Vụ ám sát thống đốc tỉnh Punjab, ông Salman Taseer một trong những chính trị gia cấp tiến nổi tiếng nhất Pakistan đã đẩy quốc gia đầy biến động này chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị.
Thống đốc Salman Taseer, 66 tuổi - thành viên cao cấp của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông nổi tiếng là một chính khách ôn hòa, chống chủ nghĩa cực đoan. Ông không hề do dự khi công khai lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Ông cũng từng là một doanh nhân thành đạt và là ông chủ một tờ báo tiếng Anh theo đường lối tự do. Ông từng bị cầm tù vào những năm 70 dưới thời nhà độc tài quân sự Mohammad Zia ul-Haq.
Chính trị gia Salman Taseer
Ngày 4/1/2011, trở thành một ngày đen tối và tang thương đối với đất nước Pakistan khi Thống đốc Taseer, bất ngờ bị một trong những vệ sĩ của ông bắn chết tại thủ đô Islamabad.
Ông bị bắn 27 phát liên tiếp ở cự ly gần trong khi bước lên xe tại trung tâm mua sắm Kohsar Market. Ngay lập tức, vị thống đốc đáng kính ngã xuống, kẻ bắn ông ném súng ra xa và giơ cả hai tay lên hàng cảnh sát.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Rehman Malik xác nhận, hung thủ là Malik Mumtaz Hussain Qadri (26 tuổi), một cận vệ của ông Taseer thuộc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Punjab.
Theo báo cáo của cảnh sát, Qadri là một trong 11 cảnh sát đặc nhiệm không đạt tiêu chuẩn để bảo vệ các quan chức cao cấp. Tuy nhiên, hắn vẫn được nằm trong đội ngũ bảo vệ cho ông Tasser.
Liên quan tới vụ việc này, cảnh sát đã bắt giữ người bổ nhiệm Qadri vào nhóm vệ sĩ bảo vệ ông Tasser.
Hung thủ Malik Mumtaz Hussain Qadri bắn chết ông Taseer ngay khi ông bước lên xe
Trong lời khai với cảnh sát, hung thủ Qadri thừa nhận đã giết ông Taseer bằng khẩu súng Ak-47 với băng đạn 30 viên. Hắn sát hại ông Tasser vì ông phản đối luật báng bổ của Hồi giáo, cấm bất kì lời nói nào xúc phạm nhà tiên tri Muhammad. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, nhiều người tuyên bố vụ ám sát là “hành động vinh quang mà Qadri đã làm cho đạo Hồi”.
Nhưng đối với nhân dân Pakistan, cái chết bất ngờ của Thống đốc Salman Taseer khiến cả nước đau đớn và thương xót. Thủ tướng Pakistan, Yousuf Raza Gilani - nhà lãnh đạo có đường lối thân Washington và được người Mỹ hậu thuẫn, tuyên bố ba ngày quốc tang và yêu cầu treo cờ rủ trên cả nước. Ông cũng ra lệnh, điều tra về cái chết của ông Taseer ngay lập tức và kêu gọi các bên bình tĩnh.
Trước khi bị sát hại, ông Taseer công khai mở chiến dịch chống lại “Luật báng bổ” đầy tranh cãi của Pakistan, nơi mà theo nhận định của các chuyên gia, trào lưu Hồi giáo cực đoan đang lấn lướt trong xã hội.
Luật báng bổ kết án tử hình đối với bất cứ ai bị khép tội “báng bổ đạo Hồi”. Rất nhiều kẻ quá khích ở Pakistan đã giận dữ khi ông lên tiếng ủng hộ Asia Bibi, một phụ nữ theo Thiên Chúa giáo bị một tòa án ở Punjab kết án tử hình hồi tháng 11-2010, vì dám “phỉ báng nhà tiên tri Muhammad”.
Sự giận dữ tăng lên gấp bội khi ngày 22-11-2010, đích thân ông Taseer cùng vợ con đến thăm Bibi trong tù. Điều này khiến hàng loạt đảng phái, tổ chức cực đoan ở Lahore và nhiều thành phố khác đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, thậm chí còn đốt hình nộm ông kèm theo những tiếng hô vang “Chiến thắng cho Hồi giáo”, “Taseer chết đi”.
Ali Dayan Hasan, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức nhân quyền tại Pakistan, nhận xét: “Taseer là một trong những chính trị gia hiếm hoi sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình, khi công khai chống lại những hiện tượng phân biệt và lạm dụng”.
Bộ trưởng Tư pháp Pakistan, Babar Awan đã yêu cầu mở một cuộc điều tra toàn diện để phát hiện âm mưu đằng sau vụ việc. Ông cho biết: “Không thể nói rằng sự cố này xảy ra chỉ do lỗ hổng an ninh, mà còn có nhiều điểm nghi vấn khác cần được điều tra”.
Tang lễ diễn ra ngày 5/1/2011
Ngày 5-1, thi thể ông Salman Taseer, được đưa đi an táng tại Lahore (tỉnh Punjab) trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt. Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai bảo vệ an ninh. Hàng nghìn người dân Pakistan khóc than cho cái chết của ông. Nhiều tổ chức biểu tình trên đường phố, hô to “Kẻ giết Taseer phải chết”.
Bà Shehla, chủ tịch Phòng Công Thương nữ giới Punjab nói: “Ông ấy là một trong những chính trị gia cấp tiến nhất Pakistan và luôn nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ”.
Đây là vụ ám sát chính trị quan trọng nhất ở Pakistan, kể từ sau cái chết của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, cuối năm 2007, trong một vụ đánh bom liều chết.
Đây không chỉ là mất mát lớn đối với PPP mà nó còn đào sâu cuộc khủng hoảng chính trị và làm gia tăng sự bất ổn tại quốc gia Nam Á này.