Nếu thần tượng là những nhân vật tạo ra sự thay đổi lành mạnh, thì việc suy tôn họ là công bằng và trên thực tế cũng rất cần thiết.
Nhưng từ việc những người Việt-không chỉ riêng lớp trẻ-cứ phải khổ sở lặn lội, tốn kém tiền bạc vô ích đi tìm thần tượng ở mãi đâu đâu, thì không còn là một nhu cầu mà đã thành thứ bệnh lý tinh thần. Không cẩn thận những cuộc tìm kiếm nhọc nhằn và bi hài ấy sẽ chỉ mang lại thứ nhãn tiền là nỗi xấu hổ.
Tôi không có chút ý gì miệt thị việc suy tôn thần tượng, xảy ra với cá nhân hoặc nhóm người nào đó. Bởi vì thần tượng là một hiện thực xã hội và tôn vinh thần tượng là nhu cầu tinh thần có thật, cần được tôn trọng. Vì thế tôi phải nói ngay rằng, sự kiện chàng trai kỳ diệu không chân không tay tên là Nick Vujicic đến Việt Nam để truyền thông điệp vĩ đại về bản lĩnh sống và niềm hy vọng, là một sự kiện văn hoá đẹp đẽ. Không nghi ngờ gì nữa, Nick xứng đáng là tấm gương lớn về lòng quả cảm vượt lên số phận của con người. Sẽ còn hàng ngàn trang sách, clip, phim truyện, bản nhạc…viết về anh hoặc lấy cảm hứng từ anh. Sẽ có hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn thế giới coi anh là tấm gương lớn để định hướng cuộc đời mình. Với bản thân tôi, người cũng phải vượt qua nhiều sự khốn khổ do bệnh tật, đói khát thời bé để sống, thì Nick là hiện thân của niềm an ủi bất tận. Nhưng khi xem Nick qua màn ảnh, nghe những lời giới thiệu về anh, nghe chính những gì anh chia sẻ, thì tôi lại cứ nhớ đến Nguyễn Công Hùng, người vừa mới từ giã cõi đời không lâu. Tôi thấy Nick và Hùng có nhiều điều khá giống nhau, trừ sự nổi tiếng. Hỏi 10 đứa trẻ, trong đó có con trai tôi, thì số biết kỹ càng về Nick Vujicic chiếm phần lớn so với số ít ỏi biết lơ mơ về Nguyễn Công Hùng. Tôi tò mò thử xem ký ức cộng đồng còn lại những gì về anh, thì chỉ thấy vài chục bài báo, trong đó đáng chú ý nhất là từ điển Wikipedia tiếng Việt. Tại đó có một đoạn viết về anh như sau:
“Nguyễn Công Hùng sinh tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi mới 2 tuổi, vì mắc căn bệnh hiểm nghèo khiến anh bị liệt toàn thân. Nhưng anh vẫn cố gắng đi học, đến năm học lớp 7, anh phải nghỉ vì bệnh ngày càng trầm trọng, cơ thể chỉ còn chưa đầy 20 kg. Năm 15 tuổi, Nguyễn Công Hùng liệt gần như hoàn toàn, chỉ còn cử động được 2 ngón tay rồi cuối cùng là 1 ngón tay. Bằng nghị lực của mình, Nguyễn Công Hùng vẫn tự học để đến năm 21 tuổi (2003), anh mở Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật. Nguyễn Công Hùng còn sáng lập trang website mang tên www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100.000 bài viết được sẻ chia. Năm 2005, Nguyễn Công Hùng được Tạp chí Công nghệ Thông tin e-Chip trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin.”
Những thông tin cô đọng, khô khan theo kiểu từ điển ấy chưa miêu tả được một phần nhỏ so với những gì mà Hùng phải vượt qua để sống và cống hiến cho cộng đồng. Nếu thấy tận mắt thân hình còm cõi, tiều tuỵ, chân tay chỉ là những khúc xương bất động, bị biến dạng bởi chất độc da cam của Hùng, thì bất kỳ ai cũng sẽ nghĩ anh chỉ còn việc nằm chờ chết. Vì thế những nỗ lực của anh như những gì chúng ta biết chưa bao giờ đầy đủ, cũng là trên cả mức phi thường. So với Hùng, về mọi khía cạnh, thì Nick có phần còn may mắn hơn rất nhiều. Cơ thể Nick không bị huỷ hoại ngày ngày bằng sự ngấm độc và những cơn đau khủng khiếp. Nick không bị áp lực đè nặng phải vật lộn kiếm cơm áo, điều nằm mơ Hùng cũng không thoát. Nhưng hoá ra may mắn nhất với Nick là anh có một cộng đồng không chỉ biết cưu mang, có khả năng tiếp sức vô tận cho anh, mà cũng cái cộng đồng ấy đã biết đưa anh lên thành thần tượng tầm vóc thế giới, cho dù có kèm vào đó cả mục đích thương mại của những ông chủ cá mập về truyền thông. Đến lượt Nick tha hồ mang nước Úc vĩ đại tới bất cứ chân trời nào có sự hiện diện bằng muôn nghìn cách của anh.
Còn với Nguyễn Công Hùng, ngoài một bộ phận cư dân mạng và những người cùng cảnh ngộ coi anh là tấm gương của sự vượt khó, chẳng bao giờ, cho đến tận lúc chết năm ba mươi tuổi, anh có được một sự tôn vinh xứng đáng từ chính những người cùng thế hệ của anh, điều đáng lẽ phải xảy ra? Đã có diễn đàn nào khiến thu hút hàng triệu khán giả để anh chia sẻ kinh nghiệm sống của mình, những kinh nghiệm chắc chắn là kỳ diệu và có khả năng làm thức tỉnh những điều tốt đẹp ở con người? Vì không có cơ hội ấy mà giờ đây mọi bí mật quý giá từ anh vĩnh viễn không thể đến với cộng đồng, nhất là thế hệ tương lai. Sự thất thoát này phải bị xem như thất thoát một tài nguyên quý giá! Đã có nhà tài trợ nào đứng ra tổ chức những cuộc đưa đón anh như họ đang làm với Nick, với các ca sĩ Hàn Quốc, cầu thủ bóng đá Anh…để nhân đó truyền bá rộng rãi hình ảnh của Việt Nam đến mọi ngóc ngách thế giới? Đây không phải là lời trách móc, mà chỉ thể hiện một sự đáng tiếc lớn. Đáng tiếc cả về mặt văn hoá và khía cạnh quảng bá hình ảnh quốc gia. Hay là người Việt không có giá bằng các tộc người khác? Đây là câu hỏi nghiêm túc dành cho tất cả mọi người sinh sống trên dải đất hình chữ S. Nó cho thấy rõ nhất một điều, người Việt luôn luôn-hoặc vô tình, hoặc cố ý-làm bé mình lại bằng cái tâm thế mặc cảm toàn diện. Biểu hiện này muôn hình vạn trạng, trong đó có cả thói huênh hoang, khệnh khạng, hợm hĩnh một cách bệnh hoạn mỗi khi ra nước ngoài. Một kiểu “đánh trước” dự phòng, bởi cứ tưởng làm thế là người ta sợ không dám coi thường mình mà không biết nó thảm hại đến nhường nào về mặt tầm vóc! Nhưng biểu hiện đáng bàn nhất là tâm lý hướng ngoại, vọng ngoại, sùng ngoại. Một vật nào đó, dù bé hay lớn cứ phải có tem tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức thì mới được chú ý. Bét nhất thì cũng là những chữ như giun dế chứ nhất định không thể là chữ Việt. Chữ Việt, hàng nội, mất sang? Dễ dàng thấy biểu hiện này ở bất cứ đâu và có lẽ đó là một trong những điều kém cỏi nhất của người Việt. Tự hạ giá mình đến thế thì mong ai sẽ nâng mình lên?
Trở lại với sự kiện Nick đến Việt Nam. Sau buổi diễn thuyết đầu tiên về niềm hy vọng, thay cho màn chào hỏi đầy tính xã giao, chàng trai không chân không tay có buổi diễn thuyết thứ 2 “nặng cân” hơn xét từ phía khán giả: gần 3000 các doanh nhân hàng đầu của Việt Nam hồi hộp chờ đợi để được Nick truyền cho nghị lực không chịu bỏ cuộc trước khủng hoảng kinh tế. Thầy Nick cũng sẽ định hướng và “dắt” các học trò danh giá của Việt Nam vượt qua thử thách. Nếu không tận mắt xem truyền hình, không tận tai nghe cô phát thanh viên nhắc lại thông điệp của buổi diễn thuyết chật cứng khán giả thuộc hàng VIP, tôi sẽ không tin. Không tin rằng người Việt lại đã đến mức suy nhược ý chí thảm hại như vậy? Một đất nước vẫn được mệnh danh là kiên cường nhất thế giới về khả năng thoát hiểm, vậy mà giờ đây giới tinh hoa trên thương trường, những niềm hy vọng của người dân Việt lại phải cần đến chàng thanh niên Úc tật nguyền lên giây cót tinh thần, dạy cho những điều sơ đẳng về bản lĩnh để không bỏ của chạy lấy người khiến kinh tế quốc gia sụp đổ? Nick thật chân thành, hồn nhiên và dễ thương. Tôi không mảy may nghi ngờ điều đó. Nhưng tôi không thể cưỡng lại lý trí để không đặt mấy câu hỏi: Chẳng biết có bao nhiêu vị khán giả ngồi nghe Nick diễn thuyết cảm thấy hổ thẹn, thay vì thể hiện sự mãn nguyện hoặc cười nhăn nhở trước ống kính, cốt để khoe đẳng cấp của mình? Chuyện gì hơn cả sự hài hước đang xảy ra với xứ sở này? Hay là nỗi xấu hổ cũng cần phải dán nhãn ngoại quốc?
Mong được nghe ai đó trả lời, còn tôi, xin thành thật bó tay!