Sáng 18/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Diễn tập đại trà gây lãng phí và tốn kém
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 19 Điều, bổ sung 03 Điều và đổi tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; Sửa đổi 08 Điều của Luật Đê điều.
Dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cấm xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi lòng sông (không bao gồm bãi nổi, cù lao). Hiện nay chưa có quy định về quản lý hoạt động xây dựng mới công trình, nhà ở và xử lý công trình, nhà ở hiện có ở lòng sông bao gồm cả bãi nổi, cù lao. Đây là khoảng trống pháp lý cần được bổ sung. Sửa đổi, bổ sung cụ thể nội dung đối với các hoạt động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ trong trường hợp không có biện pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo quy định phù hợp thực tiễn quản lý, không mâu thuẫn với các quy định khác của Luật về cấp phép một số hoạt động được phép thực hiện trong hành lang bảo vệ đê điều, ở bãi sông, bãi nổi, cù lao.
Dự thảo luật cũng quy định về cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều, như: Bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê từ cấp III trở lên đến cấp đặc biệt. Luật Đê điều quy định hoạt động nạo vét luồng lạch ở các tuyến sông có đê để đảm bảo giao thông thủy phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập; một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tuyến đê…
Các đại biểu thảo luận ở tổ sáng 18/11
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đê điều, đại biểu Quốc hội (ĐB) Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật hiện tại là căn cứ vào Luật cũ thì rất khó để thay đổi, cải thiện tình hình hiện nay. Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội đã xây dựng đề án, phối hợp với Hàn Quốc cải tạo hai bên bờ sông Hồng, làm sao đẹp như sông Hàn, có hai tuyến đường chạy dọc sông với các tuyến khu vực trong nội thành, biến Hà Nội thành Trung tâm tài chính lớn. Thế nhưng, cuối cùng Bộ NN&PTNT đưa ra quan điểm là vi phạm hành lang thoát lũ, do đó không khả thi, toàn bộ dự án đắp chiếu cho tới nay. Hiện việc cải tạo hai bên bờ sông rất khó khăn; tình trạng xây dựng, cơi nới thêm của người dân vẫn tiếp tục diễn ra. Số lượng dân số gia tăng rất đông, không kiểm soát được.
Cũng theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng sông vẫn tiếp tục diễn ra càng ngày càng mạnh, lan từ Thanh Trì, sang Đan Phượng, dọc hai bên bờ sông đã kín mít, người dân cứ tự phát xây dựng. Đây là những vấn đề Luật Đê điều phải tháo gỡ, làm sao có chính sách cải tạo bờ sông thì thành phố mới có thể thay đổi bộ mặt.
Góp ý về Luật Phòng chống thiên tai, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cần quy định cụ thể về khâu diễn tập phòng chống thiên tai. Việc quy định cấp nào cũng phải diễn tập như hiện nay sẽ gây lãng phí và hình thức, nhất là tại cấp xã. Do đó, quy định chỉ nên duy trì với những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, còn những nơi không có bão lũ cũng diễn tập sẽ khiến làm hình thức. Nếu không làm thì bị ở trên ép xuống, còn làm thì lãng phí.
Đáng chú ý, nhiều nơi nghèo nhưng cấp xã vẫn phải diễn tập phòng chống thiên tai, rất lãng phí, như ở Đồng Tháp, có nơi không xảy ra bão, lũ nhưng năm nào cũng vậy, vẫn phải diễn tập, trong khi tốn kém kinh phí không hề ít, mỗi lần diễn tập, ít nhất cũng phải mất 100 triệu đồng. ĐB đề nghị chỉ nên diễn tập ở từng cấp, tùy vào điều kiện của mỗi địa phương chứ không nên bắt buộc.
Bên cạnh đó cũng cần đề nghị cần quy trách nhiệm trong quản lý trang thiết bị phòng chống thiên tai. Do hiện nay không quy trách nhiệm cấp nào quản lý nên mua sắm thiết bị xong không bảo dưỡng đến lúc sự việc xảy ra trang thiết bị bị rỉ sét không hoạt động được như vừa qua các trang thiết bị trong phòng cháy chữa cháy vừa qua, khi xảy ra cháy không sử dụng được, ĐB nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng cho rằng, không nên quy định cứng các địa phương phải diễn tập mà nên tùy vào điều kiện cụ thể của từng nơi, vì nơi đồng bằng khác với miền núi, nơi có thiên tai thường xuyên xảy ra khác với nơi không có thiên tai. “Diễn tập là rất cần thiết và hiệu quả, qua các vụ bão lũ xảy ra mới thấy hiệu quả của việc diễn tập, và ứng phó trong di tán dân, nếu không khi xảy ra sẽ bị lúng túng, thiệt hại về người và tài sản. Do đó trong diễn tập không nên dập khuôn mà nên để tùy theo từng địa phương cụ thể, nếu không sẽ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực”, ông Tùng cho hay.
Cần phải công khai quy hoạch
Cùng ngày, các ĐB đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Theo cơ quan trình dự thảo Luật, trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, như: Một số quy định liên quan đến nội dung, phạm vi, thẩm quyền thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức tư vấn về công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế chưa phù hợp với nguyên tắc cơ quan quản lý Nhà nước; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn phải tự chịu trách nhiệm về các nội dung cụ thể của dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng…
Đại biểu Đào Thanh Hải- Hà Nội phát biểu thảo luận
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phát biểu thảo luận, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng cần cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân, và phải có phần mềm để cung cấp đẩy đủ thông tin quy hoạch trên địa bàn các tỉnh, thành. Vấn đề này hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang làm rất tốt nhưng Hà Nội vẫn chưa làm được, vì vậy cần đưa vào trong luật, ĐB đề nghị.
Cùng phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện nay, công tác quy hoạch đô thị đã được làm tương đối tốt, nghiêm túc. Khi triển khai đều lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, lập Hội đông kiến trúc, Hội đồng phản biện. UBND các cấp cũng rà soát xem xét rất kỹ. Tuy nhiên, bất cập là khi chúng ta làm quy hoạch rất kỹ nhưng thay đổi cục bộ quy hoạch lại quá đơn giản. Chỉ cần UBND địa phương cùng 1 - 2 sở, ngành quyết định là có thể điều chỉnh ngay. Chính điều này sẽ phá vỡ kế hoạch. Vì vậy, cần quy định rõ thẩm quyền các cơ quan được điều chỉnh mới đảm bảo tính khách quan.
Theo ông Thể, có tình trạng đô thị, công viên, khu công cộng đã được quy hoạch rồi nhưng sau đó nhà đầu tư lại thay đổi cục bộ dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng. Đáng nói hơn, Hội đồng thẩm định quy hoạch không biết việc này mà chỉ một số lãnh đạo sở, ngành liên quan tự điều chỉnh. Chính việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ, vì vậy họ sử dụng quyền đó làm quy hoạch không tốt. Do đó, những công trình lớn, quy hoạch lớn cần có quy định chặt chẽ, Hội đồng nào, cấp nào thông qua quy hoạch đó thì khi điều chỉnh phải có Hội đồng tương ứng đồng ý, tránh xé lẻ làm phá đi quy hoạch.