Nữ biệt động tuổi 13 và "quả đấm thép" chấn động thế giới

H.Nam| 29/04/2015 06:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù đã về già nhưng bà Thiều Thị Tân, người từng tham gia đội biệt động Sài Gòn và suýt chết vì bị đày ải trong nhà tù Côn Đảo của đế quốc Mỹ vẫn hết mình dạy dỗ cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước qua môn võ Vovinam mà bà được học từ nhỏ.

Nhiệm vụ mang thuốc nổ và kẻ chỉ điểm

Một buổi chiều tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến ngôi nhà bà Năm Vovinam (tức bà Thiều Thị Tân, 61 tuổi). Men theo con đường nhỏ có những khóm trúc xanh rì xen lẫn với những hàng me mát dịu (thuộc quận 12, TP.HCM), chúng tôi được người dân chỉ dẫn tận tình. Trong ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong con đường sâu, gấp khúc thuộc vùng ngoại ô thành phố, trong bộ bà ba màu đen, bà tiếp chúng tôi rất cởi mở. Nhớ lại thời chiến tranh đầy khói lửa, hiểm nguy rình rập, những cảm xúc về một thời chiến tranh lại ùa về trong bà.

Bà không thể quên được cảnh người dân lao động bị áp bức bóc lột. Bà Tân nhớ lại: "Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi lớn lên đã chứng kiến nhiều cảnh tang thương. Sự kiện thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu, anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh... đã khiến tôi day dứt, nhiều đêm không ngủ được. Dù được ba mẹ cho học trường "đầm" (trường dành cho giới thượng lưu - PV), học sinh vào học bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng tôi vẫn luôn ao ước được tham gia cách mạng. Ở trường học người ta dạy tôi văn hóa phương Tây, nhưng khi trở về với thực tại, tôi lại chứng kiến cảnh người dân lao động bị đày ải áp bức. Do đó tôi không thể ngồi học yên. Tôi biết đất nước mình tuy nhỏ bé, nhưng tinh thần yêu nước mỗi người dân vẫn đóng góp âm thầm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và tôi cũng muốn đóng góp một chút sức nhỏ bé của mình cho đất nước. Thế rồi tôi tự tìm đến với cách mạng".

Mới 13 tuổi, Thiều Thị Tân cùng với chị gái là Thiều Thị Tạo, 16 tuổi trở thành những cô giao liên giỏi của đội biệt động Sài Gòn. Nhiệm vụ chính của  hai chị em Tân và Tạo là trở thành đường dây liên lạc cho các tổ chức cách mạng trong nội ô Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1968, theo chỉ đạo của cấp trên, Tân và Tạo nhận nhiệm vụ mang 10kg chất nổ vào Tổng nha Cảnh Sát Quốc Gia Sài Gòn (một trong 19 cứ điểm địch quan trọng mà quân ta nhắm tới - PV). Kế hoạch thực hiện được một nửa (mới đem được 5kg) thì bị lộ do có kẻ chỉ điểm. Tân và Tạo bị bắt trên đường đi học.

Nữ biệt động tuổi 13 và

Bà Tân kể lại ký ức hào hùng một thời

Lúc đó Thiều Thị Tạo là Đội trưởng đội Vũ trang tuyên truyền, còn Thiều Thị Tân là Đội phó thuộc ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Văn Đài, ủy viên ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Sau khi bị bắt, bọn giặc tra tấn hai chị em Tân, nhưng họ vẫn quyết tâm không khai. Bà Tạo nhớ lại cảnh mình bị giặc tra tấn: "Chúng dùng đủ chiêu trò để ép chị em tôi khai ra nơi hoạt động của Việt Cộng. Chúng cho rằng chị em tôi bị Việt Cộng lôi kéo, dụ dỗ. Nhưng tôi vẫn cương quyết trả lời bọn chúng rằng: "Tôi tự tìm đến Việt Cộng, chúng tôi không hề bị ai dụ dỗ lôi kéo cả".

Lời tố cáo đanh thép cùng dòng chữ bằng máu

Sau khi bị bắt, hai chị em Tân và Tạo bị đưa ra nhà tù Côn Đảo và trở thành những tù nhân trẻ tuổi nhất bị tra tấn, đày ải man rợ. Tại đây, chứng kiến những bất công, thủ đoạn bóc lột tù nhân dã man của chế độ nhà tù, hai chị em Tân, Tạo tiếp tục chống trả, đấu tranh đòi được trả tự do. Bọn thực dân tìm cách trả đũa bằng cách đổ vôi bột từ trên nóc buồng giam xuống, vừa kéo người vừa đánh đập, khiến cho máu tràn ra từ cổ tay nữ tù nhân và thấm vào vôi đặc quánh.

Lúc này, bà dùng tay thấm máu viết lên tường nhà: "Tân, Tạo hy sinh ngày 15/10/1969. Đả đảo chế độ đàn áp của bọn thực dân". Lúc này, do bị đàn áp nên Tạo bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, nên được bọn địch đưa về bệnh viện Chợ Quán chữa trị. Thừa dịp này, bà Tân giấu chiếc còng tay và chiếc áo thẫm máu đưa cho chị Tạo gửi về cho mẹ, để làm bằng chứng đấu tranh đòi thả tự do cho hai con.

Mẹ bà Tân vì thương con đã đưa bằng chứng của hai cô con gái bị tra tấn đến các phái đoàn đại biểu Quốc tế, đòi chính quyền Sài Gòn trả tự do cho con. Đang bị giam giữ, nhưng khi biết một đoàn nhà báo quốc tế đến tìm hiểu chế độ tại nhà tù Côn Đảo, bà Tân đã nhanh chóng dùng vốn tiếng Anh sẵn có của mình, tố cáo tội ác man rợ của chế độ nhà tù thực dân. Sự kiện này làm chấn động dư luận thế giới và trong nước.

Bà Tân cho biết: "Lúc đang bị giam cầm trong buồng, nghe tiếng xì xồ xì xào đâu đó, tôi đoán chắc có người Tây đến thăm, nhân cơ hội này tôi đu người lên song sắt la hét tố cáo tội ác của địch cho họ nghe. Tất nhiên, tôi đã sử dụng vốn tiếng Anh của mình để nói".

Nhờ vậy, tại những quốc gia như nước Mỹ, nước Ý, người dân đã làm những chiếc còng, chiếc áo thẫm máu có khắc tên hai chị em Tân, Tạo để tuyên truyền, đấu tranh, ủng hộ cho tù nhân Việt Nam. Tại Ý, thanh niên cầm băng rôn, biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho tù chính trị Việt Nam, trong đó có hình hai chị em Tân 15 tuổi, Tạo 18 tuổi. Đến năm 1974, hai chị em Tân mới được trả tự do. Những bằng chứng lịch sử của hai chị em hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM.

Và "bà tiên" giữa đời thường

Trở lại thời bình, bà Tân sống giản dị bên ngôi nhà nhỏ. Cứ mỗi chiều đến, trẻ nhỏ trong khu phố lại tụ tập về đây để được bà dạy võ. Bà Tân cho biết: "Hơn 10 năm về trước, tôi có ý định mở câu lạc bộ võ Vovinam cho trẻ nhỏ. Nghĩ là làm, tôi gọi mấy đứa nhỏ hỏi "Mấy con học võ không bà Năm dạy cho? "Thế rồi chúng nó mừng quýnh lên đồng thanh nói có. Thế là lớp học bắt đầu. Ban đầu tôi chỉ dạy mấy đứa, sau đó chúng nó truyền tai nhau kéo đến nhà tôi càng lúc càng đông. Lớp học ngày càng tăng lên. Tôi nghĩ rèn luyện cho chúng một môn võ cũng là góp phần rèn luyện sức khỏe cho chúng được dẻo dai, cứng cáp lên từng ngày. Và quan trọng sau này chúng sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội. Qua mỗi đòn võ, tôi sẽ dạy chúng về tình yêu quê hương đất nước. Tôi muốn chúng lớn lên từng ngày".

Nữ biệt động tuổi 13 và

Hai chị em bà Tân đấu tranh cho tù chính trị Việt Nam đăng trên báo nước ngoài

Không chỉ dạy võ, bà Tân còn được biết đến như một bà tiên trong mắt con trẻ, nhất là những trẻ em nghèo. Mỗi lúc đi học về không có thức ăn nước uống, chúng lại tìm đến nhà bà Tân, và được bà chăm sóc tận tình. Ông Nguyễn Văn Na (56 tuổi), một người dân sống gần nhà bà Tân cho biết, tụi nhỏ đến không chỉ được học võ không đâu, chúng còn được bà Tân cho ăn uống mỗi khi đói bụng. Vì thế bà Tân được tụi nó xem  như là má của chúng vậy.

Em Lê Văn Hòa (12 tuổi, ngụ quận 12) cho biết: "Ba má em chia tay nhau lúc em còn nhỏ, ở với ông bà ngoại, em không có nhiều người trò chuyện. Nhưng từ khi tham gia câu lạc bộ võ Vovinam của bà Tân, em cảm thấy tự tin và vui vẻ hơn nhiều. Mỗi lúc đi học về, bà ngoại chưa nấu ăn kịp là em chạy qua bà Tân. Với tụi em, bà Tân cũng như mẹ rồi đó. Đứa nào cũng yêu bà Tân lắm. Bởi vì bà vừa dạy võ, vừa gần gũi, dễ chia sẻ với tụi em".

Điểm tựa cho trẻ em nghèo

Trao đổi với chúng tôi, một đồng chí lãnh đạo UBND phường An Phú Đông (quận 12) cho biết: "Bà Tân là một cựu tù chính trị của địa phương. Những hành động thiết thực hiện nay của bà Tân đã góp phần tô thêm nét đẹp cho quê hương. Những việc làm của bà luôn hướng tới cộng đồng, hướng tới lợi ích cho người dân, đặc biệt là trẻ em nghèo".

Đào tạo gần 500 môn sinh Vovinam

Hơn 10 năm, đã có gần 500 em theo học võ tại câu lạc bộ võ Vovinam của bà Tân. Mọi chi phí đều do bà tự bỏ ra để phục vụ cho đám trẻ nhỏ. Không chỉ dạy tại nhà, bà còn tham gia dạy võ cho một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố, nhiều nhất là tại quận Bình Tân. Mong muốn của bà là cho tụi nhỏ rèn luyện sức khỏe đồng thời biết thêm môn võ dân tộc. Cho đến nay, đã có một số trường tiểu học đưa môn võ Vovinam vào dạy miễn phí cho học sinh. Và bà Tân là người khởi xướng trào lưu học võ Vovinam cho trẻ em tại TP.HCM.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ biệt động tuổi 13 và "quả đấm thép" chấn động thế giới