Còn sức và khán giả còn cần là tôi còn đi diễn. Lực bất tòng tâm thì phải chịu chứ tôi muốn làm cho đến lúc tôi ra đi". Giờ thì ông đã ra đi thật rồi...
“Sếp Bằng” và mối lương duyên với nghiệp diễn hài
Trong vô vàn lời nói tiếc thương khi NSƯT Phạm Bằng qua đời, người ta gọi “sếp Bằng”, “Bằng hói”, “bố Bằng”, gọi chú, gọi ông…cho thấy tình cảm mọi người dành cho ông là thứ tình cảm của người thân ruột thịt trong gia đình.
"Sêp Bằng" hồi trẻ
Sau “lão Quềnh”, sự ra đi của “bố Bằng” lại một lần nữa khiến những người nghệ sỹ, đồng nghiệp tiếc thương như thế. Làng điện ảnh Việt lại mất đi một người thầy, một người anh, một người đồng nghiệp, một diễn viên đáng kính.
NSƯT Phạm Bằng sinh 1931, là người Hà Nội gốc. Ông được khán giả biết đến với nhiều vai diễn trên truyền hình. Ông đặc biệt thành công với dạng vai lý trưởng trong các tiểu phẩm hài dân gian.
Về gia đình Phạm Bằng, bố ông mất sớm, để lại vợ cùng ba người con. Thời điểm đó, mẹ ông mới có 24 tuổi nhưng quyết không đi bước nữa mà ở vậy nuôi các con. Con đường theo nghiệp diễn kịch của ông không được mẹ ủng hộ. Khi biết Phạm Bằng chọn nghề diễn viên, mẹ ông đã dứt khoát không đồng ý. Trong suốt những năm đi diễn của mình, ông chưa bao giờ thấy mẹ vui và đến rạp xem.
Phạm Bằng đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính vào năm 1955. Trong quá trình là sinh viên của trường ông cũng từng tham gia đóng kịch. Tuy nhiên đến năm 1956, lúc đó ông đang học năm 2 thì phải nghỉ học bởi lý do gia đình.
Đến năm 1959, Phạm Bằng có cơ hội tham gia đoàn kịch của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở "Vũ Như Tô" nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng đỗ cả hai nơi.
Ông đã lựa chọn vào đoàn văn công Hà Nội bởi vào đó ông có thể vừa học, vừa diễn để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Bởi thời kì đó, gia đình Phạm Bằng nghèo khổ, cùng lúc đó ông lại mới lấy vợ.
Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng chính thức tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu hoạt động riêng. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài. Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục.
Cuối năm 1974, đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Phạm Bằng từng chia sẻ với báo chí: "Chỉ đọc mỗi phần diễn của mình thì làm sao nắm bắt được các mối liên hệ nhân vật trong vở kịch được. Riêng tôi từ trước đến nay luôn phải đọc trọn kịch bản, rồi mới yên tâm diễn". Hơn chục năm từ khi vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng rất vất vả.
Sau khi "đứng vững" trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn.
Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục.
Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên do đợt ốm trong khoảng thời gian 2012-2013, ông nghỉ bán quán.
Nói về người vợ của Phạm Bằng, đó là người phụ nữ kém ông 8 tuổi, làm nghề bán bánh trôi tàu. Ông từng kể: "Bà vợ tôi và quán bánh trôi tàu ấy chính là lý do vì sao tôi theo đuổi được con đường nghệ thuật suốt cả cuộc đời.
Trong những năm tháng khó khăn tưởng như người ta phải bỏ nghề vì miếng cơm manh áo, thì tôi vẫn kiên quyết bám trụ đến cùng, bởi có bà vợ tôi cùng quán bánh trôi ấy lo lắng việc kinh tế gia đình".
Vợ chồng nghệ sỹ Phạm Bằng
Ông cho rằng bà góp 98% vào thành công của mình. Sau khi bà mất, ông bị khủng hoảng tinh thần một thời gian. Ông bà có bốn người con: Ba người con gái và con trai út. Hai người con trưởng thành đã đi xa mỗi người một phương, ông sống với con gái thứ ba chưa chồng.
"Tôi có 4 người con, 3 cô con gái, một anh con trai thì có 2 cô theo nghề của tôi. Một cô trước là cùng nhà hát kịch với tôi, cùng lớp của Quế Hằng, Quế Phương, Ngọc Bích. Nó cũng là diễn viên diễn được. Vào nghề được hơn chục năm thì lấy chồng ở trong miền Nam, chồng không thích nghề này lắm nên về thành lập công ty riêng. Một cô nữa trước làm ở nhà hát kịch Hà Nội giờ cũng sang Đức làm ăn với chồng", nghệ sĩ Phạm Bằng kể.
Những vai diễn để đời
Nhắc về sự nghiệp diễn xuất của ông thì khán giả vẫn nhớ những vai diễn để đời của ông từ chính kịch đến những vai diễn hai trên các tiểu phẩm của truyền hình. Từ vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được.
Phạm Bằng trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Nghệ sỹ Phạm Bằng nổi tiếng với vai Lý trưởng
Suốt những năm từ 2004 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng liên tục xuất hiện trong chương trình Gặp nhau cuối tuần với vai trò cầm trịch, là một trong những diễn viên chủ lực hút khán giả của chương trình. Những vai “sếp lớn” mà ông đảm nhận trong thời gian đầu tham gia Gặp nhau cuối tuần đã trở thành “thương hiệu”, thành tiếng gọi thân thương của bạn bè, đồng nghiệp khi nhắc đến ông. “Dưới trướng” sếp Bằng là những cây hài đình đám khác như Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long,...
Bên cạnh đó, NSƯT Phạm Bằng còn gây ấn tượng ở những tiểu phầm hài hước khi đóng cặp cùng diễn viên Thu Hương (Hương tươi), Thanh Tú và nghệ sỹ Thanh Dương. Bốn cặp nghệ sỹ, diễn viên này tạo nên thương hiệu cho câu chuyện của hai gia đình hàng xóm “tối lửa tắt đèn xỉa xói nhau” trong các tiểu phẩm hài ngắn.
NSƯT Phạm Bằng lại có duyên đóng vai người cặp bồ, mà toàn “cô bồ trẻ tuổi”, xinh đẹp như Thu Hương (Hương tươi), Kim Oanh, Minh Hằng, Vân Dung… Mà thú vị nhất, các nữ diễn viên này đều rất thích đóng với ông, họ nói “con thích đóng với bố lắm”. Còn ông thì không lý giải được: “Tôi không hiểu sao tuy tôi đã cao tuổi nhưng các cô ấy rất thích đóng chung với tôi. Tôi đã đóng với các cô ấy 7-8 năm nay.
Phạm Bằng và Kim Oanh trong một vở diễn
Phạm Bằng và Minh Hằng trong vở Chôn nhời
Năm 2014, nghệ sỹ Phạm Bằng đảm nhận vai quan tri phủ hống hách nhưng keo kiệt trong tác phẩm hài Tết mang tên “Chôn nhời”. Tuy nhiên, tác phẩm này nhận khá nhiều chỉ trích vì có nhiều cảnh diễn phản cảm, không có chiều sâu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ekip cũng như nghệ sĩ Phạm Bằng nói riêng. Đến năm 2015, ông tiếp tục tham gia “Chôn nhời” sau khi đọc kỹ kịch bản và yêu cầu đạo diễn viết lời thoại có tính văn học, chiều sâu hơn.
Những năm gần đây, nghệ sĩ Phạm Bằng diễn thưa thớt hơn, một phần vì ông mắc bệnh, không đủ sức khỏe để diễn nên người nhà muốn ông ở nhà tĩnh dưỡng . Ông hầu như chỉ tham gia dăm ba vai hài nhỏ hay các bộ phim truyền hình, nhưng ông luôn tâm niệm rằng: "Còn sức và khán giả còn cần là tôi còn đi diễn. Lực bất tòng tâm thì phải chịu chứ tôi muốn làm cho đến lúc tôi ra đi". Và giờ ông đã thực sự ra đi...để lại nỗi nhớ, sự tiếc thương và lòng kính trọng của biết bao người. Ông về với Đất mẹ, có thể giờ ông đã gặp được "lão Quềnh", có khi họ lại cười lớn, cười sáng khoải như những vai diễn của họ trên truyền hình.