Hoạt động vay mượn của các Chính phủ nhằm kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và của các doanh nghiệp nhằm tận dụng lãi suất thấp kỷ lục đã đẩy tổng lượng nợ trên toàn cầu tăng vọt hơn 40% so thời điểm khủng hoảng tài chính và vượt mốc 100 ngàn tỷ USD.
Đó là nội dung báo cáo được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - tổ chức được xem là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương - công bố hôm Chủ Nhật. Báo cáo cũng đã cho thấy kể từ khủng hoảng tài chính đến nay, hoạt động vay mượn xuyên biên giới ngày càng suy giảm.
Theo BIS, tổng lượng nợ phát hành trên toàn cầu đã tăng từ mức 70 ngàn tỷ USD giữa năm 2007 lên 100 ngàn tỷ USD vào giữa năm 2013, chủ yếu do khoản vay mượn của các Chính phủ.
Cụ thể, hai chuyên viên phân tích của BIS là Andreas Schrimpf và Branimir Gruic cho biết lượng chứng khoán nợ do các Chính phủ phát hành tại thời điểm tháng 6/2013 là 43 ngàn tỷ USD, cao hơn khoảng 80% so giữa năm 2007. Tương tự, lượng nợ do các doanh nghiệp phi tài chính phát hành cũng tăng với tốc độ gần tương đương.
BIS lưu ý rằng kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, hình thức vay mượn đã thay đổi rõ rệt. Theo đó, hoạt động vay mượn diễn ra trên các thị trường nợ thay vì giữa các ngân hàng. Trong bối cảnh lĩnh vực tài chính thắt chặt cho vay và giảm sử dụng đòn bẩy, các Chính phủ đã phát hành nợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải cứu hệ thống ngân hàng.
Theo chỉ số Global Broad Market Index của Bank of America Merrill Lynch, lợi suất của tất cả các loại trái phiếu, từ trái phiếu Chính phủ đến trái phiếu doanh nghiệp và thế chấp, đạt bình quân khoảng 2%, thấp hơn so mức trên 4.8% trong năm 2007.
Thu Ngân (Theo Bloomberg)