Trước những thông tin về ứng dụng "mua sắm hoàn tiền tới 80%" có tên IBG, Sở Công thương TP.HCM đã lên tiếng khẳng định hình thức hoạt động theo mô hình này chưa có giấy phép. Người tiêu dùng cần tỉnh táo để tránh những rủi ro.
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử thực hiện “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền”. Theo đó, người tiêu dùng được hoàn lại từ 80% đến 100% khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng.
Điển hình của “hiện tượng” này, là ứng dụng MyAladdinz với những lời quảng cáo sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả người mua và người bán.
Theo đó người mua được hoàn tiền đến 80% giá trị đơn hàng; người bán thu hút giữ chân khách hàng và gia tăng lợi nhuận…Hàng hóa trong cộng đồng MyAladdinz rất đa dạng, từ đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm đến ô tô, nhà đất đều có thể được hoàn tiền. Nhiều người đã cài đặt ứng dụng MyAladdinz vì tin rằng với mức hoàn tiền lên đến 80% giá trị hàng hóa thì chỉ phải trả 20% chi phí là có thể “rinh” món đồ muốn mua.
Tuy nhiên, khi cài đặt ứng dụng và mua hàng, người mua mới vỡ lẽ, họ vẫn phải trả toàn bộ 100% tiền, việc hoàn tiền chỉ thể hiện ở tích điểm trên ứng dụng.
App MyAladdinz bị Bộ Công an đưa xác định có dấu hiệu hoạt động theo mô hình đa cấp
Trước những thông tin quảng cáo rầm rộ, vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo khẳng định App MyAladdinz hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet.
Mô hình thức trả thưởng, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử dưới hình thưc này chưa được Bộ Công thương cấp phép. Bộ Công an khuyến cáo hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Tương tự, ngay thời điểm app MyAladdinz bị Bộ Công an đưa ra cảnh báo lừa đảo, app IBG (được quảng cáo thuộc Công ty IBG Việt Nam, được bảo lãnh bởi Tập đoàn OnesGroup) xuất hiện. Dù mới phát hành trong thời gian ngắn, nhưng độ "phủ sóng" của app IBG khiến nhiều người phải bất ngờ. Cũng tương tự như app MyAladinz vừa bị Bộ Công an cảnh báo, ứng dụng IBG hoàn lại 80% giá trị sản phẩm qua “điểm thưởng” IBG.
Theo những lời quảng cáo “dẫn đường làm giàu” trên các mạng xã hội được biết, app IBG là ứng dụng kết nối tất cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thế giới với nhau. App IGB cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng (Loyalty point) bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Theo đó, những ai muốn tham gia và tạo tài khoản trên ứng dụng thì bắt buộc phải có người giới thiệu. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì người tham gia sẽ dùng tiền thật để mua tiền ảo “USDT” theo tỷ giá 23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG. Sau đó, khách hàng sử dụng app IBG mua hàng để được “hoàn lại” 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm IBG.
Hệ sinh thái trên ứng dụng IBG
Với kiểu “hoàn lại” này, nhiều người sẽ dễ lầm tưởng khách hàng chỉ phải bỏ ra 20% đã nhận được món đồ mình cần mua nhưng thực tế không phải. Mỗi ngày, khách hàng chỉ có thể đổi 0,2% điểm thưởng trên thành “tiền ảo” USDT để có thể sử dụng. Đáng chú ý, BG Việt Nam còn "tung" chiêu thức X5 giá trị tài sản khi tham gia các gói đầu tư để thu hút khách hàng.
Khi khách hàng tham gia các gói đầu tư từ Silver (bạc) đến Diamond (kim cương), khách hàng sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư của IBG và nhận các đặc quyền tăng gấp 5 lần giá trị tài sản của gói đầu tư tham gia. Cụ thể, nếu khách hàng đầu tư gói 1.000 IBG, tài khoản khách hàng sẽ được tặng thêm 5.000 điểm. Điểm này tiếp tục được quy ra IBG bằng chiêu thức mỗi ngày "nhỏ giọt" 0.2% số điểm.
Thực tế, app IBG hoàn 80% điểm chứ không phải hoàn lại 80% tiền. Trong số điểm hoàn về, người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0.2% số điểm để quy ra IBG. Người tiêu dùng muốn đổi tất cả điểm thành tiền là khó thực hiện. Cách duy nhất để nhận về giá trị thực là mỗi ngày nhận "nhỏ giọt" 0.2% điểm hoàn về, sau khi quy đổi % này ra IBG sẽ lên chính sàn giao dịch của chính IBG để tìm người bán.
Đặc biệt, IBG Việt Nam còn đưa ra chính sách, với các nhà đầu tư “phát triển cộng đồng” tức lôi kéo được người khác tham gia, thì IBG sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số điểm người sau đóng tham gia hệ thống. Đồng thời còn được trích thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % theo 18 cấp bậc.
Trụ sở của IBG Việt Nam
Theo phản ánh, Công ty IBG có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) và có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và OnesGroup nên làm ăn rất uy tín. Ứng dụng IBG được vận hành bởi Công ty TNHH IBG Việt Nam (IBG Việt Nam). Doanh nghiệp này chỉ mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép thành lập từ ngày 7/5/2020 có trụ sở đăng ký đặt tại tòa nhà số 708-720 đường Điện Biên Phủ (P.22, Q. Bình Thạnh). Tuy nhiên, trên các trang web lại giới thiệu trụ sở chính của công ty này đặt tại 602 đường Phạm Văn Đồng (P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức).
Theo mã số thuế mà doanh nghiệp được cấp, công ty IBG Việt Nam đăng ký hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề như đại lý, môi giới, đấu giá (trừ môi giới bất động sản); Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống (không hoạt động tại trụ sở); Bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh…
Dù hoạt động kiểu như thương mại điện tử nhưng ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM khẳng định: “Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công thương. Đối với Sở Công thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này”.
Ứng dụng IBG liệu có phải là "bản sao" của App MyAladdinz ?
Trước việc “nở rộ” các ứng dụng “mua sắm thông minh”, một số chuyên gia đang đưa ra cảnh báo, những hệ thống kiểu này chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Nhà đầu tư cũng chỉ được trả lãi bằng “tiền ảo” và “điểm ảo”; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “tiền ảo” và “điểm ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán, thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: “Cashback tuy hợp pháp nhưng cố tình làm cho người dùng hiểu sai mức chiết khấu, tưởng được hoàn tiền cao nhưng thực ra rất ít. Đây là thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng”.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Điều tra xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo những ứng dụng thương mại điện tử quảng cáo “giá trị hoàn tiền 80%” hay “giá trị tích lũy 80%” đều hướng người tham gia hiểu nhầm chỉ cần phải bỏ 20% số tiền là có thể sở hữu sản phẩm, dịch vụ. Nhưng thực tế việc hoàn tiền với giá trị % cao như vậy chỉ ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì theo tỷ lệ % rất nhỏ, không có ý nghĩa hoàn tiền như quảng cáo.
Trong khi đó, Bộ Công an cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai đấu tranh, xử lý quyết liệt các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Bộ Công an cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.