Khi đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên thì cả xã hội được hưởng lợi. Đây chính là sự đầu tư đúng đắn giúp các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và quốc gia”.
Đó là nhận định của bà Astrid Bant – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam trong buổi Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 2016 diễn ra vào sáng 9/7 tại Cung Triển lãm Kiến trúc (Hà Nội).
Với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” năm nay, Bộ Y tế và Quỹ dân số Liên hợp quốc kêu gọi sự đầu tư nhiều hơn nữa cho trẻ em gái. Nhằm xây dựng một thế giới mà trẻ em gái được thực hiện các hoài bão và khát vọng của mình, được tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, có kiến thức và sự tự tin cần thiết để đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống.
“Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” là chủ đề ngày Dân số Thế giới 2016
Tiến sĩ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA cho biết: “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững kêu gọi chúng ta không cho phép để cho bất kỳ ai tụt lại phía sau. Trẻ em gái vị thành niên thuộc nhóm dân số thiệt thòi nhất, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em không được đi học, bị bóc lột hoặc áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. Vì vậy các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung và bảo vệ quyền lợi để giúp các em có quyền được hiểu, kiểm soát cơ thể mình và quyết định cuộc sống của chính mình”.
Ở nhiều quốc gia, khi một em gái đến tuổi dậy thì đã bị gia đình và xã hội mặc định là sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Chính vì vậy, em có thể phải bỏ học, bị ép kết hôn sớm và làm mẹ khi chưa sẵn sàng cho việc đó. Tương lai của các em có thể bị hủy hoại, tiềm năng không bao giờ được phát huy.
Nhưng khi các em gái được học tập cao hơn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, có khả năng tự quyết định cuộc sống chính mình một cách đúng đắn nhất thì không chỉ mang lại lợi ích cho các em mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho thế hệ tương lai, gia đình và toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ
Hiện tại, Việt Nam đang trải qua thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỉ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử Việt Nam. Phát biểu trong buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Ở nước ta, nhóm dân số trẻ từ 10 – 24 tuổi chiếm 40% dân số. Tận dụng được thời kỳ này sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Một số quốc gia khác ở Châu Á đã thành công bằng việc đảm bảo tất cả các nhóm dân số đều được quan tâm, mỗi thanh thiếu niên đều được giáo dục và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình.”
Bà Astrid Bant, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: “Đảm bảo rằng trẻ em gái cũng giống như trẻ em trai được thực hiện quyền lợi của mình: quyền phát biểu ý kiến, quyền được lắng nghe, quyền đi học,… Điều này không chỉ cần thiết cho cuộc sống của các em mà còn là nền tảng quan trọng về sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc của gia đình và cộng đồng cũng như cả quốc gia".
Bà Astrid Bant – Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục những kiến thức về sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho những trẻ em gái vị thành niên có cơ hội phát huy tiềm năng trong các hoạt động công tác Đoàn để các em hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Với thông điệp “Không bỏ ai lại phía sau”, UNFPA và Bộ Y tế cùng các cấp, ban, ngành đã và đang nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, để Việt Nam có thể tận dụng được những tiềm năng của thời kỳ “Cơ cấu dân số vàng”, góp phần xây dựng một Việt Nam vững mạnh và công bằng cho tất cả.
Theo thống kê, mỗi ngày trên thế giới có 20.000 trẻ em gái vị thành niên sinh con. Tại các nước đang phát triển thì cứ 3 trẻ em gái vị thành niên sẽ có 1 em kết hôn trước 18 tuổi. So với trẻ em trai cùng trang lứa, trẻ em gái phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn, đặc biệt ở những khu vực, vùng miền còn tồn tại các hủ tục như tảo hôn hay cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ,… |