi tử thần” đối với các loại máy bay. Đó chính là khu vực Xím Vàng ở nơi giáp ranh huyện Bắc Yên (Sơn La) với Trạm Tấu của Yên Bái. 

 

Bí ẩn đang tìm lời giải 

 

Khi hỏi về khu vực Xím Vàng, rất nhiều người dân cho biết, muốn tìm hiểu hãy đến gặp ông Khiêu “hài cốt”. Tới Khu I của thị trấn Bắc Yên, chúng tôi đã tìm được người đàn ông “dị nhân” này. Hóa ra, không như chúng tôi hình dung và không giống như cái tên “Khiêu hài cốt” mà thiên hạ đã gọi ông, trái lại ông Khiêu là một người đàn ông lực lưỡng và tướng mạo. Ngoài thân hình chắc nịch, ông Khiêu còn gây ấn tượng với mọi người bằng một bộ râu quai nón rậm um. Nghe chúng tôi hỏi, ông Khiêu cười, “họ gọi tôi như vậy là bởi cái nghề tôi đang làm”. Không những chỉ đi tìm hài cốt và thi thể của các vụ tai nạn máy bay mà ông Khiêu còn là một trong những người duy nhất làm nghề… bốc mộ tại đây. 

 

Ông Đoàn Đình Khiêu quê dưới Nam Định. Ông có mặt ở Tây Bắc, lấy Bắc Yên làm nơi cư ngụ là cả một chuyện dài. Ban đầu là bạn rủ, sau đó tìm đến kiếm ăn. Rồi thời Tây Bắc còn hoang vắng, vì là người nhanh nhẹn nên ông đã được tuyển vào làm cán bộ của huyện với công việc là thu thuế lâm sản. Công việc đặc thù cho ông điều kiện đi nhiều, biết nhiều các làng bản của huyện Bắc Yên. Đi đường nào ngắn nhất, dễ nhất, có suối, có khe nào thì có mà nằm mê ngủ ông cũng kể được. Ông Khiêu bảo, cái duyên cớ để ông đến với nghề tìm máy bay rơi bắt đầu từ năm từ năm 1990. Không có việc, ông Khiêu nằm dài ở nhà. Đang mông lung kiếm một việc gì đó để làm, bỗng cán bộ huyện cho người gọi ông lên. Tưởng có việc làm mới, ông không ngờ lại được thông báo là có một đoàn cứu hộ lên tìm máy bay rơi. Họ cần người thông thạo địa hình và biết tiếng dân tộc, lãnh đạo huyện cân nhắc mãi và cuối cùng đã nhớ đến ông. Đợt đi này, ngoài 3.000.000 đồng tiền công được trả, ông là người đầu tiên và duy nhất ở Bắc Yên này được bước lên máy bay để theo đoàn.

 

Đây là đợt đi tìm máy bay rơi đầu tiên mà ông được tham gia, đây cũng là hành trình gian nan nhất. Trong đợt tìm kiếm này lãnh đạo huyện Bắc Yên huy động bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên và 15 con ngựa gùi hàng và gùi nước. Phía trên xã Xím Vàng, một sân bay dã chiến được thiết lập. Ông Khiêu bảo ám ảnh nhất trong đời ông là việc tham gia đầu tiên vào vụ tìm kiếm và cứu nạn này. Ngoài sự vất vả, gian truân và tốn kém về thời gian thì còn là sự bi thương khi chứng kiến cảnh máy bay rơi. 

 

“Núi tử thần”

 

Ông Đoàn Đình Khiêu và cái nghề có một không hai của mình 

 

Ngoài đợt tìm kiếm và cứu hộ lần đầu này, đời ông còn bị ám ảnh một lần nữa, ấy là khi đi tìm kiếm một chiếc máy bay quân sự bị nạn. Vất vả, bỏ công bỏ sức, người ta sẽ khó có thể làm được nếu không lấy nghĩa giữa người sống và người chết để hành động. Ông Khiêu cho biết: Vụ này cũng tang thương lắm. Hai sỹ quan quân đội ấy cũng mất tích bí hiểm cùng chiếc máy bay trong một lần bay. Địa điểm mất tích được xác định ở khu vực Xím Vàng. Khi xác định, tìm được đến chỗ máy bay rơi, thi thể của họ đang bắt đầu bị phân hủy. Ông Khiêu cùng những người trong đoàn vừa khóc, vừa làm vệ sinh để khâm niệm những người con xấu số.

 

Ám ảnh với “Vùng đất tử thần” ở Tây Bắc, tôi đem chuyện hỏi, nhiều người cho biết: Ngày Pháp lấy Điện Biên Phủ làm cứ điểm, để thuận tiện cho việc vận chuyển quân, vũ khí lên Tây Bắc, trong không đồ của Pháp có kẻ đường bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ qua khu vực Bắc Yên, cụ thể là xã Xím Vàng. Sau nhiều lần có hiện tượng máy bay hay gặp trục trặc, thậm chí mất tích một cách bí hiểm khi qua đây, nên Pháp đã phải “nắn” đường bay để tránh khu vực này mặc dù đường bay từ Hà Nội qua Sơn La, lên Điện Biên, sang Bắc Lào đây là tuyến ngắn nhất. Có người còn cho biết thêm, không chỉ người Pháp, ngay cả Mỹ cũng đã có rất nhiều cá nhân quan tâm đến hiện tượng máy bay rơi một cách kỳ lạ khi bay qua Xím Vàng. Thậm chí có người còn cho biết, trong rất nhiều các cá nhân, tổ chức tìm lên Bắc Yên, có cả những phái đoàn MIA của Mỹ. Họ lên đây với hy vọng là tìm thêm những các quân nhân Mỹ đã thiệt mạng, theo diện mất tích ngày còn tham chiến ở Việt Nam… 

 

“Núi tử thần”

 

Xẻng được chế tạo từ sắt máy bay rất bền 

 

Ông Sồng A Tong, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng khi được hỏi về máy bay rơi, cười hiền nói: Rơi nhiều lắm, mình không nhớ đâu. Rồi ông giơ bàn tay chai sần ra, lẩm nhẩm đếm và bảo: Từ đời ông mình, sang đời bố mình và đến đời mình, theo kể lại có khoảng 10 chiếc máy bay bị rơi ở đây rồi. Riêng Sồng A Tong đến nay đã chứng kiến được 4 lần máy bay rơi ở Xím Vàng. Người Mông trên đây đã nhặt các mảnh vụn vỡ ấy làm dao, cuốc và vật dụng nhiều lắm! Chuyện rơi máy bay ở đây không có gì lạ với dân cả. Chỉ lạ với người khác thôi. Dân trên đây thấy mãi cũng thành quen. Cứ thấy đoàn khách lạ nào tìm đến đây hỏi han những từ liên quan đến nổ, khói… thì đều biết là họ đang đi tìm máy bay rơi.

 

Không chỉ ông Tong, nhiều người già cao tuổi ở đây còn cho biết, máy bay rơi không còn là chuyện lạ. Địa điểm rơi máy bay không chỉ tập trung ở Xím Vàng mà còn rơi ở các địa bàn xã khác như Hang Chú, Phình Hồ, Bản Mù (Trạm Tấu, Yên Bái). Đã có rất nhiều đoàn khách lạ đến đây hỏi về những vấn đề liên quan tới máy bay. Người dân ở đây cho rằng, hầu như các máy bay rơi tại đây đều có hiện tượng nổ trước khi rơi xuống đất.  

 

Theo Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam thì, ngoài vấn đề thời tiết có lẽ hiện tượng này là do vùng đất có nhiều dị thường về địa chất, từ trường. Có khả năng đất có từ trường rất cao, nên khi máy bay bay qua, những bộ phận điều khiển bằng điện tử dễ bị nhiễu loạn, gây nên những tai nạn thảm khốc. Hiện nay, khu vực “Núi tử thần” đang thu hút nhiều nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra lời giải thuyết phục nhất, giúp ngành hàng không khắc phục những sự cố có thể xảy ra trong tương lai.  

 

Ghi chép của Đơn Thương

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Núi tử thần”