Sau 10 năm, nỗi đau mang tên “Chanchu” vẫn thể chưa nguôi ngoai trong lòng những người phụ nữ xã Bình Minh. Và hôm nay, họ lại tổ chức đám giỗ chung lần thứ 10 cho những người chồng đã mãi nằm lại giữa trùng khơi năm ấy.
Không đổ bộ đất liền, cơn bão tàn khốc Chanchu năm 2006 bất ngờ chuyển hướng quét qua nơi trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ. Cơn bão dị thường 10 năm trước nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới đáy biển, chỉ 20 người được tìm thấy thi thể.
Tỉnh Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 ngư dân. Trong đó nhiều gia đình có 2-3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong nhà.
10 năm sau thảm họa kinh hoàng nỗi đau vẫn chưa thể nào nguôi ngoai trong lòng những người phụ nữ “làng Chanchu”. Cơn bão tàn khốc nhất lịch sử đã cướp đi tính mạng của 86 ngư dân khiến họ mãi mãi mất chồng, những đứa con thơ mãi mãi mất cha vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người dân xã Bình Minh.
Bà Nguyễn Thị Tê vẫn không thể nào quên được những đau thương của 10 năm trước
Tìm về miền cát trắng Bình Minh những ngày này sẽ thấy những người dân đang tất bật chuẩn bị đám giỗ cho 86 ngư dân tử nạn sau thảm họa 10 năm trước. Chạy dọc các con đường ven biển, tàu thuyền của các ngư dân cũng tấp nập vào bờ để kịp thắp cho các đồng nghiệp tử nạn một nén hương trong ngày giỗ chung.
Lật lại ký ức kinh hoàng, bà Nguyễn Thị Tê (54 tuổi, ngụ thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) có chồng là ông Phạm Phú Cường tử nạn trong cơn bão kể: “Khi nghe tin chồng chết trên biển lúc đó tôi không còn biết gì nữa. 10 năm qua nỗi đau cứ kéo dài dai dẳng, đến bây giờ tôi vẫn không thể tin đó là sự thật. Từ ngày anh Cường mất, tôi phải bươn chải đủ nghề để nuôi các con. Từ bán cá dạo cho đến phụ hồ, làm thuê...nghề gì làm ra tiền tôi đều thử nhưng vẫn không đủ sống. Khó khăn quá nên tôi đành vay ngân hàng 30 triệu để có tiền lo các con được ăn học đến nơi đến chốn”.
Cơn bão kinh hoàng ập đến khiến nhiều người phụ nữ nơi đây trở thành góa phụ, họ không “đi thêm bước nữa” mà cứ sống vậy nuôi con. Chồng mất, những năm qua gánh nặng cơm áo gạo tiền đặt nặng lên đôi vai của phụ nữ “làng Chanchu”.
Chung xóm với bà Tê là nhà của bà Trần Thị Liên (55 tuổi). Bà Liên có chồng là ông Nguyễn Văn Ba và con trai Nguyễn Văn Tan (24 tuổi) chết trong cơn bão Chanchu năm ấy. Nhiều năm qua đi, nỗi đau vẫn còn hiện hữu trong lòng người phụ nữ này. “Đây là đám giỗ thứ 10 của hai cha con ông ấy. 10 năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí tôi không thể nào quên hình bóng của họ. Từ ngày chồng mất cuộc sống gia đình khó khăn càng khó khăn hơn khi 5 người con đang lúc tuổi ăn tuổi học. Nhưng không còn cách nào khác, mẹ con tôi cùng nhau cố gắng vượt qua cuộc sống mưu sinh đầy cơ cực”, bà Liên trải lòng.
Trong ngày giỗ lần thứ 10 này nhiều “góa phụ Chanchu” đã không cầm được nước mắt khi nghĩ về người chồng, người con của mình đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển. Nhiều năm qua, hình bóng của họ vẫn mãi trong tâm trí của những phụ nữ miền cát trắng.
Nén đau thương, bà Trần Thị Liên bươn trải đủ nghề để nuôi con
Vào năm ấy, bà Nguyễn Thị Lau (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) đang mang bầu cô con gái út thì nghe hung tin. Chồng bà, ông Võ Văn Mến bị cơn bão tàn khốc nhấn chìm giữa trùng khơi để lại cho bà 5 người con và một đứa đang mang trong bụng. 10 năm trôi qua, đến bây giờ em Võ Thị Tuyết Hương vừa tròn 10 tuổi. Ngày chào đời, người cha xấu số chưa kịp nhìn mặt cô con gái út. Đối với Hương, khuôn mặt của cha em cũng chỉ được ngắm nhìn qua tấm hình cưới của bố mẹ treo trên tường.
“Khi nghe tin dữ, tôi ngất xỉu có biết gì nữa đâu, mọi việc lúc bấy giờ người thân lo giúp, cũng may giữ được cái thai. Cùng đi trên chuyến tàu định mệnh năm đó có em chồng tôi là anh Võ Văn Mạnh. 2 anh em ruột cùng với hơn 20 bạn tàu ở các địa phương khác đã không trở về”, bà Lau nghẹn ngào nói.
Từ ngày chồng mất, một mình bà gồng gánh nuôi 6 người con. Cuộc sống chồng chất khó khăn khi không có người đàn ông trụ cột trong nhà bà đành gửi con gái út ở quê rồi ra thành phố làm thuê. 10 năm qua người phụ nữ này nén nỗi đau thương mà bươn trải kiếm sống giữa bộn bề khó khăn của cuộc mưu sinh.
Ngày cha ra đi, mọi gánh nặng đều đặt trên vai của mẹ, hiểu được vất vả đó, những người con của các ngư dân xấu số quyết tâm ra sức học tập để làm vui lòng vui bậc sinh thành. Em Nguyễn Thị Huyết (18 tuổi, học lớp 12/6, Trường THPT Thái Bình) con của ngư dân Nguyễn Văn Ba tử nạn trong cơn bão Chanchu tâm sự: “Từ khi ba mất mọi công việc trong nhà đều do một mình mẹ gánh vác. Nhiều đêm mẹ làm việc cực nhọc mà thấy thương lắm, nhớ ba, nhìn thấy mẹ vất vả em càng muốn học thật giỏi để mẹ được vui lòng và tự hào...”
Những tia nắng chiều yếu ớt buông xuống, chúng tôi rời “làng Chanchu” mang theo một nỗi buồn vời vợi. Nhiều năm sau trận bão kinh hoàng, nước mắt vẫn rơi trên gương mặt của những người vợ, người mẹ xã Bình Minh. Đến hôm nay làng Bình Minh đã chuyển mình sau bão nhưng nỗi đau Chanchu sẽ còn rất lâu nữa mới phai trong lòng người phụ nữ miền cát trắng.