Đền thờ Đức Thánh Bà (Bia Bà) nằm trong Cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê, (Hà Đông, Hà Nội).
Nơi đây còn vô cùng ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động của hệ thống Tòa án vì có “Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ”.
Lễ khánh thành công trình Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của TAND tại Bắc Bộ
Đền thờ Đức Thánh Bà (Bia Bà)
Bia Bà là tấm bia ghi về sự tích Bà đệ nhị cung phi triều Mạc Thái Tông, tên thật là Trần Thị Hiền tức Hoàng phi - vợ vua Mạc Đăng Doanh, là Đông Cung Hoàng Hậu (phong sau khi mất). Bà sinh năm 1511 và mất năm 1538. Thuộc gia đình thế phiệt nhiều đời làm quan trong triều, là con gái cụ Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân đời Lê sơ (hiện được thờ phía sau bên trái chùa Ngòi - Hà Đông). Bà vừa xinh đẹp, thông minh lại vừa nết na thùy mị, hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt. Bà là người hiền đức có công với triều đình nhà Mạc và nhân dân địa phương. Năm 1532, bà sinh được Hoàng tử, song cũng từ đó sức khỏe giảm sút. Năm 1538 vua cho bà về dưỡng bệnh tại quê nhà cũ là làng La Ninh huyện Từ Liêm. Bà mất năm 28 tuổi, được chôn tại cánh đồng Đa Bang trong làng. Ghi nhớ công ơn bà nên dân làng đã tôn bà là Đức Thánh Bà.
Bia ghi sự tích về bà được dựng lên tại cánh đồng Đa Bang (còn gọi là cánh đồng Hoàng hậu).
Năm 1982, Bia Bà được chuyển về khu di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê, Hà Đông, trong Đình có văn ghi bia bài điếu của vua Mạc Thái Tông năm 1539. Người dân La Khê kể rằng, Thánh Bà khi xưa là người chỉn chu, lo lắng, quản lý mọi việc trong cung để Nhà vua yên tâm chinh chiến khắp nơi, khi sống bà có công lớn với nước, với dân, khi bà mất đi nhân dân thờ phụng bà.
Nơi đây được coi là linh thiêng và là địa điểm du lịch văn hóa và tâm linh, nên hằng ngày có nhiều khách thập phương đến lễ cầu lộc, đặc biệt vào dịp Giao thừa và Tết và trong dịp lễ Hội làng La Khê, được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch.
Đặc biệt, hàng năm vào những dịp đầu năm mới, không chỉ nhân dân trong vùng, miền mà du khách thập phương đến đây chiêm bái rất đông, có những đoàn khách từ miền Nam và các tỉnh rất xa xôi đến lễ Đức Thánh Bà, có hôm hàng vạn lượt người.
Toàn cảnh khuôn viên Đình Bia Bà ở La Khê
Địa điểm xét xử đầu tiên của TAND tại Bắc Bộ
Đền thờ Đức Thánh Bà (Bia Bà) nằm trong Cụm di tích Đình, chùa, Bia bà La Khê, nơi đây còn vô cùng ý nghĩa đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động của hệ thống Tòa án vì có “Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ”.
Cũng tại mảnh đất thiêng liêng này, TANDTC quyết định xây dựng “Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ”, được khánh thành vào ngày 20/4/2014.
Công trình xây dựng Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của TAND tại Bắc Bộ được khởi công xây dựng từ ngày 5/8/2013 và huy động bằng nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện của các cán bộ, công chức ngành TAND.
Ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945, “thiết lập các Tòa án quân sự”, việc thành lập Tòa án quân sự với chức năng xét xử tất cả các hành vi xâm hại đến sự vững mạnh của Nhà nước đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án nhân dân.
Những ngày đầu thành lập, Tòa án quân sự tập trung thực hiện công tác xét xử, kịp thời trấn áp tội phạm phản cách mạng và các tội phạm khác, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ sức mạnh và kỷ luật của quân đội. Năm 1946, Tòa án quân sự Hà Nội đã mở phiên tòa đầu tiên, xử tử hình tên Quản Dưỡng phạm tội bắn vào đoàn nhân dân đang tiến vào trại Bảo An biểu tình. TANDTC đã quyết định xây dựng “Bia ghi dấu sự kiện địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân tại Bắc Bộ” tại cụm di tích Bia Bà La Khê và ngay sát Đền thờ Đức Thánh Bà.
Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án là công trình lịch sử lưu giữ truyền thống của Tòa án; là địa điểm để các công chức Tòa án đến thăm, tưởng niệm, tự hào và trân trọng công sức của các lớp cha, anh và truyền thống lịch sử của Tòa án, đồng thời tạo động lực cho cán bộ, công chức TAND và Tòa án quân sự các cấp tích cực phấn đấu, phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Đến với khu di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử – văn hóa, sự thâm nghiêm cổ kính của kiến trúc Đình, Chùa, Bia Bà. Năm 1998, khu di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.