Tại phiên họp tổ của QH về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính-ngân sách,Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ nhiều vấn đề nêu trong Báo cáo của Uỷ ban Tài chính ngân sách (Uỷ ban TCNS) về kết quả tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán 2018.
Ngân sách Trung ương đang hụt thu
Theo nhận định của Ủy ban TCNS, Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong công tác chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP), trong khi thu ngân sách trung ương (NSTW) ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, vai trò chủ đạo của NSTW khó được đảm bảo.
Trong đó thu nội địa uớc cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế. Số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30/9/2017).
Về cân đối và bội chi NSNN, Ủy ban TCNS đánh giá cao kết quả điều hành NSNN của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi NSNN, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay. Vì đây là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy nhiên, mức bội chi giảm so với thực tế là do giảm phần bội chi của NSĐP, bội chi NSTW vẫn tăng so với dự toán.
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến bội chi NSNN. Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của NSNN năm 2017, đồng thời tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.
Về vấn đề thu NSNN từ 3 khu vực chính không đạt dự toán, năm nay ước tính thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước đạt 92,3% dự toán, từ khu vực DN FDI ước đạt 95,1% dự toán, ngoài quốc doanh ước đạt 97,2% dự toán. Thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan, cả 3 khu vực này đều được giao dự toán khá cao. So với năm 2016, dự toán khu vực DNNN tăng 8,8%, DN FDI tăng 22,9%, ngoài quốc doanh tăng 23,8%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, dù không đạt dự toán nhưng mức thực hiện vẫn là tích cực và có sự tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan là dù kinh tế khởi sắc nhưng nhiều DN còn khó khăn. Ước tính, cứ thêm 4 DN đăng ký mới thì 3 DN đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu từ khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Liên quan đến ý kiến về nguồn thu NSTW khó khăn trong khi đã tăng khai thác 1 triệu tấn dầu thô, Bộ trưởng nêu rõ trong giai đoạn 2006 - 2010 tỉ trọng thu từ dầu thô (cả xuất khẩu và nhập khẩu) trong tổng thu ngân sách là 20%. Đến năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 3,2%, dù quy mô thu giai đoạn này đã tăng hơn 2 lần. Do đây là khoản thu của NSTW nên phần thu của NSTW ngày càng nhỏ dần. Hơn nữa, giá dầu thô đang ước thực hiện khoảng 53 USD/thùng, là mức thấp so với giai đoạn trước nên thực tế việc tăng khai thác 1 triệu tấn không đóng góp quá nhiều.
Nợ công vẫn trong giới hạn cho phép
Đặc biệt, trong phiên họp các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng thất thu thuế do nợ đọng là một bất cập trong công tác thu ngân sách hiện nay. Theo Bộ trưởng, tính đến 30/9, tổng nợ thuế cả nước là 73.900 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,4%. Nợ từ tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ, chiếm 24,4%. Còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, mất tích, chủ DN đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự, ... lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là 32,8%. Đáng chú ý, theo thống kê có tới hơn 600.000 DN, hộ kinh doanh đang nợ đọng thuế, có những đối tượng đã nợ hơn 10 năm. Mặc dù Luật Quản lý thuế đã có những giải pháp xử lý nhưng vẫn có những bất cập như giải pháp phải có Toà án phải tuyên bố phá sản mà thực tế DN chỉ tự đóng cửa, chuyển đổi mà không đăng ký ra Toà phá sản. Như vậy, theo Bộ trưởng, nợ có khả năng thu hồi chỉ chiếm khoảng 3% thu ngân sách nội địa, mức thấp so với thông lệ quốc tế là 5%.
Về điều hành cân đối ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho hay, điểm mới năm nay là trái phiếu Chính phủ, vốn ODA đã được đưa vào bội chi. Việc đưa hai khoản này vào bội chi làm nợ công tăng nhanh hơn giúp chúng ta quản lý tốt hơn, tập trung hơn. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc lớn hiện nay là công tác giải ngân. Theo rà soát, vốn trái phiếu dự toán của năm 2017 là 50.000 tỷ và 17.000 tỷ đồng từ các năm trước chưa giao. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện giao được 35.900 tỷ trong tổng 67.000 tỷ đồng này. “Chúng ta có tiền mà cũng không tiêu được. Nếu sử dụng hết đầu tư công theo kế hoạch, thì một đồng đầu tư công có thể kéo thêm 2 - 3 đồng vốn từ xã hội... Do đó đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng, thay vì tập trung nhiều vào khai thác tài nguyên khoáng sản”, Bộ trưởng nói.
Với những nỗ lực trong điều hành, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, năm 2017, là năm đầu tiên trong 10 năm qua bội chi được đảm bảo trong dự toán, cả ở con số tuyệt đối và tương đối. Năm nay, dù là năm đầu triển khai Luật NSNN mới, tính đủ cả ODA và TPCP, nhưng với quyết tâm chính trị cao, quản lý chặt chẽ nên chúng ta đã có được kết quả này. Con số, tỷ lệ về nợ công năm 2017 cũng được Bộ trưởng đánh giá là “nhẹ nhàng hơn nhiều” so với những năm trước vì dù quy mô nợ công tăng nhưng áp lực đã giảm. Theo báo cáo, đến cuối năm nay nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia vẫn trong giới hạn, nợ công được giữ trong khoảng 62,6%, so với mức trần 65%, thậm chí còn giảm, cơ cấu chuyển biến rất tích cực, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Về dự toán 2018, trong dự toán xây dựng, có ý kiến băn khoăn vì sao tăng trưởng kinh tế 2018, dự kiến là 6,5 đến 6,7, lạm phát 4% nhưng dự toán thu ngân sách 2018 chỉ tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017. Thu ngân sách bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối. Dự toán thu dầu thô 2018 giảm 7.600 tỷ đồng so với 2017, là do giảm sản lượng khai thác, giảm 1,97 triệu tấn, so với ước thực hiện 2017. Tỷ lệ để lại cho nước chủ nhà cho PVN là 28%, nhưng giảm sản lượng nên giảm số thu…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, theo cách tính của chúng ta, tăng trưởng kinh tế là căn cứ ước tính dự toán thu, chi, nhưng dù tăng trưởng không đạt thì thu chi cũng vẫn vậy, vẫn đạt, vượt dự toán. Nên những năm vừa qua bội chi phình lên, nhưng chúng ta ko cắt được đồng nào, còn tăng chi tiêu, đặc biệt là an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Đây là điều rất bất cập, dù muốn cắt nhưng không ai cắt được. Đây là bất cập điều hành chứ không phải do chính sách.