Cà Mau là một trong những tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt sản lượng nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn trong cả nước. Thời gian qua, bên cạnh nuôi tôm, cua truyền thống, người dân đã nuôi xen canh tôm càng xanh và trồng lúa cho thu nhập cao.
Theo số liệu thống kê, vụ lúa - tôm, năm 2024, tỉnh Cà Mau phát triển được hơn 37.100ha tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa. Trong đó, huyện Thới Bình có diện tích trồng lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau với gần 19.000ha. Mô hình lúa tôm đang mang lại hiệu quả khá cao và bền vững cho nông dân nơi đây.
Theo thời vụ, tôm càng xanh sẽ được thả giống vào khoảng tháng 6 âm lịch, đến khoảng tháng 12 sẽ thu hoạch đồng loạt. Với đặc tính ít hao hụt, tỷ lệ thành công cao, ít tốn chi phí đầu tư nên con tôm càng xanh ngày càng được người dân vùng vuông Cà Mau ưa chuộng chọn lựa để phát triển song song cùng với vụ lúa trong mùa nước ngọt.
Trung bình mỗi hecta sản xuất lúa tôm càng xanh thì nông dân sẽ thu được lợi nhuận khoảng 80 đến 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, sự phát triển tốt của rễ lúa và gốc rạ sẽ giúp cho đất được cải tạo, phục hồi cho vụ nuôi trong mùa nước mặn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Diện (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết, gia đình ông có hơn 2 hecta đất trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng. Chỉ tính riêng tôm càng và lúa năm nay ông Diện đã bỏ túi hơn 150 triệu đồng, trừ các chi phí cũng còn hơn 60 triệu đồng để ăn Tết, số tôm còn lại cộng với tôm sú và cua ông Diện để dành sau Tết sẽ thu hoạch bán lấy tiền tích lũy.
Tương tự là hộ ông Nguyễn Minh Hiếu ( xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình), gia đình ông Hiếu vụ tôm này ông thả nuôi hơn 5 tháng thì thu hoạch. Chỉ tính riêng tôm, đợt này ông Diện đã thu hoạch được hơn 500kg bán được hơn 60 triệu đồng, trừ chi phí giống 4 triệu đồng ông Hiếu còn lãi khoảng 55 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Phi Thoàn, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình cho biết, vụ tôm – lúa năm 2024, xã đã triển khai hơn 2.500ha trên 10 ấp của xã Biển Bạch Đông để nâng tầm giá trị con tôm Việt, đồng thời hướng đến các chứng nhận quốc tế để bảo vệ môi trường… Tôm càng sống sau khi thu hoạch sẽ được thương lái đến tận vuông thu mua với giá từ 100.000 đồng - 300.000 đồng/kg.
“Với giá bán cao như vậy đã giúp cho người nuôi tôm kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ. Việc phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn kết hợp với nhau đã giúp cho nhiều người dân Cà Mau vươn lên khá giàu. Những hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất cũng từ học hỏi các mô hình phát triển đa con này mà làm theo, từ đó giúp kinh tế họ dần ổn định hơn”, Phó Chủ tịch UBND xã nhận định.
Mô hình “con tôm ôm cây lúa” tại Cà Mau được nhiều nông dân đánh giá là hiệu quả, thích ứng được với biến đổi khí hậu, giúp cho nông dân thu lợi nhuận góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Một số hình ảnh nông dân Cà Mau thu hoạch tôm càng xanh: