Cả một đời vất vả nuôi con, bà Luy cũng mong đến khi về già được con báo hiếu, quan tâm, chăm sóc nhưng số phận trớ trêu khi đã hơn 80 tuổi rồi bà vẫn phải lê thân mình ra trước chốn công đường với vai trò là người bị hại và bị cáo lại chính là con trai bà – đứa trẻ được bà nhận nuôi từ tấm bé.
Từ hàng ghế dành cho người bị hại, bà Lê Thị Luy (81 tuổi, trú thôn Văn Lạc, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh) mệt mỏi dựa lưng mình vào thành ghế, chốc chốc đan xen đôi tay nhăn nheo của mình lại rồi lẩm nhẩm“Trẻ cậy cha, già cậy con” đầy chua xót.
Số phận cuộc đời cho bà Luy được làm mẹ nhưng không thể sinh con, năm 1981, vợ chồng bà Luy nhận Hoàng Văn Lân làm con nuôi với hi vọng đứa trẻ sau này sẽ làm chỗ dựa cho vợ chồng khi già yếu. Tất cả những yêu thương, ngọt ngào nhất vợ chồng bà Luy đều dành cho Lân vô điều kiện.
“Công sinh không bằng công dưỡng", vợ chồng bà Luy đã hy sinh cả cuộc đời vất vả nuôi đứa con không phải máu mủ, ruột thịt của mình khôn lớn, trưởng thành. Thế nhưng trớ trêu thay, Hoàng Văn Lân lại báo hiếu mẹ mình bằng hành động vô cảm, đánh mắng người đã chăm sóc, nuôi nấng mình.
Hoàng Văn Lân là bị cáo trong vụ án “Cố ý gây thương tích” do TAND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đưa ra xét xử vừa qua.
Bà Luy đau đớn đến phiên tòa với vai trò bị hại của đứa con bất hiếu
Theo cáo trạng, khoảng 23h ngày 17/12/2022, Hoàng Văn Lân (41 tuổi) sử dụng điện thoại âm lượng lớn nên bà Luy không ngủ được đã ra nhắc nhở dẫn đến mâu thuẫn, cãi nhau.
Bực tức nên Lân đã chửi bới bà Luy và đập phá tài sản trong nhà. Thấy đứa con hỗn hào nên bà Luy đã quát lại và yêu cầu Lân ra khỏi nhà. Bực tức vì bị đuổi nên Lân đã tiến đến đạp bà Luy ngã xuống sân khiến bà gãy chân, tổn thương cơ thể 37%.
Cáo trạng nêu rõ, khi đạp bà Luy ngã xuống sân, mặc dù thấy bà đau đớn gượng dậy nhưng Lân vẫn tỏ ra vô cảm và buông lời thách thức khi bà kêu bị gãy xương rồi còn Lân đáp lại “đã gãy chưa hay tao cho ba lát luôn” – (ý đạp gãy xương thành nhiều khúc – PV).
Sự hỗn hào của Lân như cú giáng trời đánh vào mẹ của mình, khiến bà Luy chỉ biết kêu la hàng xóm, người thân để đưa mình đi bệnh viện.
Tại phiên xử, bà Luy nhỏ nhẹ trình bày lại sự việc, những điều mà chỉ nghe thôi cũng khiến cho người dự khán đau nhói, chép miệng, thương cảm cho số phận của bà.
“Dù cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn dành cho Lân đầy ắp những yêu thương, chăm bẵm từ tấm bé đến lúc trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Có lẽ do phản đối việc nó (Lân) muốn đưa bạn gái về ở chung với bà sau khi ly hôn vợ nên nó bực tức, gây chuyện”, bà Luy trình bày tại tòa.
Được biết, tháng 4/ 2022, Lân ly hôn vợ và về sống cùng bà Luy. Quá trình chung sống giữa hai mẹ con xảy ra mâu thuẫn khi Lân đòi dẫn bạn gái về sống chung nhưng bà Luy không đồng ý.
Tại phiên xử, Lân thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cố lảng tránh đi những ánh nhìn của người dự khán, có lẽ bản thân Lân cũng tự cảm thấy được sự bất hiếu của mình đối với bà Luy.
“Làm người hiếu nghĩa phải đi đầu, bị cáo có thấy hổ thẹn với mẹ mình không? Có thấy hổ thẹn với chính bản thân mình không? khi đã đối xử tệ bạc với mẹ nuôi mình như vậy?” Những câu hỏi dồn dập của vị chủ tọa khiến Lân cúi gằm mặt, lí nhí trả lời “bị cáo biết sai rồi”.
“Là phận làm con, đáng lẽ ra khi cha mẹ già yếu cần bờ vai nương tựa, bị cáo phải làm tròn bổn phận ấy mới đúng. Đã bao giờ bị cáo nghĩ đến thời thơ bé, cha mẹ chăm bị cáo khôn lớn phải vất vả như thế nào không?”, Vị chủ tọa tiếp tục cất lời khiến Lân không dám ngẩng mặt …
Nhận định hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng ANTT trên địa bàn. Bị cáo phạm tội phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự do phạm tội với người trên 70 tuổi tiết tăng nặng định khung vì phạm tội đối mẹ của mình, người nuôi dưỡng mình.
Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX phiên sơ thẩm ngày 21/2 đã tuyên phạt Hoàng Văn Lân mức án 5 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tọa phiên tòa tâm sự: “Xét xử những vụ án con cái ngược đãi, đánh đập cha mẹ mà cảm thấy đau lòng. Họ không hiểu rằng được phụng dưỡng đấng sinh thành là sự may mắn tối thượng đối với con cái. “Người xưa có dạy "Trong các tội không tội gì nặng bằng tội bất hiếu. Trong cái thiện không gì bằng hiếu thảo”. Cho dù xã hội phát triển, hiện đại đến đâu đi nữa thì những quan niệm ấy không bao giờ thay đổi”.