Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ

Đan Hà| 30/04/2019 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trăm nghe không bằng một thấy, hình ảnh nữ họa sĩ Đặng Ái Việt với tôi quả là ấn tượng, hơn rất nhiều so với hình dung của tôi khi đọc về bà.

Người phụ nữ ngoài 70, rắn rỏi trong bộ quần áo mềm và cái áo khoác ký giả, tóc búi cao vấn khăn rằn quanh đầu gọn ghẽ, làn da rám nắng, ánh mắt tinh anh và giọng nói tràn đầy năng lượng...

Hơn 9 năm nay trên chiếc xe gắn máy nhỏ, bà rong ruổi khắp mọi miền đất nước vẽ gần 2.000 bức chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân...

Khi tôi gọi điện thoại xin được gặp phỏng vấn bà về hành trình đi vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà khá cởi mở với tôi khi đồng ý ngay về mục đích cuộc gặp. Có điều, muốn gặp bà thì như bà nói: “Đừng bắt tôi về Sài Gòn để trả lời phỏng vấn nhé, muốn gặp tôi thì xuống nhà mẹ Việt Nam Anh hùng xem tôi vẽ rồi nói chuyện luôn”. Thế là tôi lên đường xuống Bến Lức, nơi bà đang dừng chân cho chặng hành trình chạy đuổi với thời gian.

Gặp bà ở UBND xã Thạnh Lợi trước khi xuống nhà mẹ Việt Nam Anh hùng, tôi như ngỡ đã quen từ lâu. Chẳng có một chút khoảng cách nào, bà vui vẻ trò chuyện với tôi, như hai người quen lâu ngày gặp lại. Chẳng cần phải đặt nhiều câu hỏi, bà kể cho tôi nghe về chặng đường hơn 3.000 ngày bà chạy đuổi với thời gian để kịp vẽ chân dung các Mẹ. Trước đây, hình ảnh bà rong ruổi cùng chiếc xe Chaly đi khắp các nẻo đường Tổ quốc đã trở nên thân quen đến độ, chỉ cần nhìn thấy bà ở đâu là người ta biết, ở đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ

Họa sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Quởn

Bà bảo, công việc bà đang làm đơn giản thu gọn trong mấy chữ: Trả nợ đời, nợ nghiệp, nợ cố nhân... Những ngày tháng trong chiến tranh, với hành trình của một nhà báo đã cho bà quá nhiều ký ức về sự hy sinh của người lính. Và, ẩn sau đó là sự hy sinh còn lớn hơn của những người mẹ, người vợ đã hiến dâng chồng, con mình cho sự bình yên của Tổ quốc. Với bà, được gặp các mẹ, được tự tay vẽ từng bức chân dung là một may mắn, là một lần để tri ân. Mỗi bà mẹ là một câu chuyện bi hùng về lòng quả cảm, về sự hy sinh và cả về những day dứt của tình mẫu tử...

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ

Họa sĩ đang phác họa chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng Mai Thị Quởn

Gần 10 năm trước, chính xác là ngày 19/2/2010, sau cả một quãng thời gian dài lui về đằng sau làm hậu phương để người chồng tài hoa (nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc - PV) được tự do thỏa chí tang bồng với những tác phẩm để đời, bà chính thức bắt tay vào vẽ, như một điều thôi thúc từ lâu lắm rồi trong tiềm thức. Bà đi, một mình trên chiếc xe đã được độ lại, với giỏ trước giỏ sau, chằng chằng đụp đụp đủ món đồ nghề, để vẽ. Bà không vẽ lãnh tụ, chẳng vẽ quan nhân, cũng chẳng vẽ tượng đài hoa các, bà vẽ các Bà mẹ Anh hùng. 63 tỉnh thành thì đến giờ này, đã có hình ảnh chân dung của Mẹ ở 62 tỉnh, chỉ còn duy nhất Lào Cai, khi bà đến thì Mẹ đã đi xa, thật xa mất rồi... Cuộc rượt đuổi với thời gian sao mà nghiệt ngã. Bà bảo: “Tôi không bao giờ bỏ các mẹ, chỉ sợ các mẹ bỏ tôi mà đi. Thế nên, đúng nghĩa là một cuộc chạy đua. Cứ theo chiến thuật đi xa về gần, tôi cố để vẽ được hết chân dung các Mẹ. Còn sức thì còn đi!”.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ

Họa sĩ và bức chân dung

Một bức chân dung

Mẹ Việt Nam Anh hùng đấy, mẹ Mai Thị Quởn, năm nay vừa tròn 97 tuổi, ở ấp 5, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mẹ là bà mẹ Việt Nam Anh hùng duy nhất còn lại của xã Thạnh Lợi. Gần trăm tuổi, tóc bạc da mồi, bước đi cũng đã liêu xiêu, nhưng quả thật Mẹ khiến mọi người ngạc nhiên bởi trí óc minh mẫn hiếm thấy. Như một người con đi xa về thăm mẹ, họa sĩ Ái Việt cứ vừa thủ thỉ tâm tình, vừa ngắm nhìn từng nụ cười, ánh mắt, chạm vào từng nếp nhăn trên khóe miệng, trên khóe mắt Mẹ, để bắt cái thần cho nét vẽ về sau.

Cứ thế thôi mà cuộc đời Mẹ hiện lên như một thước phim quay chậm. Đến giờ mẹ vẫn nhớ thằng Hai khi hy sinh đã có vợ, có con trai nối dõi, giờ con nó làm Công an đấy, ngoan, giỏi lắm! Thằng Tư hy sinh năm 70, sau thằng Hai một năm, chưa kịp có vợ con gì, giờ bàn thờ do Mẹ và em trai hương khói. Còn thằng Ba mới ngộ, đi hoạt động cách mạng, giải phóng xong chẳng chịu về nhà ngay, mê công tác quá làm mẹ buồn khóc cả một thời gian, tưởng mất con rồi chứ. Nó cũng làm Công an trên tỉnh, về hưu chắc cũng hơn chục năm rồi. Đứa hy sinh, đứa còn, đứa mất, một bầy con Mẹ nhớ chẳng sót đứa nào.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ

Họa sĩ Đặng Ái Việt và hành trang đi vẽ chân Mẹ Việt Nam Anh hùng

Mẹ nhớ hồi đó bom đạn ác quá, mẹ gồng gánh lên Sài Gòn, tưởng vài bữa rồi về, mà cũng đứt đoạn quê hương đến 12 năm. Mẹ nhớ những lần giặc càn do chỉ điểm, cả tổ cán bộ 7 người hy sinh không sót người nào. Nhớ cả cái lần cán bộ nằm mà (nằm ém dưới vệ sông), nghe được thằng chiêu hồi chỉ điểm khoe khoang chiến tích, nhờ thế mới biết để mà diệt quân gian. Mấy chục năm rồi, tất cả vẫn còn như in trong tâm trí Mẹ. Cuộc chiến đó Mẹ không thể quên, bởi có cả máu xương con Mẹ trong đó.

Mẹ cứ thủ thỉ và người họa sĩ cứ say sưa vẽ. Hai người phụ nữ, một già, một ít già hơn, chìm trong thế giới của mình. Bức phác họa chân dung hoàn thành nhanh ngoài sức tưởng tượng của tôi, đẹp chân thực, Mẹ trong tranh thần thái nhẫn nhịn ôn hòa mà vẫn tinh anh đến lạ lùng. Xong bức vẽ này, họa sĩ lại lên đường sang xã khác, gặp một bà mẹ khác, nghe một câu chuyện khác cùng nỗi nhớ con và lại vẽ... Cứ như vậy mỗi ngày, ban ngày đi, vẽ phác thảo, tối về tìm một phòng trọ nào đấy ngả lưng, lên màu cho những bức vẽ, và hôm sau là có một bức chân dung hoàn chỉnh, ra xã đóng dấu xác nhận nữa là xong. Vậy mà vẫn không kịp với thời gian. Mới tháng 12/2018 thôi, danh sách Bến Lức gửi về còn 20 Mẹ, vậy mà khi về đến đây, chỉ sau mấy tháng, đã có 5 Mẹ bỏ các con mà đi.

Bà lại khăn gói lên đường, cái Chaly huyền thoại đã phải nghỉ hưu vĩnh viễn, vì nó già quá rồi. Bà bây giờ bầu bạn cùng chiếc cub 50, cũng được độ lại giỏ trước, giỏ sau cho phù hợp nhu cầu. Một người, một ngựa sắt, thế là thong dong lên đường. Lịch trình của bà còn dài lắm, còn sức là còn đi, chỉ mong các Mẹ đừng vội bỏ chúng con mà đi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt: Chạy đua với thời gian khi vẽ chân dung Mẹ