Monica Witt, nữ sĩ quan phân tích tình báo không quân Mỹ, đã bất ngờ cải đạo sang Hồi giáo, tự mình đến Iran tham dự một khóa huấn đạo và trở thành điệp viên cho tình báo Iran. Bà vừa bị Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội phản quốc, làm gián điệp cho nước ngoài.
Monica Witt năm nay 33 tuổi, sinh ra tại El Paso, bang Texas. Khi Witt còn nhỏ, gia đình đã chuyển đến sinh sống tại bang Florida. Khi vừa đến tuổi trưởng thành, năm 18 tuổi, Witt đã gia nhập không quân Mỹ, làm chuyên viên phân tích ngôn ngữ mã hóa trong một đơn vị máy bay thám thính điện tử đóng tại bang Nebraska và thực hiện nhiệm vụ biên dịch các nội dung thông tin nghe lén. Witt học tiếng Farsi (ngôn ngữ chính của Iran) tại Viện Ngôn ngữ Quốc phòng ở bang California.
Nữ sĩ quan tình báo Mỹ Monica Witt
Hồ sơ lý lịch của Witt khai rằng, bà chuyển công tác từ đơn vị phân tích tình báo điện tử đến Văn phòng điều tra đặc biệt tại Căn cứ liên quân Andrews ở Washington vào năm 2003 và tham gia vào hoạt động điều tra phản gián, tội phạm hình sự và gian lận. Cuối cùng Witt hoàn toàn tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố đầy gian nan, được điều đến đóng quân tại căn cứ không quân Thumrait ở Oman và Irbil ở Iraq.
Bà tham gia vào các cuộc chiến chống khủng bố kinh hoàng ở Iraq và Afghanistan. Đây được xem là trải nghiệm quan trọng có ảnh hưởng đến tư tưởng, quan niệm sống của Witt sau này. Witt suy nghĩ rằng mình phải làm “cái gì đó” bằng tất cả năng lực của mình để “thay đổi” những điều bà chứng kiến và cho là quá tồi tệ, không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, sau khi rời khỏi không quân, Witt vẫn tiếp tục làm việc trong ngành quốc phòng. Có một thời gian ngắn Witt làm việc cho nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton và thêm 2 năm làm việc cho công ty công nghiệp quốc phòng Chenega Federal Systems, nơi Witt thực hiện các công việc liên quan đến tình báo, như kiểm tra, kiểm soát và điều phối hoạt động phản gián có độ nhạy cảm cao chống lại các cơ quan tình báo trên thế giới.
Năm 2010, Witt từ bỏ công việc để quay trở lại việc học hành và lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Trung Đông học tại Đại học George Washington vào năm 2012. Witt làm việc cho Chương trình Fulbright và giúp sinh viên Iraq tìm kiếm học bổng Fulbright để theo học tại các trường đại học ở Mỹ. Khi còn đi học ở trường đại học, Witt đã bắt đầu có tư tưởng nghi ngờ đối với Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa vật chất của phương Tây.
Cũng trong thời gian này, Witt tham gia viết báo và từng viết bài phân tích về mối quan hệ giữa Tajikistan và Iran và tại sao người Tajikistan không theo phương Tây cấm vận Iran. Trong năm 2012, Witt bắt đầu chuyển hướng tư tưởng theo Hồi giáo. Bà nhận lời tham gia một hội nghị huấn đạo tổ chức tại Iran.
Trong chuyến đi Iran đầu tiên, Witt đã làm lễ cải đạo sang Hồi giáo. Cùng thời gian đó, Sean Stone, con trai của đạo diễn điện ảnh Oliver Stone, cũng cải đạo theo Hồi giáo. Cả hai cùng đến Iran để tham dự Hội nghị huấn đạo mang chủ đề về kinh đô điện ảnh Hollywood tổ chức tại Tehran. Nhiều năm sau, Witt thừa nhận với báo chí rằng sau khi tham dự Hội nghị huấn đạo ở Tehran, bà đã bắt đầu có những suy nghĩ sâu sắc về bản thân và tương lai cuộc sống của mình, hướng đến một quan niệm sống theo kiểu của đạo Hồi.
Theo điều tra của FBI, những nhà tổ chức Hội nghị huấn đạo ở Tehran có mối quan hệ gần gũi với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran, và những cuộc hội nghị như thế thường là dịp để tình báo Iran tuyển dụng các điệp viên nước ngoài, điệp viên hai mang đến từ các quốc gia “thù địch” của Iran. FBI nhận định, Witt là một đối tượng tuyển dụng nhiệt tình nhất, với việc bà ta tự quay video lễ cải đạo theo đạo Hồi của mình và đăng lên cho mọi người xem.
Vì Witt từng là một chuyên viên phân tích tình báo làm việc tại bộ phận nhạy cảm nhất của tình báo không quân, FBI đã quan tâm theo dõi mọi hành động của bà kể từ khi bà tuyên bố cải đạo theo đạo Hồi. Ba tháng sau chuyến đi Iran dự hội nghị huấn đạo, FBI đã cảnh báo Witt rằng bà có thể trở thành một đối tượng mục tiêu tuyển dụng của tình báo Iran. Khi đó, Witt đã cam kết không “bán rẻ” những bí mật tình báo bà có được trong thời gian làm việc tại căn cứ không quân nếu bà quay trở lại Iran.
Nhưng chỉ vài tuần sau, vào tháng 6-2012, một người được xem là đầu mối liên hệ mà Witt đã quen biết khi đến Iran đã tìm đến gặp Witt ở ngoại ô thủ đô Washington, Mỹ. Tài liệu cơ quan Tư pháp gọi người này là Individual A. Đó là một người mang hai quốc tịch Mỹ và Iran. Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá Indidual A “có những hoạt động như một đầu mối tiếp cận mục tiêu cho tình báo Iran”. Sau đó, Indidual A đã thuê Witt làm trợ lý cho việc sản xuất một bộ phim tuyên truyền chống Mỹ.
Đến tháng 2-2013, Witt quay trở lại Iran và muốn “đào tẩu”. Mùa hè năm đó, Witt liên tục đi lại giữa Afghanistan và Tajikistan, yêu cầu tình báo Iran thu nạp bà. Sau khi có sự can thiệp từ Tehran, Đại sứ quán Iran tại Tajikistan đưa cho Witt một số tiền để bà đi đến Dubai, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) vào cuối tháng 7 để đợi cấp thị thực nhập cảnh vào Iran. Witt quá nóng lòng muốn đến Iran, và thái độ quá nhiệt tình của bà khiến lãnh đạo tình báo Iran dè chừng, không vội vàng tiếp nhận bà.
Đến nỗi, Witt dọa nếu không tiếp nhận bà ngay, thì những bí mật tình báo bà có được sẽ được chuyển sang cho Nga và tung lên trang WikiLeaks. Phải mất thêm một tháng và Witt phải gửi thêm tài liệu về lịch sử làm việc và lời kể về việc cải đạo theo đạo Hồi thì tình báo Iran mới chịu cấp thị thực cho Witt. Ngày nhận vé máy bay để đến Tehran, Witt vui mừng như kẻ tha hương trở về quê. Witt mất hút ở Iran kể từ đó.