Trong Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 8 vừa qua, Vi Hoa là nghệ sỹ duy nhất của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng được vinh danh NSND.
Có thể nói, đây là phần thưởng xứng đáng cho “Họa mi” của núi rừng Tây Bắc, người đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương và có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
Hát bằng tiếng suối, tiếng rừng
Với khán thính giả cả nước nói chung và đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới nói riêng, tiếng hát của Đại tá, NSND Vi Hoa như được chắt lọc từ tiếng rừng, tiếng suối đã góp phần tạo nên thành công cho nhiều ca khúc mang màu sắc dân gian và sâu lắng nghĩa tình.
Đại tá- Nghệ sĩ nhân dân Vi Hoa
Sinh ra từ nếp sàn người Thái, những bước chân đầu tiên của cô bé Vi Hoa là đến với dòng suối bên nhà, vui cùng tiếng chim nơi đầu bản. Cha Vi Hoa, nghệ nhân Vi Trọng Liên là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của tỉnh Sơn La đã rất mừng khi cô con gái thứ hai của mình yêu thích những làn điệu dân ca Thái mượt mà, đằm thắm.
Từ sự động viên, khích lệ của cha mẹ, Vi Hoa tham gia các đội văn nghệ thiếu nhi của địa phương và đạt được những thành tích nho nhỏ. Học hết cấp 3, cô gái Thái ấy đã thi đỗ vào trường Đại học Văn hóa Hà Nội, khoa Quản lý văn hóa, với mơ ước sau này trở thành nhà quản lý văn hóa, góp một phần công sức của mình vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương, nhất là đối với văn hóa đồng bào các dân tộc vùng cao.
Quãng thời gian sinh viên đầy sôi nổi và đáng nhớ ấy đã là bệ phóng cho tiếng hát Vi Hoa bay cao hơn và xa hơn. Vốn là người tích cực tham gia hoạt động phong trào từ khi còn là học sinh phổ thông, Vi Hoa trở thành cây văn nghệ xung kích trong các hoạt động Văn - Thể - Mỹ của Trường đại học Văn hóa Hà Nội ngày ấy.
Nhà văn Lê Hoài Nam chia sẻ rằng, ngày ấy, khi ông là một anh lính hải quân được cử về học tại trường Viết văn Nguyễn Du, đã rất ấn tượng bởi cô gái bé nhỏ, có đôi mắt trong veo trời biên giới và giọng hát cao vút, thánh thót như chim rừng.
30 năm sau, trong một lần quay ca khúc “Bến sông tuổi thơ” viết về Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nhà văn Lê Hoài Nam mới có dịp gặp lại Vi Hoa. Anh lính hải quân ngày ấy đã trở thành một nhà văn có tên tuổi của văn học nước nhà còn cô sơn nữ đã là một NSND có tiếng hát làm sáng rừng sáng bản.
Năm 1985, tại Hội diễn văn nghệ sinh viên toàn quốc, giọng hát Vi Hoa đã chinh phục được trái tim khán giả và dành được Huy chương Vàng. Vững tin hơn ở chính mình, Vi Hoa tham gia tốp nhạc sinh viên đầu tiên của Thành đoàn Hà Nội, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của các nhóm nhạc sinh viên trong toàn quốc.
Dưới sự hướng dẫn của cố NSND Quý Dương, con đường nghệ thuật đã mở với Vi Hoa và đưa chị đi tới nhiều thành công. Chị về đầu quân cho Đoàn nghệ thuật Phòng không Không quân và rồi cơ duyên dẫn lối đã đưa chị về Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng và gắn bó cho đến ngày hôm nay.
Hát bằng tiếng lòng người chiến sĩ
Và từ đó, không chỉ hát bằng tiếng rừng, tiếng suối, có một Vi Hoa khác hát bằng tiếng lòng của người chiến sĩ mang trên vai màu quân hàm xanh lá. 30 năm quân ngũ, 30 năm mang lời ca tiếng hát đến với mọi người là 30 năm Vi Hoa sống hết mình cho nghệ thuật. Người ta gặp chị lộng lẫy, sang trọng trong những chương trình nghệ thuật hoành tráng và cũng có thể thấy chị trên những sân khấu được dựng vội trong sân đồn biên phòng, bãi bóng của xã hay thậm chí là giữa bản nhỏ đầy sương lạnh.
Những địa danh như A Pa Chải - Điện Biên, Lũng Cú - Hà Giang, đất mũi - Cà Mau; Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Phú Quốc hay nơi Trường Sa hải đảo thân yêu của Tổ quốc cũng không còn xa lạ gì với dấu chân của người nghệ sĩ – chiến sĩ ấy bởi chị luôn đồng hành trong mọi nhiệm vụ của đoàn văn công BĐBP với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Nghệ sĩ nhân dân Vi Hoa - Họa mi của núi rừng Tây Bắc
Với chất giọng mượt mà, sâu lắng, Vi Hoa định danh trong lòng khán tỉnh giả cả nước qua những ca khúc nổi tiếng như “Tình ca Tây Bắc”, “Phiên chợ vùng cao”, “Chiều biên giới”, “Mùa xuân gọi bạn”, “Bản tình ca nơi biên cương”... Tại các kì liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp toàn quốc Vi Hoa luôn xuất sắc giành nhiều huy chương Vàng cho các tiết mục đơn ca hoặc hợp xướng của đoàn mà chị có vai trò lĩnh xướng. Đặc biệt, trong lần đầu tiên các nước trong khối ASEAN tổ chức cuộc thi “Giọng hát vàng ASEAN” vào năm 1996, Vi Hoa đã vượt qua rất nhiều giọng hát của các nghệ sĩ đến từ các nước trong khối để giành lấy vị trí cao nhất. Trước đó, chị cũng đã từng giành giải “Người hát ca khúc Việt hay nhất” trong Cuộc thi nhạc thính phòng toàn quốc lần thứ nhất tại TP. Hồ Chí Minh…
Năm 2000, Vi Hoa được phong tặng danh hiệu NSUT. 15 năm sau, những cống hiến không mệt mỏi của chị cho nghệ thuật và đồng chí, đồng bào nơi biên giới đã được ghi nhận xứng đáng bằng danh hiệu NSND danh giá. Vi Hoa chia sẻ rằng, cách đây khoảng 20 năm, khi đó chị đang ở phong độ tốt, nhiều người khuyên chị nên chuyển sang công tác tại các đoàn nghệ thuật lớn hơn để có cơ hội phát triển và thu nhập cũng cao hơn.
Khi đó, Vi Hoa cũng dao động ít nhiều. Rồi bất chợt chị nhận được một cuộc điện thoại, của một chiến sỹ ở một đồn biên phòng Lai Châu. “Chị đừng rời Biên phòng nhé. Hãy ở lại, để bọn em còn có chị, để bọn em tự hào…”, câu nói chân thành ấy, đã góp phần giữ Vi Hoa ở lại.
Ở lại, là xác định những ngày công tác xa xôi vất vả, đường biên cương không nâng niu dù có là nghệ sĩ chân yếu tay mềm. Ở lại, là xác định những đêm diễn cháy hết mình trên sân khấu đơn sơ không có hoa chúc mừng, không có tiền bồi dưỡng hậu hĩnh… nhưng Vi Hoa chấp nhận. Cá nhân tôi cho rằng, có lẽ chính sự chấp nhận ấy đã làm nên một Vi Hoa bản lĩnh trên sân khấu cũng như cả đời thường. Để giọng hát của chị thêm điêu luyện, giàu sắc thái với những ca khúc thính phòng đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc nổi trội, nhưng vẫn giản dị, ân tình với những khúc đồng dao, những khúc ca về người lính chân phương, mộc mạc.
Chặng đường lao động nghệ thuật không mệt mỏi, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là phần thưởng xứng đáng dành cho chị
Một chặng đường dài lao động nghệ thuật với không ít nhọc nhằn và gian khó, Vi Hoa đã đi qua, để hôm nay, nhìn lại những thành tựu của mình trong lòng chị trào dâng lòng biết ơn gia đình, bạn bè, đồng đội và biết bao khán thính giả đã luôn đồng hành, ủng hộ và yêu mến giọng hát của chị qua năm tháng. Từ cảm thức tri ân ấy, tấm lòng và tài năng của chị hòa quyện lại để thăng hoa cùng âm nhạc, để dành tặng cho mọi người một “Biên giới tình em” thấm đẫm phong cách âm nhạc Vi Hoa mà cũng không kém phần tươi mới, giàu giá trị nghệ thuật.
Với 7 ca khúc tràn ngập tình yêu quê hương đất nước, yêu cuộc sống, “Biên giới tình em” – lời tâm tình, lời tri ân của NSND Vi Hoa sẽ mang lại cho người nghe những dư âm đẹp về tình nghệ sĩ và tâm hồn người chiến sĩ. Hãy lắng nghe, hãy cảm nhận sự sẻ chia chân thành từ tấm lòng người nghệ sĩ đa cảm và tài hoa ấy.