Nỗi buồn của những bà mẹ nhí sinh con độ tuổi 13

Q. Thương| 05/11/2014 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới kết thúc bậc tiểu học, các bé gái người Rai đã lập gia đình. Chưa đầy 13 tuổi, các em đã phải làm mẹ. Trên khuôn mặt non nớt của những cô bé này hiện rõ nét sự khắc khổ, tiều tụy khi phải gánh trên vai nỗi lo cơm áo, gạo tiền về một gia đình lớn.

Câu chuyện đáng buồn trên chính là cuộc sống của nhiều thế hệ thiếu nữ đồng bào Rai tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Nỗi buồn của những bà mẹ nhí sinh con độ tuổi 13

Tỷ lệ tảo hôn của người Rai ở xã Hàm Cần vẫn còn khá cao

Hoa chưa nở đã phải kết trái

Tâm sự với PV bên hiên nhà, Mang Thị Nở (15 tuổi, có con trai hơn 1 tuổi) hồn nhiên trả lời về nguyên nhân lấy chồng sớm của mình: "Ở tuổi 13, bạn bè em đứa nào cũng có chồng con hết rồi, nếu em không lấy sẽ bị cười là gái ế. Cả gia đình cũng sẽ xấu hổ với xóm làng. Con gái không nên đi học nhiều làm gì, đằng nào cũng về nhà làm rẫy. Đời bà em, mẹ em cũng thế cả, tập tục ở đây là vậy rồi, không làm khác được. Trong xóm này, hầu hết con gái đều lấy chồng năm 13 tuổi, trễ nhất cũng chỉ 16".

Để giải thích rõ hơn cho chúng tôi hiểu, bà Mang Thị Chai (41 tuổi, mẹ của Nở) cười móm mém: "Con gái trong làng như bông ngô trên nương, phải lấy chồng khi đang độ nở rộ, chứ để trễ không ai chịu lấy nữa. Con gái khoảng 13-14 tuổi là lấy chồng được rồi, chứ để đến hai mươi tuổi chẳng khác gì bông hoa đã tàn. Tôi cũng lấy chồng hồi 13 tuổi, rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy hết cả. Con gái phải có gia đình mới trở thành người lớn, cứ để ở nhà với cha mẹ không biết đến lúc nào mới biết làm ăn. Con bé Mang Thị Tiến đối diện nhà tôi cũng cưới hồi 12 tuổi, nay con trai nó cũng được 3 tuổi rồi. Ở làng tôi, năm nào cũng có vài ba đứa cưới sớm như vậy. Chúng lỡ ăn ở với nhau có bầu, phải thành vợ thành chồng mới phải đạo".

Cùng chung suy nghĩ ấy, bé Mang Thị Hiệp (15 tuổi, đang mang thai được 4 tháng) cho hay: "Đây là tập tục do ông bà để lại, con cháu cứ vậy mà làm theo. Con gái, con trai chỉ cần đến tuổi 13 thích nhau, nhìn nhau thuận mắt về nói cha mẹ để hai bên bàn bạc cưới xin. Cha mẹ không bao giờ ngăn cản con cái yêu đương, lập gia đình, như thế là phải tội với trời. Tục cưới xin của làng rất đơn giản, nhà trai chỉ cần xách đến nhà gái 1 ché rượu cần cùng 1 con gà, năm ba điếu thuốc là hai bên đã thành vợ thành chồng. Cũng chính vì vậy, dân làng không phải đắn đo suy nghĩ nhiều khi dựng vợ, gả chồng cho con cái bao giờ".

Nhọc nhằn chất chồng trên đôi vai

Theo phong tục của đồng bào Rai, người đàn ông sau khi lấy vợ buộc phải ở rể, con cái khi sinh ra sẽ mang họ mẹ. Trong gia đình, người phụ nữ nắm giữ quyền lực cao nhất. Tuy nhiên, kèm theo đó là những nỗi lo toan trĩu nặng, những nhọc nhằn chồng chất, các bé gái này vừa phải đảm đang công việc đồng áng, vừa phải chăm lo cho gia đình tươm tất.

Ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", các em đã phải quần quật trên nương, trên rẫy với con bồng, con bế trên tay. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, cuộc đời của những bé gái người Rai đều diễn biến theo một điệp khúc chung là học hết tiểu học, lấy chồng, sinh con, chăm lo gia đình và chờ đợi dựng vợ gả chồng cho con cái.

Kèm theo cặp vợ chồng "bọ xít" đó là những cảnh tượng dở khóc dở cười khi các ông bố, bà mẹ nhí dành ăn với con, mải mê vui đùa, vọc cát với con quên cả thời gian. Các em không biết cách chăm sóc, bế ẵm con cái mà vứt lay, vứt lắt cho cha mẹ nuôi dưỡng. Thậm chí, không ít cảnh tượng thương tâm đã xảy ra như cảnh gia đình ly tán, bạo lực gia đình, con cái bơ vơ bởi vì tuổi đời quá ít ỏi của những ông bố, bà mẹ trẻ.
Bà mẹ nhí Mang Thị Tiến (15 tuổi, mẹ của bé trai 3 tuổi) cho hay: "Chồng em là bạn học cùng lớp, hai đứa lỡ ăn ở với nhau có bầu nên đành nghỉ học và cưới nhau năm lớp 6. Lúc mới lấy về, em đang có bầu nên không làm việc gì được. Chồng em lại tối ngày đi chơi với đám thanh niên trong làng, không chí thú làm ăn. Em rất tức giận nên hai vợ chồng cãi nhau liên tục. Cũng may nhờ gia đình hai bên khuyên bảo, hai đứa mới không bỏ nhau. Gần đây, anh ấy đã biết phụ giúp công việc trong nhà, tình hình mới cải thiện được đôi chút".

Vấn nạn tảo hôn ở Hàm Cần không còn là vấn đề xa lạ, mới mẻ với chính quyền nơi đây. Tuy nhiên, muốn ngăn chặn hủ tục này tiếp diễn trongđời sống của người Rai là một bài toán cũ kỹ nhưng vô cùng hóc búa. Bởi lẽ, trong quan niệm của người Rai, việc trai gái tìm hiểu, yêu đương và có quan hệ, có con rồi kết hôn là thuận theo tự nhiên. Đa số các cặp vợ chồng nhí đều ở với nhau vài ba năm đến tuổi kết hôn mới đến chính quyền xã làm hôn thú. Vì thế, rất cần có những chính sách, phương án xử lý thiết thực và quyết liệt hơn nữa để các bé gái nơi đây được đến trường, được bảo vệ sức khỏe. Mong rằng một ngày không xa, khi trở lại Hàm Cần, chúng ta sẽ được chứng kiến các em sống đúng với độ tuổi của mình, được vô tư, hồn nhiên tươi cười như bao trẻ em khác trên mọi miền tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Sông, Phó Chủ tịch xã Hàm Cần cho biết: “Hiện nay, tuổi lấy chồng của các em đã nâng lên khoảng 15-16 tuổi. Có lẽ, một ngày không xa, độ tuổi kết hôn sẽ tiếp tục được nâng lên. Trước mắt, vẫn còn khoảng 60% người Rai ở Hàm Cần tảo hôn".

Nỗi buồn về những ca vượt cạn "thập tử nhất sinh"

Nhìn những khuôn mặt "búng ra sữa" của các bà mẹ trẻ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì những hệ lụy các em phải gánh chịu do nạn tảo hôn đã và đang thịnh hành từ bao đời nay trong phong tục của người Rai nơi đây. Cuộc sống của các em gắn liền với sự đói nghèo, lạc hậu, thất học. Điều đáng lo ngại hơn cả là các cặp vợ chồng trẻ con này đều không có chút kiến thức gì về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Thế nên, đa số các bà mẹ nhí trong làng đều phải trải qua những cuộc vượt cạn "thập tử nhất sinh" trong tay các bà lang vườn và những bài thuốc bí truyền không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, nạn đông con cũng là một gánh nặng khiến đôi vai các em thêm còm cõi, mỏi mệt. Mang Thị Huệ, Mang Thị Hiệp, Mang Thị Nở... và hàng chục bé gái khác đều là những bà mẹ 2 - 3 con dù tuổi đời chưa tròn đôi mươi.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn của những bà mẹ nhí sinh con độ tuổi 13